Đà Nẵng: Bệnh tay chân miệng ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo "tái xuất"

Thứ Năm, 25/10/2007, 10:48
Tin từ : Tính đến thời điểm này đã có  219 ca nhiễm bệnh tay chân miệng đến Bệnh viện da liễu TP Đà Nẵng điều trị. Từ đầu năm 2007 đến nay do sự thay đổi thất thường của thời tiết nên cũng đã xuất hiện nhiều dạng bệnh trái mùa khó kiểm soát, có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng. 

Bệnh tay chân miệng (TCM)

Bệnh TCM (Hand - Foot - Mouth Disease - HFMD) là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả người trưởng thành. Đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.

Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét.

Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước.

Ban điển hình thường xuất hiện, khu trú ở các vị trí tay, chân và miệng nên bệnh có tên Bệnh TCM. Nguyên nhân gây bệnh là do một nhóm virus thuộc nhóm virus ruột gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là Coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71 và các virus ruột khác.

Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh... Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày.

Bệnh TCM thường có 2 tác nhân gây bệnh là siêu vi trùng Coxacki A16 và Enterovirus 71. Với tác nhân Coxacki A16, bệnh thường tự thuyên giảm và khỏi sau một tuần lễ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc loét miệng.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do Enterovirus 71 có thể khiến trẻ dễ bị các biến chứng nặng, như: viêm não - màng não,  viêm cơ tim, phù phổi, liệt mềm cấp... Các biến chứng trên có thể gây tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ.

Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh TCM, tuy nhiên biện pháp vệ sinh chặt chẽ có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh, nâng đỡ như hạ sốt, giảm đau và theo dõi biến chứng.

Ngăn chặn nguy cơ bùng phát

Theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết: Qua 9 tháng đầu năm 2007, số bệnh nhân mắc bệnh quai bị và TCM trên địa bàn tăng mạnh. Bệnh TCM có tới 210 trường hợp mắc bệnh (tăng gần 30 lần).

Tập trung nhiều nhất vào tháng 5 có 75 ca; tháng 9/2007 có 33 ca, hầu hết các ca nhiễm bệnh đều ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo (từ 3-6 tuổi).

Dịch TCM  xảy ra ở các nhà trẻ thường vào các tháng hè thu, thời điểm giao mùa. Cùng thời điểm với sự gia tăng số ca bệnh tại cộng đồng như bệnh nhiễm trùng ngoài da, bệnh thủy đậu, bệnh do nhiễm siêu vi Herpex...

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc TTYTDP TP ĐN cho biết: Theo nhận định của Khoa dịch tễ - TTYTDP TP thì trong những tháng cuối năm này, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy dịch bệnh có nhiều khả năng bùng phát mạnh.

Về nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị lây lan bệnh nhanh và khó kiểm soát một phần là do sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ và cả những giáo viên, nhân viên giữ trẻ trong việc phòng ngừa căn bệnh này.

Có rất nhiều cha mẹ bệnh nhi khi đưa  trẻ vào viện vẫn không xác định con mình mắc bệnh gì và nguyên nhân do đâu. Còn các giáo viên và nhân viên giữ trẻ ở các trường mẫu giáo, tiểu học thì vẫn để trẻ mắc bệnh đến trường, đồng thời không đảm bảo các yếu tố vệ sinh trong sinh hoạt của trẻ...

Đối với các bậc phụ huynh để giảm nguy cơ nhiễm trùng da cần phải vệ sinh thân thể cho trẻ như: Không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da; súc miệng mỗi ngày; chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày; cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo… Cho trẻ mắc bệnh nghỉ học từ 7 đến 10 ngày khi phát hiện có bệnh nhằm tránh lây lan.

Được biết, cho đến thời điểm này, TP Đà Nẵng chưa có trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nào gây biến chứng viêm não nặng dẫn đến tử vong, tuy nhiên, ngành y tế, giáo dục đào tạo, các trường mẫu giáo, nhà giữ trẻ  không nên lơ là chủ quan trong việc giám sát chặt chẽ căn bệnh này

Hoài Thu
.
.
.