Cứu người cả trên những đoạn trường

Chủ Nhật, 17/04/2011, 10:32
Một cú tông mạnh giữa hai xe máy đi ngược chiều trên phố Quán Sứ, Hà Nội làm cho người đàn ông cao lớn văng ra khỏi xe, mặt mài xuống đường khiến anh bị choáng nằm thẳng đơ. Mấy chị công nhân vệ sinh đang cần mẫn quét dọn rác lập tức bỏ dở công việc, cùng nhau khiêng người đàn ông lên vỉa hè trong tư thế ít bị tác động đến phần đầu nhất.

1. Bằng kinh nghiệm sơ cứu người bị nạn, các chị công nhân vệ sinh đã giúp anh K. - một người làm công tác báo chí - thoát ra khỏi lòng đường để tránh các dòng xe cộ đang tấp nập qua lại và cũng tránh gây ách tắc giao thông.

Đáng chú ý là khi di chuyển người bị nạn, các chị đã cố gắng giữ phần cổ, phần đầu ổn định, đây là vấn đề rất quan trọng để tránh gây ra những sai lầm đáng tiếc nếu người bị nạn bị chấn thương sọ não, đốt sống cổ. Tuy sức lực có hạn nhưng các chị đã khéo léo đưa anh vào vỉa hè, đặt anh ở tư thế nằm thẳng và chờ xe cứu thương.

Khi thông tin anh K. bị tai nạn được báo về, lập tức hai người bạn cùng cơ quan đã có mặt. Tại đây, họ thấy quây xung quanh anh là các chị công nhân vệ sinh với bộ quần áo phản quang rất đặc trưng. Nhìn nét mặt thấy rõ họ rất lo lắng và đang sốt ruột chờ xe cứu thương. Trước khi đưa anh K. đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, một người bạn ý nhị gửi các chị công nhân vệ sinh ít tiền kèm lời cám ơn. Thấy vậy, các chị đều xua tay từ chối. Hỏi tên, các chị đều cười và không nói. Thế nên cho đến bây giờ, trong câu chuyện của anh K. và những người bạn vẫn gọi những người đã giúp mình bằng cái danh từ chung - chị quét rác.

Vâng! Chị quét rác giúp người bị nạn mà chẳng cần để lại tên tuổi, cũng chẳng nhận tiền bạc. Công việc của chị vốn dĩ vất vả, bụi bặm, đời sống của chị hẳn vẫn còn những lo toan cơm áo. Cùng khoảng thời gian các chị quét rác trên phố Quán Sứ cứu giúp đồng nghiệp của tôi thì cái tin, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một công nhân vệ sinh đang thực hiện công việc của người quét đường thì bị xe ôtô đâm gây tử vong.

Chưa ai đưa nghề làm sạch đường phố vào danh sách nghề nguy hiểm cả nhưng trong thực tế, tính mạng người công nhân nhiều khi rất mỏng manh khi họ đang làm công việc thường nhật.

2. Chúng tôi đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2, đơn vị đảm nhận việc làm vệ sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nơi quản lý các chị công nhân có nghĩa cử cao đẹp nêu trên. Chị Bùi Quý Bình, Phó trưởng Phòng Tổ chức hành chính sau khi nghe kể câu chuyện trên liền cho biết, do đặc thù nghề nghiệp nên mọi công nhân đều được học về an toàn lao động, sơ cứu người bị thương. Những kiến thức này không chỉ giúp họ giữ an toàn cho mình mà khi gặp người bị nạn cũng được đem ra áp dụng.

Trò chuyện với chị Bình, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề vệ sinh môi trường chúng tôi mới biết rằng, dù quét rác chỉ là một công việc rất đỗi bình thường nhưng người công nhân là phải tuân thủ những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Đó là những quy định chỉ được quét ở khoảng 2m tính từ lề đường trở ra để tránh đối diện với các dòng phương tiện giao thông; xe đẩy rác phải để cách lề đường 30cm; bắt buộc phải mặc áo phản quang, đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng cách khi làm việc…

Công nhân vệ sinh luôn làm việc trong điều kiện giao thông phức tạp. Ảnh: Việt Hà.

Nhìn chị công nhân đưa từng nhát chổi, những cái chổi có cán dài hơn 1m trên đường phố, ít ai biết rằng để có thể thuần thục như vậy, các chị đều phải trải qua bài học sơ đẳng đầu tiên. Nhìn chị công nhân đẩy xe gom rác trên đường cũng chẳng ai lưu tâm đến khoảng cách chị giữ giữa mình và xe; giữa xe và vỉa hè cả. Và cũng chẳng ai nghĩ rằng, việc các chị quét rác đội mũ bảo hiểm đúng yêu cầu không thường được bộ phận thanh tra an toàn lao động của các Xí nghiệp Môi trường đô thị giám sát.

