DN ủng hộ cho lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng

Thứ Ba, 20/09/2011, 15:14
Trong quá trình lấy ý kiến tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được sự đồng tình của nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều lao động nữ.

Ngày 19/9, tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách thai sản 6 tháng trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, có một vấn đề liên quan đến số dư trên 7.100 tỷ đồng của Quỹ Bảo hiểm xã hội chế độ ốm đau, thai sản, trong khi các chế độ cho lao động nữ sinh con và trợ cấp thai sản vẫn còn thấp. Cùng với đó, một thực tế nhức nhối vẫn diễn ra tại hầu khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước là tình trạng không có nhà trẻ khiến nhiều lao động sau khi hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng theo qui định hiện hành thì vẫn tiếp tục phải xin nghỉ không lương để chăm con.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, từ năm 2007-2010, Quỹ ốm đau và thai sản do người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ lương đã thu được hơn 19,8 nghìn tỷ đồng nhưng số tiền chi cho chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức chỉ đạt 68,07%, trong đó chi cho trợ cấp sinh con và nuôi con chiếm 46%. Như vậy, số tiền dư quỹ đến cuối năm 2010 (kể cả lãi đầu tư) còn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng, chiếm đến hơn 30%.

Lao động nữ ở nhiều KCN, KCX mong mỏi có nhà trẻ để gửi con yên tâm đi làm.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ theo quy định hiện hành (chế độ ốm đau, thai sản khi khám thai, sẩy thai, nạo/hút thai…) thì khi tăng thời gian thai sản lên 6 tháng, số tiền chi trả trợ cấp ốm đau và thai sản cũng chỉ đạt ở mức hơn 85% và đến năm 2030 số chi bằng 92% số thu (quỹ dự phòng còn 8%), vẫn đảm bảo Quỹ ở mức an toàn. BHXH Việt Nam cũng kiến nghị không tăng mức đóng của doanh nghiệp, vẫn duy trì ở mức 3% quỹ lương.

Đại diện Tổng Công ty May Hưng Yên, đơn vị đang sử dụng 12.000 lao động, trong đó 70% là lao động nữ cũng đã nêu thực trạng ở các doanh nghiệp may Hưng Yên là lao động nữ thường nghỉ 5 tháng, nhưng sau đó vẫn xin nghỉ thêm, nghỉ không lương. Điều này quá thiệt thòi cho lao động, trong khi nếu để tiếp tục đi làm họ phải thuê người trông con từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Đời sống của lao động nữ càng trở nên khó khăn, thiếu thốn hơn sau khi sinh. Trong khi đó, cuộc khảo sát của Tổng Liên đoàn cũng cho thấy, trong thời gian nghỉ thai sản, có 81,5% nữ công nhân lao động được hưởng lương hoặc bảo hiểm xã hội từ 4 đến 5 tháng, vẫn còn 9% không được doanh nghiệp trả lương và BHXH.  

Điều đáng mừng là trong quá trình lấy ý kiến tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được sự đồng tình của nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều lao động nữ. Tuy nhiên, ngoài việc nâng thời gian nghỉ để chị em có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, phát triển nòi giống, Bộ luật Lao động sửa đổi cũng cần có những qui định cụ thể về trợ cấp nuôi con, trợ cấp phí gửi trẻ và mạng lưới các trường mầm non tại các KCN, KCX

Thu Uyên
.
.
.