Lá thư xin lỗi đặc biệt

Thứ Tư, 06/11/2019, 13:26
Một đứa trẻ ở ngoài xã hội được coi là trẻ hư, khi vào giáo dục tại Trường Giáo dưỡng số 2 thì ngỗ ngược, khó bảo, khó trị, luôn tỏ ra oán hận người thân, khước từ mọi sự thăm nom đến mức gần như “đoạn tuyệt” với cha mẹ. Ấy thế mà, có một ngày, nó đã viết bức thư xin lỗi dài tới 4 trang...


Người mẹ không cầm được nước mắt khi đọc những dòng chữ của đứa con trai tưởng chừng đã đánh mất chính bản thân mình. Sau 15 năm sinh ra, đây là lần đầu tiên nó biết xin lỗi từ tận đáy lòng.

Lời ăn năn của đứa trẻ hư

Ánh nắng chiều yếu ớt đổ vào căn phòng giáo vụ nằm tận phía sau của Trường Giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình). Trò chuyện với Trung tá Ngô Thị Hương Sen, chúng tôi mới biết, để giáo dục được một đứa trẻ hư nên người vất vả đến nhường nào. 

Trung tá Ngô Thị Hương Sen là giáo viên tâm lý của Đội Giáo vụ hồ sơ. Mỗi đứa trẻ khi vào đây đều trải qua những buổi tư vấn của chị. Trước khi vào trường, chúng là trẻ hư, đứa thì nghiện ma túy, đứa thì trộm cắp, cướp giật, thậm chí có đứa giết người nhưng vì còn ít tuổi nên được đưa vào giáo dục tại đây 2 năm. 

Chính vì thế mà chúng mang đủ loại tâm lý, có đứa bất ổn, có đứa ngỗ nghịch nhưng đa phần đều khó bảo, khó trị. Khi bước vào đây, bản tính bất hảo bên ngoài được chúng bộc lộ rõ nét. Giáo viên đầu tiên mà chúng gặp là chị Sen.

Trung tá Ngô Thị Hương Sen trò chuyện, động viên các em học sinh.

Có những đứa trẻ ngỗ ngược tới mức ám ảnh tâm trí Trung tá Sen nhưng nó cũng để lại cho chị nhiều cung bậc tình cảm nhất. Chị đã thành công đưa nó trở thành đứa trẻ ngoan, biết ăn năn, hối cải, biến sự lạnh lùng, vô cảm của nó trở thành một đứa trẻ dạt dào tình cảm, sống thật với cảm xúc và con người của mình. Đó là cậu học trò Đ.T.A. (Phú Thọ). 

Khi vào trường, T.A. mới học lớp 9. Bố là lái xe đường dài, mẹ buôn bán ở chợ lớn Phú Thọ, không có thời gian bên cạnh khi nó bước vào tuổi mới lớn. Chỉ tới khi con bỏ học, nghiện điện tử, theo chúng bạn thử ma túy đá thì họ mới phát hiện. Nó biến thành một người hoàn toàn khác, về nhà trộm tiền của mẹ đi chơi game, tham gia vào nhóm bạn hư đi trộm cắp. Người mẹ khi biết tất cả đã đau lòng đến mức “chết đi sống lại”.

Buổi trò chuyện đầu tiên với học trò này, Trung tá Sen giật mình khi thấy thái độ oán hận mẹ đến mức tuyệt tình của nó. Nó cho rằng, một trong những nguyên nhân mình bị đưa vào đây là có đơn của mẹ nên nó rất hận. Những đứa trẻ bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 oán hận cha mẹ thì chị đã gặp nhiều nhưng đến mức như của T.A. thì khá ít. Bởi trong mắt nó, chị Sen không chỉ đọc được sự oán hận mà còn là sự thờ ơ tới lạnh lùng khi nhắc tới cha mẹ.

Sau buổi nói chuyện với T.A., chị Sen gọi điện cho người mẹ hỏi thăm tính nết của nó. Người mẹ tâm sự rất đau khổ, chỉ còn cách đưa vào trường  giáo dưỡng mới mong cứu được con... 

Ngày hôm sau, chị gặp T.A, tâm sự về tình cảm của mẹ, tình thương yêu của mẹ để nó ngộ ra. “Em thử đặt mình vào mẹ xem, có một đứa con suốt ngày đi chơi điện tử thì sẽ như thế nào?”. T.A đã không nói gì trước câu hỏi của chị.

