Cứu sông Buông trước nguy cơ bị “bức tử”

Thứ Tư, 16/06/2021, 06:37
Sông Buông ở tỉnh Đồng Nai có chiều dài 52km, bắt nguồn từ TP Long Khánh, chảy qua huyện Trảng Bom xuống TP Biên Hòa rồi đổ vào sông Đồng Nai. Đây là tuyến sông quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước và tiêu thoát nước, chống ngập cho TP Biên Hòa và những địa bàn ven lưu vực sông.


Tuy nhiên, thời gian gần đây tuyến sông này đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” khi đoạn chảy qua địa phận TP Biên Hòa bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Đồng thời trong khi 2/3 lượng nước máy của TP Hồ Chí Minh được lấy từ sông Đồng Nai thì nước sông Buông ở đoạn qua địa bàn phường Phước Tân, TP Biên Hòa luôn trong tình trạng đục ngầu và đặc quánh chảy cả ngày lẫn đêm rồi đổ ra sông Đồng Nai ở đoạn cuối nguồn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Biên Hòa kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm ven sông Buông.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm dòng sông này là đoạn qua phường Phước Tân có hàng chục doanh nghiệp, khai thác, tập kết vật liệu xây dựng đang hàng ngày, thậm chí cả đêm tiến hành phun xịt, bơm hút nước từ dưới sông lên để rửa cát, rửa đá. Sau đó nước rửa cát rửa đá lại được thải ngay xuống sông nên chất lượng nước ngày càng tồi tệ. Để xử lý tình trạng này, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã có buổi kiểm tra đột xuất đối với một số doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, cát, đá dọc sông Buông.

Qua kiểm tra cho thấy, có đến 7 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân kinh doanh đã tập kết vật liệu xây dựng cát, đá không đảm bảo về môi trường, bị xử phạt gần 300 triệu đồng. Trong số nàycó 3 doanh nghiệp bị xử phạt ở mức 70 triệu đồng mỗi đơn vị. Mức xử phạt bổ sung kèm theo là đình chỉ hoạt động bến bãi 9 tháng đối với cả 3 doanh nghiệp.

Ông Lộc cho rằng qua việc xử phạt lần này, các doanh nghiệp sẽ nhận thức được hành vi của mình đồng thời ý thức được việc bảo vệ môi trường. Cũng theo lãnh đạo UBND TP Biên Hòa, ngoài 7 doanh nghiệp, cở sở bị phát hiện vi phạm về môi trường và xử phạt nói trên, dọc sông Buông đoạn qua địa bàn phường Phước Tân, TP Biên Hòa còn có đến 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400 ha.

Trong đó có một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tình trạng ô nhiễm của sông Buông. Do đó UBND TP Biên Hòa đang phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm về môi trường.

Bảo Sơn
.
.
.