ĐBSCL: Dân thờ ơ với dịch sốt xuất huyết

Thứ Ba, 10/07/2007, 19:28

80% số ca tử vong vì sốt xuất huyết là ở khu vực ĐBSCL, thế nhưng đến nay 90% người dân ở khu vực này vẫn thờ ơ, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang phải đương đầu với dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến cuối tháng 6/2007, các tỉnh, thành phía Nam đã có khoảng 21.000 người mắc SXH, 25 ca tử vong (trong đó ĐBSCL chiếm khoảng 80%).

Nhằm ngăn chặn dịch SXH bùng phát, nhiều tỉnh, TP đã đưa hẳn phòng chống SXH vào một trong những tiêu chí xét thi đua của địa phương. Thế nhưng, mặc dù ở các địa phương, nhiều chiến dịch công tác phòng chống SXH rầm rộ diễn ra, nhưng theo thống kê, có tới 90% người dân ĐBSCL không thực hiện các biện pháp phòng chống...

Bộ Y tế đánh giá, tình hình SXH tăng trong năm nay là do ngoài nguyên nhân về thời tiết, còn có nguyên nhân xuất phát từ sự thờ ơ với dịch SXH của chính quyền các cấp.

Tại Cần Thơ, dịch SXH tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm 2006. Điển hình như tại huyện Thốt Nốt xảy ra hơn 250 ca (có 1 trường hợp tử vong) và tổng số trường hợp mắc bệnh SXH là gần 700 ca, tăng khoảng 200 ca so với cùng kỳ 2006.

Chúng tôi đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bên ngoài trời nóng như đổ lửa. Ở Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ nhiệt độ lại càng nóng và ngột ngạt hơn bởi một lượng quá đông bệnh nhi cùng với người nhà đang chờ khám bệnh.

Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: "Do thời tiết nắng nóng, thất thường nên khoảng 10 ngày nay bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp, SXH đến rất đông, có ngày khoa phải tiếp nhận tới 900 bệnh nhân đến khám, trong đó trên 60% là các bệnh lý về hô hấp, SXH.

Bình quân một bác sĩ mỗi ngày phải khám khoảng 100 bệnh nhân, đáng lo ngại theo bác sĩ Việt, ghi nhận nhiều trường hợp đến khám lần đầu nhưng đã bị sốc SXH độ III. Do nhiều gia đình chủ quan, thử máu trong 1, 2 ngày đầu trẻ bị sốt, chưa biết bệnh SXH, nên sau đó bỏ qua không theo dõi và bệnh diễn biến nặng dẫn đến sốc.

Chị Minh An, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có con đang điều trị tại đây bộc bạch: "Mới đầu thấy nó sốt, mình nghĩ cũng như trước, rồi cho uống thuốc ban nóng, thấy bớt rồi thôi, tui cũng lu bu đồng áng không theo dõi, ai ngờ đâu mấy ngày sau nó bệnh nặng, tới bệnh viện thì các bác sĩ nói cháu bị SXH, lại bị sốc nặng do không đến bệnh viện kịp thời".

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng cho biết: Để giảm bớt tình trạng quá tải, bệnh viện đã xuất kinh phí tận dụng diện tích bãi để xe để làm thêm 3 phòng khám phục vụ bệnh nhân. Đồng thời đã kê thêm giường, nâng số giường tại Khoa Nội tổng hợp lên 50 giường, khoa SXH lên 50 giường. Hạn chế tình trạng bệnh nhân phải nằm đôi, nằm 3 ảnh hưởng đến việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Chúng tôi đang phải đề nghị bác sĩ từ Trường Đại học Y Dược chi viện trong dịp hè, tất cả điều dưỡng đều phải tham gia trực gác ca.

Tại tỉnh Đồng Tháp, bệnh SXH vẫn đang tiếp tục gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, hiện giờ tỉnh vẫn đang cố gắng kìm không cho dịch SXH tăng quá cao. Mỗi tuần có khoảng 320 ca SXH nhập viện, trong đó có 30% là bệnh nhân trên 15 tuổi, nâng số bệnh nhân SXH của tỉnh lên trên 3.300 ca. Nhiều nhất là tại huyện Thanh Bình, khiến bệnh viện ở đây trở nên quá tải vì phải tiếp nhận hơn 100 lượt bệnh nội trú mỗi ngày (trong khi tại đây chỉ có khoảng 30 giường).

Theo bác sĩ Ấn, qua 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, sở dĩ bệnh vẫn không giảm là do nhiều địa phương vẫn quá chủ quan, cán bộ không nhiệt tình tham gia vận động hoặc làm không đúng bài bản nên người dân chưa thật sự nhập cuộc. Nhiều nơi, người dân quyết liệt không chịu đổ dụng cụ chứa nước mưa có lăng quăng (vì là nguồn nước sinh hoạt đang sử dụng) hay không chịu thả cá vào vì sợ làm dơ nước... Nên dù tốn mấy trăm triệu bỏ ra, hiệu quả vẫn rất thấp vì lăng quăng và muỗi vẫn tồn tại nhiều sau chiến dịch.

Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có khoảng 2.000 trường hợp mắc SXH, có tuần có hơn 300 ca nhập viện, trong đó TP Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên có số mắc cao, tập trung ven theo quốc lộ 1A như: xã Thạnh Phú, Thạnh Qưới (Mỹ Xuyên), xã Thuận Hòa, Phú Tân, Phú Tâm (Mỹ Tú)… Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cũng đang ở trong tình trạng quá tải.

Trước tình hình dịch SXH đang lan rộng, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch SXH cho 20 tỉnh, thành phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế - Trần Thị Trung Chiến nhấn mạnh: Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mà nòng cốt là học sinh, Hội Phụ nữ, Thanh niên, Chữ thập đỏ... chủ động tham gia công tác vận động, thực hiện cùng người dân trong phòng chống SXH như diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường một cách thường xuyên, chính quyền địa phương phải cùng ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ công tác này.

Các bệnh viện, cơ sở điều trị phải tổ chức tập huấn phác đồ điều trị, tăng cường trang thiết bị, giường bệnh, cơ số thuốc để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, hạn chế tử vong

Nam Giao
.
.
.