Ngày hôm sau, cậu học trò này quay lại gặp cô giáo, nó nói: “Em nghe cô, về suy nghĩ, nếu có đứa con như thế thì khó chịu lắm”. Chú ý quan sát, chị không thấy T.A. có gì khác thường. Chị lại hỏi: “Em có hiểu những đau khổ, xót xa của mẹ khi chứng kiến em trượt ngã không?”. T.A. vẫn không trả lời. Có lẽ, học sinh này cần thời gian. Chị để cho cậu tự trả lời, tự bộc bạch.

Sau buổi đó, Trung tá Sen sưu tầm những câu chuyện hay, những bài thơ xúc động về tình cảm của con với cha mẹ và ngược lại, rồi cả những lá thư xin lỗi của phạm nhân. Bắt đầu 7h tối hằng ngày, chị đọc trên loa phát thanh của trường. Đây là thời điểm sau bữa cơm tối, các em nghỉ ngơi để chuẩn bị ôn bài, loa phát thanh nối vào tận phòng học sinh nên em nào cũng nghe được.

Hai tuần sau, gặp lại T.A., chị giật mình khi thấy thái độ của học sinh này thay đổi rất lớn. Câu đầu tiên mà cậu nói với cô giáo của mình là: “Em đã nhận ra lỗi của mình rồi, nhận ra được tình cảm của bố mẹ với em rồi”. Chị động viên T.A. viết thư để bố mẹ cảm nhận được sự thay đổi của em.

“Tôi không ngờ T.A viết 4 trang thư. Đọc xong tôi rất xúc động, không nghĩ cậu bé thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc như vậy” - Trung tá Sen mỉm cười khi kể về thành công này. Vài hôm sau, chị nhận được điện thoại của mẹ T.A. Người mẹ bật khóc ngay khi máy vừa kết nối. “Nhờ cô giúp đỡ mà cháu thay đổi rất lớn. Từ trước tới giờ, cháu chưa bao giờ nói với chúng em những lời biết ơn như thế này. Em khóc từ lúc đọc đến lúc xem hết bức thư” - mẹ T.A nghẹn ngào nói.

Sau đó, T.A tiến bộ rất lớn. Cậu không còn khước từ sự quan tâm của bố mẹ, thỉnh thoảng lại viết thư về hỏi thăm họ. Trong lớp luôn chấp hành nội quy, nề nếp, giúp đỡ thầy cô, chăm chỉ học tập, lao động tích cực, không còn suy nghĩ tiêu cực, làm mình làm mẩy nữa. Chỉ một thời gian ngắn sau, T.A. được thầy giáo chủ nhiệm bình bầu làm đội trưởng duy trì trật tự, nề nếp, tác phong của lớp. Điều này khiến bố mẹ T.A vô cùng xúc động, họ không tưởng tượng được con mình tiến bộ nhanh như vậy.

Sau gần một năm học tập và giáo dục ở trường, T.A đã trưởng thành, cao lớn, được xét giảm sớm trở về với gia đình. Ngày ra trường, cậu đến gặp cô giáo Sen, tình cảm bịn rịn không rời. Trung tá Sen luôn theo dõi từng bước hòa nhập của học trò này. T.A. trở về tiếp tục học cấp 3, là một học sinh ngoan, ngoài giờ học còn đi làm phụ giúp bố mẹ.

Dìu dắt những tâm hồn lạc lối

Trường Giáo dưỡng số 2 là nơi giáo dục những học sinh phạm các tội trộm cắp, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí trọng tội, sau khi được tòa án xét xử nhưng chưa đủ tuổi chấp hành hình phạt thì được đưa vào đây. Nhiều học sinh chối bỏ sự quan tâm của gia đình, bỏ nhà đi lang thang... 

Nhà trường đã tuyên truyền, phát động chương trình “Viết thư xin lỗi” trên loa phát thanh. Nhiều học sinh viết thư về gia đình, phụ huynh vô cùng cảm động bởi họ không nghĩ rằng con mình lại thay đổi hướng thiện đến như vậy. “Đây là thành công trong công tác giáo dục” - Trung tá Sen nhận xét.

Một buổi sinh hoạt của học sinh Trường Giáo dưỡng số 2.

