"Cựu tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về": Tôn vinh và tri ân những người có công với nước

Thứ Tư, 04/12/2013, 23:27
Tối 4/12, đêm giao lưu - ca nhạc đặc biệt mang tên "Cựu tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về" đã diễn ra tại Nhà hát Ca múa nhạc, Hà Nội. Chương trình là hoạt động quan trọng để tôn vinh và tri ân những người con ưu tú của dân tộc, đã tham gia đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dành sự quan tâm đến sự kiện này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã đến dự: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban tuyên giáo TW; Chuẩn Đô đốc Võ Văn Sở, Tư lệnh Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân; Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân.

Ban Liên lạc tù binh Việt Nam còn được nhận hoa, thư chúc mừng của các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN; đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH…

Đại diện nhiều bộ, ban, ngành; Ban Liên lạc tù binh Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các tỉnh, thành cùng các cựu tù binh Phú Quốc… đã có mặt. Dự chương trình còn có ông Phạm Bá Lữ, Trưởng Ban Liên lạc tù binh Việt Nam; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, Tổng Biên tập Truyền hình CAND, đồng Trưởng Ban tổ chức cầu truyền hình "Tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về"…

Các đại biểu dự chương trình giao lưu. Ảnh: Vũ Cảnh.

Xúc động trước sự quan tâm của mọi người dành cho các cựu tù binh Phú Quốc, ông Phạm Bá Lữ, Trưởng Ban Liên lạc tù binh Việt Nam, bày tỏ: Việc tổ chức chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp về tù binh Phú Quốc sau 40 năm chiến thắng trở về có ý nghĩa chính trị và nhân văn. Các nhân chứng là những tù binh cộng sản năm xưa đã kiên cường đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ khí tiết, phẩm chất của người cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tàn độc của Mỹ - Ngụy.

Cũng chính những con người đó về với đời thường, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe, thương tật cũng như khó khăn về kinh tế, gia đình, nhưng những tù binh năm xưa vẫn đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng và quân đội giao, xứng đáng là người cộng sản và anh bộ đội cụ Hồ. Họ tổ chức sản xuất, kinh doanh để ổn định đời sống gia đình và còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người nghèo, đồng đội và con em đồng đội có cuộc sống ổn định, góp phần vào an sinh xã hội…

Cuộc gặp mặt giữa những người tù binh của nhà lao Phú Quốc sau tròn 40 năm được trở về với đồng chí, với quê hương, đã diễn ra vô cùng cảm động. Có những người sau đúng ngần ấy năm mới được thấy mặt nhau. Những mái tóc mang màu sương trắng thời gian, những gương mặt in hằn dấu vết của năm tháng, của lao tù khổ ải, bỗng sáng bừng trong ngày họp mặt, trong niềm xúc động rưng rưng trào lên từng ánh mắt. Những người tù binh năm nào ôm lấy nhau nghẹn ngào, xúc động. Giọt nước mắt lăn trên những gương mặt nhăn nheo, quả cảm, tưởng không còn gì có thể khiến họ rơi lệ được nữa.

Các cựu tù binh xúc động khi được gặp lại các đồng đội của mình tại nhà lao Phú Quốc trước giờ buổi giao lưu bắt đầu.
Một số cựu tù binh tham gia buổi giao lưu.

Bao ký ức chợt ùa về khi những thước phim tư liệu về lịch sử đấu tranh của tù binh Phú Quốc được công chiếu, những hình ảnh còn sót lại của các trận đàn áp dã man tại "địa ngục trần gian này", trong đó có Phân khu B8, khiến 148 tù binh chết và bị thương. Những người cựu tù như thấy lại những ngày họ từng trải qua, cùng rơi nước mắt trước cảnh đồng đội bị tra tấn dã man, trước những nấm mộ nơi đảo xa mà hàng ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại, để hóa thân vào sóng vỗ ngàn trùng, cho 2 tiếng "tự do" mãi vang trên dải đất hình chữ S. Để rồi, họ càng tự hào hơn khi suốt chặng đường đấu tranh cách mạng, đã luôn vững vàng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù và cùng nhau vượt qua được những thời khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, để ngẩng cao đầu trở về với nhân dân.

Nhưng, điều khiến khán giả thật sự xúc động, là sự xuất hiện của những nhân chứng sống còn lại trong các trận đàn áp, tra tấn ở chốn lao tù với những câu chuyện đau thương và oai hùng của những người chiến sĩ cách mạng.

Tiết mục thể hiện ý chí quật cường của những người cựu tù Phú Quốc.

