Đà Nẵng: Chuột tấn công từ ruộng đồng vào nội thị

Thứ Hai, 12/03/2007, 09:36
Từ sau bão số 6, lượng chuột ở Đà Nẵng xuất hiện ngày một nhiều. Hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu đã và đang bị chuột cắn tơi tả; nhiều vật dụng trong các hộ gia đình bị chuột phá hỏng. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp người dân đã phải nhập viện vì bị... chuột cắn.

Chúng tôi về Hoà Vang khi mặt trời vừa lên bằng cây sào, những tàn sương bắt đầu tan. Trên những ruộng lúa đang thì con gái, chuột cắn ngang tơi tả. Mặc dù đã được nghe nói về việc chuột hại lúa nơi đây, nhưng chúng tôi thật sửng sốt khi tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chuột.

Xác xơ hoa màu

Theo các nhà nông học, nếu lúa bị chuột hại trong thời gian từ 15-20 ngày tuổi thì vài chục phần trăm cũng không ảnh hưởng năng suất bao nhiêu do khả năng tự phục hồi của cây. Đằng này, lúa đang thì con gái, có nơi lúa đã bắt đầu làm đòng... Với những thửa ruộng lúa này, đến mùa thu hoạch bà con nông dân đành buông tay mất sản lượng.

Nhìn những cánh đồng, tôi thật không bất ngờ khi cầm số liệu mà chị Đồng Thị Yến, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật (CCBVTV) Đà Nẵng cung cấp: Hiện Đà Nẵng có tất cả 4.127ha lúa bị chuột cắn phá trên diện rộng, riêng quận Cẩm Lệ đã có 25ha lúa bị hư hại nặng, chiếm hơn 10% diện tích lúa nước của bà con. Không riêng gì lúa, những bãi bắp bắt đầu có hạt, những vồng khoai bắt đầu cho củ cũng bị chuột cắn nát.

Trước sự tấn công của chuột, nhiều địa phương ở Đà Nẵng đã phát động người dân ra quân diệt chuột, có nơi còn thu mua đuôi chuột với giá từ 300-500 đồng/đuôi để khuyến khích người dân diệt chuột. Nhưng đáng tiếc phong trào diệt chuột ở các địa phương không thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của bà con nông dân.

Tan tành đồ gia dụng

Khi màn đêm bắt đầu buông xuống cũng là lúc khắp các góc phố, khu dân cư của thành phố Đà Nẵng chuột bắt đầu xuất hiện. Chúng dạn dĩ như vật nuôi trong nhà. Không khó để tận mắt chứng kiến cảnh chuột kéo nhau đi kiếm ăn thành bầy đàn trong các khu nhà tập thể, khu dân cư hay các công sở, nhà máy trên địa bàn thành phố. Nhiều hộ gia đình đã bị chuột cắn phá, làm chập điện, hư hỏng các vật dụng đắt tiền như tivi, tủ lạnh, máy giặt...

Đã hơn một tuần trôi qua từ khi bị chuột cắn làm chập điện cháy chiếc tivi trị giá 45 triệu đồng nhưng chị Hoàng Thị Thanh ở Thanh Khê, Đà Nẵng vẫn còn bàng hoàng tiếc của. Chiếc tivi là món quà đầy ý nghĩa của vợ chồng đứa út sau hơn 5 năm về quê để mừng tuổi ba mẹ năm mới.

Để tránh chuột, nhiều hộ gia đình buộc phải cất tất cả thức ăn, quần áo, chăn màn, đồ dùng điện tử... vào tủ, lúc sử dụng mới dám đem ra. Dạo quanh một vòng các cửa hiệu sửa chữa tivi, tủ lạnh ở Đà Nẵng, chúng tôi thấy tràn đầy hàng bị chuột cắn dây điện gây chập cháy, hư hỏng.

Tại chung cư Vũng Thùng, do ẩm thấp nên chuột sống thành đàn, việc người dân đi lại giẫm phải chuột không còn là điều lạ nơi đây. Nghiêm trọng hơn có người đã phải nhập viện vì đêm ngủ chuột cắn màn, cắn luôn vào chân, tay.

Thuốc diệt chuột: thêm một lời cảnh báo

Thiên địch của chuột phải kể đến là các động vật như mèo, chó, chim cắt, cú mèo, các loại rắn... song mấy năm gần đây, một số người do thiếu hiểu biết về hệ sinh thái môi trường, một phần do chạy theo lợi nhuận, kể cả việc sùng bái tác dụng thần kỳ của các món ăn đặc sản do tưởng tượng nên các loại động vật diệt chuột trên đang dần bị tiêu diệt, điều này đã tạo cho chuột có cơ hội sinh trưởng cao.

Hiện nay, CCBVTV Đà Nẵng đã phát, hỗ trợ 100kg thuốc Fokeba 20% chứa 80% photphua kẽm để người dân ở các địa phương đặt thuốc diệt chuột. Được biết, thuốc Fokeba là loại thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế sử dụng ở Việt Nam, Fokeba rất độc đối với người và các động vật nên thường sau các chiến dịch diệt chuột thường có một số động vật nuôi bị chết do trực tiếp ăn phải bả độc hoặc ăn các xác động vật bị chết vì bả.

Mặc dù CCBVTV Đà Nẵng đã triển khai tập huấn, hướng dẫn cán bộ kỹ thuật các địa phương, để sau đó truyền đạt lại cho bà con nông dân. Nhưng theo chúng tôi nghĩ, trước khi đưa thuốc Fokeba với số lượng lớn để người dân diệt chuột, CCBVTV Đà Nẵng cần phối hợp với các địa phương tuyên truyền về tính độc hại của thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Việc thuốc diệt chuột cướp đi sinh mạng của người dân do bất cẩn khi sử dụng vẫn mãi là bài học không thể nào quên. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, việc diệt chuột phải diễn ra cùng thời điểm nhất định, cùng quyết tâm của mọi người mới thu được kết quả tốt

Dương Sông Lam
.
.
.