Chị kể lại, có học sinh nghiện ma túy, để có tiền đã đi bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo. Khi vào trường luôn tỏ ra mình oan ức, oán hận cha mẹ vì bố mẹ đề nghị chính quyền địa phương cho mình vào trường. 

Một tuần đầu vào trường, học sinh này thường lên “cơn vật” ma túy, sau khi cắt cơn, luôn ngơ ngác, buồn ngủ, công tác tư vấn tâm lý của chị vô cùng vất vả. 4 lần gặp gỡ, phân tích, động viên, học sinh vẫn một mực đổ lỗi cho bố mẹ. Phải nhiều ngày sau đó, nhờ kiên trì, nhẫn nại phân tích của cô giáo, học sinh mới dần hiểu ra lỗi lầm của mình.

Có lẽ, chứng kiến những học trò “đặc biệt” dần trưởng thành ở ngôi trường này, những người làm thầy như Trung tá Ngô Thị Hương Sen cũng không ít lần phải rơi nước mắt, bởi có những lỗi lầm mà các em gây ra trong quá khứ đã khiến gia đình bị hại khó tha thứ. Khi vào đây, các em luôn đau khổ, hoảng hốt, hối hận ngay cả trong những giấc mơ. Chứng kiến sự dằn vặt của học sinh Đỗ Công Tiến (Đội 7) chị đã không khỏi xót xa.

Khi gây án, Tiến mới học lớp 8. Chỉ vì mâu thuẫn với một bạn trai cùng lớp, trong lúc cãi vã, Tiến tức giận dùng dao bấm đâm bạn gục xuống bàn. Người bạn không qua khỏi. Ngay lần đầu tư vấn, Trung tá Sen đã nhận ra sự day dứt, sợ hãi, đau khổ tràn ngập trong ánh mắt của học sinh này. 

Chị kể rằng, mỗi lần Tiến lên gặp cô giáo để tâm sự đều là sự ân hận, giày vò, ám ảnh lớn. Tiến nói với cô giáo “em không biết làm thế nào để quên đi ám ảnh. Em không ngủ được, mỗi khi nhắm mắt lại, em toàn thấy bạn”. Đau khổ, ân hận đã giày vò Tiến khiến em suy sụp. Chị đã động viên Tiến gửi lời xin lỗi đến người sinh ra bạn, để cha mẹ bạn nguôi ngoai nỗi đau do em gây ra, cũng là để họ biết em có day dứt, phần nào hiểu được tâm sự của em.

Những dòng thư xin lỗi Tiến viết gửi về cho mẹ của bạn tràn đầy sự ân hận muộn màng: “Chỉ vì một phút nông nổi mà cả cuộc đời cháu phải sống trong day dứt, cả cuộc đời bị mọi người lên án. Nhiều lúc cháu nghĩ, nếu bây giờ có thể làm bất cứ điều gì để quay trở lại thời gian ấy, cháu cũng sẽ làm... 

Trong một năm ấy cháu không thể nguôi ngoai nỗi ân hận giày vò vì việc mà cháu đã gây ra cho Việt... Cháu biết dù cháu có xin lỗi cô ngàn lần đi nữa thì cũng không thể xoa dịu được nỗi đau mà cô phải gánh chịu cũng như không thể bù đắp được những mất mát mà cháu đã gây ra cho gia đình của cô. Nhưng cho dù vậy, cháu vẫn mong cô một lần thôi hãy hiểu và hãy tha thứ cho cháu để cho cháu có cơ hội làm lại cuộc đời cô nhé...”.

Nhắc tới những học sinh cá biệt mà mình đã từng tư vấn, Trung tá Ngô Thị Hương Sen không thể quên những tình cảm mà các em đã dành cho mình. Nhiều học sinh coi chị như chỗ dựa tinh thần, ra trường vẫn gọi điện hỏi thăm cô, gọi cô là mẹ nuôi. Có những học sinh gặp khó khăn cũng gọi điện cho chị nhờ tư vấn “Cô ơi, bây giờ em phải làm sao?”. 

Giúp những học sinh hư nhận ra lỗi lầm của mình, đưa các em đến con đường hướng thiện, trở về hòa nhập với xã hội, thành công dân tốt là điều nhân văn luôn được thầy cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2 như chị Sen xây đắp.

Trần Hằng
.
.
.