Ký ức của ông Nguyễn Minh Hoàng, Tô Phi Vân đã làm bao người rơi nước mắt, vì xót thương và kính phục những con người đã dũng cảm dấn thân vì nền hòa bình, độc lập dân tộc. Họ đã phải đối mặt với biết bao cực hình khổ ải, nhưng đã dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, tay không đối mặt với súng đạn của kẻ địch. Vì sự nghiệp chung, ông Vũ Văn Kim sẵn sàng rạch nhiều nhát vào bụng mình, dù biết có thể sẽ phải đối mặt với cái chết.

Đau thương mà không bi thương. Giờ đây, những người chiến thắng trở về nhìn về quá khứ, không phải để bi lụy, mà coi đó là điểm tựa để tiếp tục sống và cống hiến xứng đáng với truyền thống năm xưa. Những con người đã trải qua bao mất mát, hy sinh, một lần nữa khiến mọi người khâm phục, khi giờ đây, lại bên nhau, cất cao tiếng hát, như truyền cả tinh thần lạc quan cách mạng đến từng khán giả.

Những tấm gương trong lao động, sản xuất, những cống hiến với sự nghiệp chung của những người cựu tù binh Phú Quốc, đặc biệt là tinh thần vì đồng đội, vẫn mãi là những điểm sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng khiến thế hệ sau phải học tập.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày những người tù binh của Nhà lao Phú Quốc chiến thắng trở về, khúc khải hoàn chiến thắng vẫn vẹn nguyên dành cho họ. Bởi họ đã sống và chiến đấu thật xứng danh là "anh bộ đội cụ Hồ"

Ông Nguyễn Hữu Úc (70 tuổi, ở Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam), người đã có 5 năm 1 tháng 15 ngày bị tù ở Phú Quốc. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi mới có được cuộc hội tụ những bạn tù Phú Quốc năm xưa, được gặp lại những người đồng chí đã từng chung chiến hào đánh giặc, chung những năm tháng tù đày, đấu tranh chống kẻ thù ở nhà lao Phú Quốc.

Gặp nhau, chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm hào hùng xưa, như khi anh em tù cùng đoàn kết đánh đuổi tên cai ngục ác ôn là Trung sĩ Hương, để buộc Bộ Chỉ huy nhà tù phải nhượng bộ, cam kết không để cai tù đánh đập anh em, đồng thời, điều chuyển tên Hương đi nơi khác.

Ông Phạm Văn Đạm (72 tuổi, xã Khải Phong, Kim Bảng, Hà Nam), người đã bị tù tại Phú Quốc hơn 4 năm: Mới đây, Nhà nước đã có chính sách trả lương cho những người cựu tù binh trong chiến tranh, đã là sự quan tâm với các cựu tù chúng tôi. Nay nhờ có buổi lễ đặc biệt này, những cựu binh và cựu tù binh chúng tôi lại được gặp nhau. Mừng, tủi và cũng xúc động khôn xiết.

Chúng tôi tự hào trước sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước về sự hy sinh của chúng tôi trong quá khứ. Sự kiện này sẽ là một dấu ấn không thể nào quên với chúng tôi, cũng là lời nhắc nhở chúng tôi tiếp tục cống hiến, xứng đáng với quá khứ hào sảng của mình và đồng đội; là sự giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa với các thế hệ con cháu chúng tôi.

Ông Nguyễn Phan Trường (Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội), cựu tù binh mang số hiệu 11111, đã có gần 3 năm tù tại nhà lao Phú Quốc; ông Cao Đại Quán (Xóm 7, Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) người đã chịu cảnh tù đày ở Phú Quốc tới 8 năm rưỡi và ông Đinh Văn Túc, có hơn 1 năm tù ở Phú Quốc khi mới ở tuổi 20:

Chúng tôi vô cùng xúc động khi được có mặt trong chương trình đặc biệt dành cho các cựu tù bình Phú Quốc. Bởi điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với các cựu tù binh, dù chiến tranh đã qua rất lâu.

Sự tôn vinh những người cựu tù, còn là hành động đầy ý nghĩa: Thông qua những con người thật, việc thật, nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay luôn ý thức về việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền đất nước. Anh em cựu tù chúng tôi có cơ hội gặp nhau, ôn lại truyền thống lịch sử của những người lính cụ Hồ, ôn lại những năm tháng hào hùng đấu tranh với kẻ địch ở nhà tù Phú Quốc, là dịp tô thắm lại niềm tin chiến thắng, tinh thần lạc quan cách mạng. Chúng tôi rất tự hào vì đất nước thống nhất đã lâu, kinh tế cũng đang nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn không quên sự cống hiến của chúng tôi cho dân tộc trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện này, hơn mọi lời nói, là sự giáo dục truyền thống ý nghĩa nhất với thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là trong từng gia đình những người cựu tù Phú Quốc, khi được sống lại với niềm tự hào sáng chói, để sống và làm việc xứng đáng với cha ông.

Thanh Hằng (thực hiện)

Thanh Hằng - Vũ Cảnh
.
.
.