Ghi điểm tuyệt đối trong lòng truyền thông quốc tế

Chủ Nhật, 23/06/2019, 10:13
Ðã nhiều tháng trôi qua kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam, nhưng hình ảnh 3 lá cờ Mỹ-Việt Nam-Triều Tiên, bên dưới có biểu tượng hai bàn tay bắt chặt vào nhau vẫn xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế, với những bài viết khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà. Có thể nói, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, qua đó tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng truyền thông và bạn bè quốc tế.


Chiến lược trong công tác tổ chức

Trong một bài phân tích đăng trên trang New York Times, ông Yoon Young Kwan, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Ðại học Quốc gia Seoul nhận định, bên cạnh những diễn biến trên bàn đàm phán Mỹ-Triều, chúng ta cũng cần làm nổi bật vai trò của Việt Nam và Singapore trong chuỗi các cuộc đàm phán.

“Các quốc gia ASEAN này có vai trò quan trọng trong việc đưa Triều Tiên và Mỹ đến gần nhau”, ông khẳng định. Trên thực tế, trong suốt khoảng thời gian hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra, truyền thông quốc tế đã dành nhiều lời ngợi khen đến công tác chuẩn bị và hỗ trợ của Việt Nam với tư cách nước chủ nhà.

Lực lượng Công an được điều động ở mức tối đa để đảm bảo an ninh, an toàn cho hội nghị. Ảnh: Duy Tiến

Hãng tin AP ngày 26-2 cho biết: “Tổng thống Mỹ trong các cuộc hội kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong những bài đăng tải trên Twitter và kể cả trước khi trở lại Mỹ cũng đều gửi lời cảm ơn chân thành đến sự đón tiếp nồng nhiệt của các cấp lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Ðiều này phản ánh ấn tượng sâu sắc của người đứng đầu Nhà Trắng đối với nước chủ nhà Việt Nam”. 

Trong bài báo đăng tải ở trang chủ ngày 24-2, trang The Guardian cũng dành nhiều lời ca ngợi công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai của Việt Nam.

Trong khi đó, các hãng tin Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, AFP, BBC cũng đều có các bài đăng khen ngợi quá trình chuẩn bị bài bản, chu đáo và chuyên nghiệp của Việt Nam cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Một trong những điểm nhấn nổi bật được truyền thông lưu tâm, đó chính là công tác đảm bảo an ninh, bởi đây được coi là “yếu tố mấu chốt” tạo nên thành công hội nghị, theo Reuters. AP dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định “an ninh luôn được thắt chặt ở mức tối đa” để đảm bảo một kỳ hội nghị thành công.

Hình ảnh 3 lá cờ Mỹ-Việt Nam-Triều Tiên, bên dưới có biểu tượng hai bàn tay bắt chặt vào nhau xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế.

Cũng theo AP, Triều Tiên đánh giá rất cao công tác an ninh chặt chẽ và “có chiến lược” của Việt Nam, bởi Bình Nhưỡng luôn đặt sự an toàn của Chủ tịch Kim Jong-un lên ưu tiên hàng đầu.

Khẳng định vai trò kiến tạo hòa bình

Với tiêu đề “Việt Nam đóng vai trò kiến tạo hòa bình với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai trong bối cảnh đang tìm cách cân bằng quan hệ ngoại giao với các bên”, bài viết do Japan Times đăng tải nhìn nhận rằng, Việt Nam đã đóng vai trò là đối tác thúc đẩy hòa bình.

Theo bài báo, với việc trở thành nước chủ nhà của thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên đáng tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; sẵn sàng thúc đẩy hòa bình với các nước từng đối đầu trong quá khứ; và nỗ lực giúp các nước khác làm những điều tương tự.

Trong bài viết với nhan đề “Việt Nam – Nhà kiến tạo hòa bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên”, hãng tin Straist Times của Singapore đánh giá, việc Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện này cho thấy “Việt Nam nổi lên là một thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy nền hòa bình giữa các quốc gia”.

“Hà Nội, vốn đã là thỏi nam châm thu hút du khách nước ngoài, giờ lại càng trở nên thu hút hơn trong việc biến mình trở thành điểm đến cho các sự kiện quốc tế”, Financial Times trong bài viết có tiêu đề “Thượng đỉnh Mỹ-Triều gây sự chú ý về Việt Nam” khẳng định.

Tờ báo đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018.

Ghi điểm tuyệt đối trong lòng phóng viên

Tại cuộc họp báo được tổ chức trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Trong những ngày các bạn phóng viên đến Việt Nam tác nghiệp dịp này, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ là người nhà của các bạn”. Sự chu đáo và chân thành của nước chủ nhà Việt Nam đã “cưa đổ” trái tim của gần 3.000 phóng viên tác nghiệp tại sự kiện.

Steffen Schwarzkopf, phóng viên của kênh truyền hình Welt Channel chia sẻ, điều khiến anh ấn tượng nhất về nước chủ nhà Việt Nam có lẽ chính là khâu tiếp đón. Anh tiết lộ, trước đây, việc tác nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối khó khăn đối với phóng viên nước ngoài, nhất là khi mang theo nhiều thiết bị máy quay, ghi âm, do các yêu cầu kiểm tra và đăng ký nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, anh và đồng sự không gặp bất cứ trở ngại nào trong khâu đăng ký, nhập cảnh và tác nghiệp tại trung tâm báo chí quốc tế.

Một trong những điểm nhấn trong công tác phục vụ phóng viên của Việt Nam có lẽ là việc đưa vào hoạt động 24/24h Trung tâm Báo chí quốc tế. Cô Louies Ulrika Bergsten, phóng viên đài Truyền hình Thụy Ðiển chia sẻ, cô cảm thấy vô cùng thoải mái khi tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: Duy Tiến

Louies bật mí cô cũng đã từng tham gia đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất và cho biết, Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên để tác nghiệp không kém gì Singapore.

Còn đối với Biel Calderon, phóng viên đến từ Anh, sự đầu tư về hệ thống thiết bị mới là điều khiến anh ấn tượng: “Ðường truyền kết nối Internet quốc tế rất tốt, tốc độ cao. Có rất nhiều trạm phát 4G, 3G được bố trí thuận lợi. Tôi không mong đợi gì hơn nữa. Tuyệt vời!”.

Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, truyền thông quốc tế cũng như bạn bè khắp năm châu đã biết đến nhiều hơn về Việt Nam, một đất nước thân thiện, hiếu khách, một đối tác tin cậy cho một nền hòa bình bền vững, và một quốc gia nhiều tiềm năng đang ngày càng phát triển hơn.

An Nhiên
.
.
.