DN kinh doanh thép phế liệu và phá dỡ tàu cũ "bó tay" vì luật

Thứ Năm, 20/07/2006, 13:35
Các doanh nghiệp tỏ ra rất bức xúc, thậm chí khá gay gắt trước các quy định tại Điều 42, 43 của Luật Bảo vệ môi trường liên quan trực tiếp tới hoạt động ngành nghề của họ.

Tổ chức vào ngày 16/7 với sự tham dự của hầu hết các "anh cả đỏ" trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) thép phế liệu và phá dỡ tàu cũ tại TP Hải Phòng, "diễn đàn" được xem là bất bình thường này diễn ra chỉ sau 15 ngày cả nước triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

Bắt đầu từ ngày 1/7, luật cấm các hành vi: "Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ"… Rồi nữa, "Sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tái chế phải có đủ điều kiện sau: có kho bãi dành riêng cho tập kết phế liệu, đảm bảo về bảo vệ môi trường; có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm; có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đạt tiêu chuẩn"...

Ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Ngô Quyền (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) bức bối cho rằng: Với nội dung trên, luật đã… bó tay hoàn toàn, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp phá sản do đã ký hợp đồng mở L/C hoặc đã thanh toán những lô hàng (chưa về Việt Nam) trước ngày 1/7. Ông Mão lý giải thêm: Tàu phá dỡ hay các phương tiện như tàu hỏa, sà lan… có tới 90% là sắt, thép.

Những phương tiện này khi còn hoạt động đều phải tuân thủ theo Công ước quốc tế về đăng kiểm hàng hải. Khi được đưa vào phá dỡ đều có ý kiến của cơ quan quản lý môi trường địa phương với từng con tàu. Do vậy, việc cấm nhập tàu về phá dỡ là không tôn trọng thực tế. Nên chăng, các cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn các loại tàu nào thì không được nhập, không nên đánh đồng để rồi cấm hoàn toàn.

Đại diện Công ty cổ phần Thép Thái Sơn thì chứng minh: phá dỡ tàu cũ là một nghề truyền thống đã có từ 30 năm nay và không chỉ ở Hải Phòng. Chỉ riêng năm 2005, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này tại địa phương lên tới 2.000 tỷ đồng, nộp vào ngân sách không dưới 100 tỷ đồng/năm, đặc biệt đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động phổ thông…

Đáng chú ý là ý kiến của ông Giám đốc Doanh nghiệp Quý Hải khi cho rằng, hiện tại, Chính phủ đang khuyến khích sản xuất phôi thép trong nước và hạn chế phôi thép nhập khẩu. Nguồn thép phế liệu dù trong nước hay nhập khẩu là nguồn vật tư dồi dào cho các nhà máy thép ở khu vực phía Bắc. Lợi nhuận mà ngành Thép thu được nhờ nguyên liệu phá dỡ tàu cũ là rất lớn, ở mức siêu lợi nhuận. Chính vì lẽ đó, luật cần có sự điều chỉnh lại. Nên quy định rõ những danh mục phương tiện cấm nhập khẩu, không nên gói gọn như vậy…

Cơ quan quản lý Nhà nước nói gì?

Đưa ra con số gần 100 con tàu cũ nhập qua cửa khẩu Cảng Hải Phòng từ năm 2001 đến nay, ông Đỗ Đức Tiến, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng khẳng định: Cảng Vụ chưa phát hiện có vấn đề gì liên quan tới an toàn, an ninh cảng biển.

Đại diện Cục Hàng hải thì nhất quyết: Không thể dừng SXKD bởi những hiệu quả không thể phủ nhận về kinh tế - xã hội… từ thép phế liệu và phá dỡ tàu cũ. Vấn đề cốt lõi lúc này là các doanh nghiệp phải biết kiên nhẫn trụ vững chờ những quyết sách và điều chỉnh mới của Quốc hội, Chính phủ…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng đồng nhất quan điểm: Cái "được" của SXKD thép phế liệu và phá dỡ tàu cũ là rất lớn. Ông Thọ nhấn mạnh, riêng tại địa bàn Hải Phòng, trong những năm qua, yếu tố môi trường đã được các doanh nghiệp chú ý. Chưa có dấu hiệu của những vụ ô nhiễm nghiêm trọng. Các đơn vị SXKD đã tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những cái "được" nói trên, ông Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra rất nhiều cái… "chưa được" trong lĩnh vực phá dỡ tàu cũ ở Hải Phòng cũng như tại các địa phương khác của cả nước nói chung.

Đây có thể xem là những căn cứ để Quốc hội đưa vào Luật điều 42 - cấm nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ. Trước hết, đó là việc phá dỡ tàu cũ ở Việt Nam đều hoạt động một cách thủ công, không có nhà xưởng, kho tàng, bến bãi riêng…, công việc quản lý chưa tốt dẫn tới tiềm ẩn những vụ tai nạn cháy, nổ và những sự cố khác liên quan đến môi trường sinh thái. Thứ hai, hầu hết các đơn vị SXKD ngành nghề này đều không hề có giải pháp xử lý các chất thải, chất độc phát sinh trong quá trình phá dỡ như: a-mi-ăng, cặn dầu, nước thải, khí CFC, dầu thải, sơn… Những hóa chất này gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người song đều bị doanh nghiệp dễ dàng bỏ qua…

Như vậy, có thể thấy, luật không "xiết chết" doanh nghiệp mà là xiết chặt kỷ cương bảo vệ môi trường trước những nguy cơ tiềm ẩn của hoạt động phá dỡ tàu cũ. Tuy nhiên, mọi việc đều có hai mặt của nó. Với tư cách là một ngành nghề truyền thống, đã có từ hơn ba chục năm nay, với lực lượng lao động dồi dào và hiệu quả kinh tế mang lại cho xã hội, cho đất nước, không lẽ từ đây, ngành SXKD phế liệu và phá dỡ tàu cũ bước vào cảnh xế bóng trong khi tại nhiều quốc gia khu vực, ngành công nghiệp này vẫn đang tồn tại và phát triển mạnh?

Luật đã ban hành không thể không thi hành. Kết thúc bài viết này, xin nêu lại ý kiến của một doanh nhân: muộn còn hơn không, rất mong trong các lần điều chỉnh, Luật Bảo vệ môi trường sẽ coi SXKD thép phế liệu và phá dỡ tàu cũ là một loại hình SXKD đặc biệt, có điều kiện. Chỉ có vậy, mới có thể cứu sống được ngành nghề này

Duyên Hải
.
.
.