Cứu sống bé trai bị ngừng thở, ngừng tim do hóc thạch

Thứ Năm, 18/10/2012, 11:03
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, cho biết: Sau hơn 2 tuần được điều trị, hậu quả đã không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất của cháu bé. Bé Nghĩa sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhân bị hóc thạch.

Sáng 4/10, khi ăn thạch rau câu ở nhà, bé Lương Hữu Nghĩa (14 tháng tuổi, ở TP Bắc Giang) bị ho sặc sụa rồi tím tái toàn thân và lịm dần. Cháu lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. Dù các bác sĩ dùng phương pháp đẩy dị vật ra ngoài nhưng cháu vẫn hôn mê rồi ngừng thở, nên đã được chuyển thẳng đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Các bác sĩ đã soi và gắp các viên thạch cháu đã ăn, nhưng cháu vẫn ở trạng thái ngừng thở, người tím đen. Chiều hôm đó, bé Nghĩa đã được chuyển tiếp đến Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nguy kịch. Được cấp cứu tận tình, sau 15 phút tim cháu đã đập trở  lại và được các bác sĩ hút dị vật, cứ 1-2 tiếng/lần. Sau hơn 1 ngày thực hiện các biện pháp hỗ trợ, sức khỏe cháu bé tốt dần.

Ngày 17/10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, cho biết: Sau hơn 2 tuần được điều trị, hậu quả đã không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể chất của cháu bé. Bé Nghĩa sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhân bị hóc thạch.

Bệnh nhi Lương Hữu Nghĩa đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, hóc thạch là một trong những dị vật tương đối phức tạp, khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật. Để tránh nguy hiểm khi trẻ bị hóc dị vật, không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Tốt nhất nên sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay

Thanh Hằng
.
.
.