Cũng giống như đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy có sự kiểm tra, xử phạt của CSGT, nếu các chị công nhân quét rác đội mũ không cài quai bị phát hiện sẽ phạt thi đua, sẽ không được lên lương…

Lý giải việc làm này, chị Bình cho rằng, đó là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho người lao động. Làm việc trên đường phố vào ban ngày thì có cái nguy hiểm là mật độ phương tiện giao thông lớn, vào ban đêm thì đường vắng nhưng các xe thường đi với tốc độ cao nên nguy hiểm luôn rình rập. Nếu việc phòng tránh không tốt khi tai nạn xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường.

Năm 2010, chỉ riêng ở Xí nghiệp Môi trường đô thị số 2 có 2 công nhân bị tai nạn lao động nghiêm trọng. Đó là trường hợp chị Hoàng Thị Phượng, sinh năm 1962. Chị Phượng bị xe máy tông vào người, chấn thương sọ não. Sau khi được các bác sỹ ở Bệnh viện Việt Đức cứu chữa, tính mạng được đảm bảo nhưng dư chấn của cuộc tai nạn khiến chị không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Hiện nay, cơ quan đang làm thủ tục để chị hưởng chế độ tai nạn lao động và nghỉ hưu sớm. Đáng chú ý là trong vụ tai nạn này, ban đầu người gây tai nạn không thỏa thuận được phần bồi thường nên phải đưa ra tòa. Tòa dân sự sau đó đã buộc người gây tai nạn bồi thường 30.000.000đ tiền chi phí phẫu thuật, thuốc men… cho chị Phượng.

Hay như chị Nguyễn Thị Vương trong khi làm việc ở phố Bà Triệu đã đoán ra một nhóm đua xe và cổ vũ đua xe nên vội nhảy lên vỉa hè. Thế nhưng, chị đã bị một "tay đua" đang say tốc độ đâm gẫy chân. Gần đây nhất, năm 2007, chị Nguyễn Thị Hằng đang đẩy xe rác (xe chưa có rác) trên phố Đồng Xuân thì bị một xe máy đi ngược chiều đâm phải. Sức mạnh của cú va đập khiến thùng xe rác ụp vào người chị Hằng. Hai giờ sau khi đưa vào bệnh viện, chị Hằng tử vong.

3. Vụ "xe điên" đâm vào chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công nhân vệ sinh môi trường, Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 4 không chỉ gây sự công phẫn trong dư luận mà còn là thảm họa đối với gia đình chị. Đêm 9/4, chuẩn bị về với hai đứa con nhỏ thì chiếc xe ôtô BKS 29A-081.00 do Nguyễn Thanh Lâm, 28 tuổi, trú tại quận Đống Đa điều khiển đang chạy như bay trên phố Khâm Thiên đã lao vào người chị, hất chị lên nóc capo, sau đó đâm tiếp vào một cột điện rồi văng chị Hạnh xuống đất.

Sau một chuỗi va đập quá mạnh, chị Hạnh đã tử vong tại chỗ. Tin dữ báo về khiến bố mẹ và các con chị bàng hoàng. Trước đó 5 tháng, chồng chị đã tử vong trong một vụ tai nạn lao động. Chị trở thành lao động chính, một mình nuôi dạy hai con nhỏ. Thế mà sóng gió lại tiếp tục ập xuống khiến cho hai con của họ bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Các cháu Nguyễn Đức Thành, học lớp 5 và Nguyễn Khánh Ly đang học mẫu giáo con chị Hạnh còn rất nhỏ nhưng đã cảm nhận được nỗi đau quá lớn do mất cha, mất mẹ. Cũng như hàng đêm, mẹ các cháu sẽ trở về sau khi hết ca để sáng hôm sau khi thức dậy, chúng sẽ gặp mẹ vào bữa ăn sáng. Thế nhưng, buổi sáng ngày 10/4, chúng ngủ dậy và không còn gặp mẹ nữa. Công việc của chị Hạnh rất đặc thù, làm ngày hay làm đêm đều phải "trưng mặt" ở ngoài đường.

