DN "chạy vượt rào" xin giấy phép kinh doanh

Chủ Nhật, 07/01/2007, 08:42

51% số giấy phép được rà soát có vấn đề về căn cứ pháp lý. Nổi cộm nhất là các giấy phép cấp Bộ, địa phương về lĩnh vực kinh doanh quảng cáo, giấy phép về điều kiện kinh doanh xăng dầu, văn bản kinh doanh về ôtô liên tỉnh. Đó là kết quả của một nghiên cứu mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.

Theo thông tin của Ban Pháp chế VCCI, nhiều ngành kinh tế Việt Nam đang bị sa vào "vòng xoáy ma trận về giấy phép". Thực tế này không chỉ tồn tại ở nhiều Bộ, ngành, mà còn xuất hiện ở nhiều cơ quan hành chính và quản lý ở các địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu, 100% giấy phép có điều kiện cấp phép hoặc không minh bạch, hoặc không khả thi hoặc vô nghĩa; rất nhiều giấy phép có điều kiện chung chung, không khả thi... 89% giấy phép có vấn đề về thủ tục cấp phép.

Bi quan hơn khi mà 100% giấy phép không có thông tin chính thức về hiệu quả quản lý của việc cấp phép. Thực trạng này đã dẫn tới hệ quả là, tình trạng kinh doanh không giấy phép khá phổ biến (nhất là kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, dược phẩm), kinh doanh vi phạm các điều kiện ghi trong giấy phép (kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, đại lý game onlines...).

Trong một cuộc điều tra 6.379 doanh nghiệp tư nhân năm 2006 của VCCI cho thấy, trung bình mỗi doanh nghiệp có tới 3,57 giấy phép các loại (tỉnh nhiều nhất là Bình Phước, mỗi doanh nghiệp trung bình có tới 7,47 giấy phép, tỉnh ít nhất là Tuyên Quang, mỗi doanh nghiệp cũng có tới  2,31 giấy phép).

Thực tế của việc giấy phép con và giấy phép mẹ nối tiếp nhau ra đời đã khiến cho 17,86% doanh nghiệp phải mất từ 30-90 ngày xin và chờ có giấy phép để đi vào hoạt động chính thức. 12,42% doanh nghiệp thừa nhận rất khó khăn để có đủ các loại giấy phép cần thiết. Nguyên nhân là do thủ tục cấp phép không hề đơn giản chút nào.

Bất cập nhất là việc xin cấp phép quảng cáo. Để có trong tay doanh nghiệp phải xin tới 12 con dấu từ 6 cơ quan (quy hoạch, xây dựng, nhà đất, giao thông đô thị, quận, phường...). Công đoạn nộp hồ sơ xin cấp phép giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp cũng rất phức tạp.

Thực ra, không chỉ chờ thông tin từ VCCI mới thấy được tình trạng bất cập về giấy phép. Trước đây, Ngân hàng Thế giới từng có công bố về vấn đề kinh doanh của Việt Nam thì thấy rằng, Việt Nam xếp thứ 25/175 nước và nền kinh tế có chỉ số về giấy phép kinh doanh.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, việc nghiên cứu và cung cấp thông tin của VCCI là đáp ứng nhu cầu thực tế. Song vấn đề nổi cộm trong cuộc sống liên quan tới nhiều người dân là đất đai, liên quan tới doanh nghiệp là đầu tư, trong đầu tư có quá nhiều vấn đề liên quan tới đất đai, rất tiếc hai vấn đề có tính chất quan trọng này lại chưa được quan sát.

Luật gia Từ Lê, Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu và đào tạo về quản lý, Thành hội Hà Nội thì cho hay, câu chuyện "Giấy phép, đăng ký kinh doanh và cải cách hệ thống giấy phép đăng ký kinh doanh" là một câu chuyện dài. Qua nghiên cứu này một lần nữa rung lên tiếng chuông về tình trạng vô lối của giấy phép, chắc chắn rằng, những cơ quan công quyền không thể không quan tâm.

PGS. TS. Trần Đình Hảo (Viện Nhà nước và Pháp luật) thì cho hay, trên thực tế, những nỗ lực cải cách hệ thống giấy phép kinh doanh ở Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả và hiệu quả bước đầu thiết thực, nhưng chắc chắn là, từ phía chính quyền lẫn giới doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đều chưa hẳn đã thỏa mãn và hài lòng về hiện trạng hệ thống kinh doanh giấy phép kinh doanh ở Việt Nam (do đã được cải cách). Ông Hảo cũng nhấn mạnh trong cấp phép cần phải minh bạch, rõ ràng và nhất quán về các điều kiện, cũng như trình tự thủ tục cấp phép.

Ông Trần Hùng, đại diện cho phía Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thì bức xúc, qua công bố trên cộng với khảo sát thực tiễn cho thấy, phần lớn các loại giấy phép thực sự chưa xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn, điều này đã tạo ra từ 2-3 lớp "rào" cho phía doanh nghiệp, từ "rào" của Chính phủ tới các Bộ, ngành quản lý, đến "rào" của UBND các tỉnh, thành phố, chưa kể các quận, huyện có những quy định riêng

Văn Nguyễn
.
.
.