ĐBSCL: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở

Thứ Tư, 17/10/2012, 01:14
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa mưa lũ, hiện chính quyền địa phương các cấp đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp thiết, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân. Toàn vùng ĐBSCL vẫn còn hàng ngàn hộ dân sống dọc vành đai sạt lở bờ sông chưa được di dời đến nơi an toàn, ngày đêm thấp thỏm lo sợ sạt lở.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới

Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 điểm nóng sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17km. Vùng sạt lở nóng nhất ở Đồng Tháp hiện nay là cù lao 5 xã thuộc huyện Thanh Bình. Những ngày qua, tình trạng sạt lở bờ sông liên tục xảy ra hết sức phức tạp, suốt chiều dài tuyến cù lao vẫn còn nham nhở những vết sạt lở của từng vạt đất, công trình, nhà cửa, cây ăn trái… đã bị trôi tuột xuống sông. Nhiều vị trí, sạt lở tạo “hàm ếch” sâu hoắm ăn vào đất liền, làm đứt tuyết đường bê tông huyết mạch nối liền cù lao 5 xã với trung tâm huyện Thanh Bình, chính quyền địa phương phải làm đường tạm dời sâu vào đất liền hơn 100m.

Tại An Giang, khảo sát mới đây của ngành chức năng cho thấy, hiện có 53 vị trí sạt lở, tăng 10 vị trí so với năm 2001 nằm dọc bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao. Các điểm sạt lở chủ yếu tại các huyện: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tại An Giang đã xảy 10 vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến hàng trăm nhà dân bị trôi tuột xuống sông. Điều đáng lo ngại, nhiều điểm sạt lở với qui mô ngày càng lớn, dài hơn 100m và lấn sâu vào bờ trên 50m. Cơ quan chức năng cũng phát hiện 13 hố xoáy nguy hiểm ven sông Hậu, đoạn qua phường Bình Đức, Mỹ Bình và Bình Khánh (TP Long Xuyên).

Nước đến đâu, dọn nhà đến đó

Hiện Đồng Tháp có hơn 1.400 hộ dân sống trong vành đai sạt lở, cần di dời đến nơi an toàn, chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Thanh Bình và Hồng Ngự. Ông Đào Văn Lía, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Thanh Bình) cho biết, vùng sạt lở trên địa bàn xã kéo dài gần 4km, với 250 hộ nằm trong vành đai nguy hiểm.

Sạt lở ăn sâu vào đất liền, chia cắt con đường giao thông chính của xã Tân Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Trong căn chòi dựng tạm nằm cặp bờ sông, ông Triệu Văn Đặng (65 tuổi, ngụ ấp Tân Phú A, xã Tân Bình) thở dài: “Năm ngoái, nhà tui cách bờ sông khoảng 30m, nhưng sau 2 lần sạt lở thì giờ chỉ còn một lỏm đất cặp mé lộ, đủ cất tạm cái chòi cho 4 người sinh sống. Từ đầu mùa lũ đến nay, đêm nào vợ chồng tôi cũng dắt mấy đứa cháu qua ngủ nhờ hàng xóm...”. Trận sạt lở kinh hoàng nhất với người dân ở xã Tân Bình diễn ra giữa tháng 7 rồi kéo dài đến tháng 9/2011, làm hàng trăm nhà dân trôi xuống sông Tiền.

Còn tại xã biên giới Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), tình trạng sạt lở nguy cấp kéo dài 6km, ảnh hưởng đến 500 hộ dân. “Theo quy định, những hộ trong vành đai sạt lở cách bờ sông khoảng 30m phải di dời, hiện nay có hơn 50 hộ sống cách bờ từ 5-15m nhưng vẫn chưa được bố trí di dời đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho hay.

Khảo sát mới đây của Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho thấy, riêng trên tuyến sông Tiền, đoạn qua địa phận các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, Tam Nông và Cao Lãnh có khoảng 200 phương tiện chuyên nghiệp bơm, hút cát trái phép. Trong đó nhiều phương tiện có tải trọng lên đến 200 - 450 tấn. Đây là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông và gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Trước tình hình sạt lở đang diễn ra phức tạp, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định trích ngân sách hơn 60 tỉ đồng để xây dựng tuyến dân cư tại xã Tân Bình (huyện Thanh Bình), bố trí hơn 300 hộ dân vào ở.

Qua kiểm tra tiến độ xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ, UBND tỉnh Đồng Tháp phát hiện có 1.569 trường hợp mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn gồm: Tam Nông 790 hộ, Tân Hồng 324 hộ, TP Cao Lãnh 183 hộ, Hồng Ngự 129 hộ, Lai Vung 66 hộ, Thanh Bình 63 hộ, Cao Lãnh 10 hộ, Tháp Mười 4 hộ.

Văn Vĩnh
.
.
.