Mỗi ngày, người công nhân làm việc 8 giờ. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc nên mỗi ngày chia làm 3 ca. Đó là: 5h-13h; 13h-21h; 18h đến hết rác (thường là khoảng 1h sáng hôm sau). Ngày 9/4, chị Hạnh làm ca tối. Công việc cũng như ngày thường là gom rác sinh hoạt, quét rác trên đường phố, đẩy xe rác về điểm tập kết… Và từ đêm đó, chị không thể về với các con…

Được biết, trước khi gây ra tai nạn thảm khốc cho chị Hạnh, tài xế Nguyễn Thanh Lâm đã đâm vào hai xe máy trên phố Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn làm cho 3 thanh niên phải vào bệnh viện cấp cứu. Với tốc độ điên loạn, chiếc xe trên tiếp tục lao vào chị Hạnh và chỉ dừng lại khi đối đầu với cái cột điện làm cho móp đầu. Lái xe Nguyễn Thanh Lâm đã bị cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa khởi tố bị can về hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Rồi đây, Lâm sẽ ngồi trước vành móng ngựa để nghe tòa phán xử về hành vi nghiêm trọng mà mình gây ra đối với xã hội song những đứa con của chị Hạnh thì mãi mãi mất mẹ.

4. Sáng, trưa, chiều, tối… công nhân vệ sinh đều có mặt trên đường. Nhiệm vụ của họ là làm sạch đường phố mà theo từ chuyên ngành là làm theo dây. Cứ tuần tự, họ quét, nhặt, hót rác sạch cả con phố, trên vỉa hè và quay lại để cho dây họ phụ trách lúc nào cũng "sạch hè, đẹp lối" như cách nói của nhà thơ Tố Hữu trong bài "Tiếng chổi tre".

Sáng 15/4, chúng tôi đã dõi theo bước chân, đôi tay của chị Thủy khi chị đang làm việc ở đầu phố Thợ Nhuộm. Lề đường, vỉa hè bên này có rác, chị đẩy xe sang. Lề đường, vỉa hè bên kia có rác, chị lại đẩy xe sang phía ngược lại. Công việc đòi hỏi chị luôn phải sang đường trong khi xe cộ đi lại rất nhiều. Chỉ trên một đoạn phố ngắn chưa đầy 300m, chúng tôi đếm được chị sang đường cả chục lần. Mỗi lần như thế, chị phải nhìn trước, nhìn sau và né. Nếu người điều khiển xe không chú ý đến chị công nhân nhỏ bé, nếu không có cái áo phản quang đang mặc trên người, rủi ro đến với chị sẽ nhiều hơn.

"Người dân phát hiện công nhân của chúng tôi bị nạn nhiều và công nhân của chúng tôi phát hiện, cấp cứu người bị nạn cũng lắm", chị Bình nói về những "chị quét rác" mà mình quản lý. Trong ngành vệ sinh môi trường ở Hà Nội vẫn còn truyền nhau một giai thoại thuộc hàng "kinh điển". Đó là có chị công nhân nọ gặp chị bán hoa bị tai nạn giao thông. Vội vã, chị công nhân liền cởi ngay chiếc áo bảo hộ phản quang đang mặc trên người buộc vết thương cho chị bán hoa. Sau khi đưa được vào bệnh viện cấp cứu, bệnh viện căn cứ vào chiếc áo phản quang đã gọi đến Tổng Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội. Thế là lãnh đạo Tổng Công ty và các Xí nghiệp được huy động đến bệnh viện để giúp đỡ người của mình. Người bị nạn nhanh chóng được can thiệp bằng các thiết bị y tế, kỹ thuật đặc biệt với chi phí hàng chục triệu đồng.

Khi tính mạng của người bị nạn được đảm bảo thì mọi người vẫn chưa xác định được chị này ở đơn vị nào vì ai cũng thấy lạ. Giữa lúc ấy, chị công nhân vệ sinh vào bệnh viện xem tình hình sức khỏe của chị bán hoa và lấy lại chiếc áo phản quang. Đến lúc ấy, mọi chuyện mới rõ ràng. Chị bán hoa sau đó cứ mang mãi cái ơn cứu mạng của chị quét rác và lãnh đạo công ty chị. Thế đấy, chuyện nghề, chuyện đời của những công nhân vệ sinh cũng đầy bất ngờ và ấm áp tình người.

Những ngày qua, một số bạn đọc đến Báo CAND ủng hộ các cháu Thành, Ly. Có những bạn đọc còn đề nghị được nuôi dưỡng các cháu. Thành ý của bạn đọc chúng tôi xin chuyển đến các cháu và ông bà nội ngoại. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục tiếp nhận sự hỗ trợ của quý độc giả cho hai cháu mồ côi Thành, Ly tại địa chỉ Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại 043.9420595.

C.Hồng - V.Hà
.
.
.