Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội vì sao “tắc”?

Cuộc sống thật bên trong “hào quang” phố cổ

Thứ Bảy, 15/06/2013, 14:00
Một số nhà có tới 200 nhân khẩu sinh sống, những căn hộ diện tích chỉ 5 - 6m2 vẫn đang phải “gánh” đủ mọi công năng từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn cho 3 - 4 con người. Nhiều căn nhà quanh năm không có ánh nắng mặt trời, phải thắp đèn điện 24/24h. Có một cuộc sống hoàn toàn khác bên ngoài sự hào nhoáng của những con phố trung tâm, nơi mỗi mét vuông nhà đất được tính gần 1 tỷ đồng.

Nơi không có ánh sáng mặt trời

Hun hút dẫn vào bên trong các số nhà mặt phố là những con đường như hầm tối, từ các nhánh chia ló ra những cánh cửa. Bên trong đó là lủng củng xô, chậu, bếp than tổ ong, những cái chạn kê sát nhau và được khóa kín.

Khoảng không gian chục mét vuông được tận dụng triệt để làm nơi nấu nướng, giặt giũ cho hàng chục gia đình. Chung bếp, chung nhà vệ sinh là cảnh thường thấy. Thậm chí, khổ đến mức độ nhiều người dân phải đi vệ sinh vào túi bóng vì thời gian xếp hàng chờ đợi đến lượt sử dụng nhà vệ sinh quá lâu.

Đi đến con phố nào trong phố cổ, cũng có thể dễ dàng bắt gặp cảnh sinh hoạt như khu ổ chuột. Thậm chí, ở những ngôi nhà cổ, vốn là niềm tự hào của chủ nhân ở những thế kỷ trước, trải qua thời gian, giờ bị cơi nới, là nơi trú ngụ của hàng chục gia đình.

Theo Ban Quản lý phố cổ, mật độ hiện tại của người dân sống trong các khu phố cổ Hà Nội khoảng 84.000 người/1km2. Trung bình, mỗi cư dân trên phố cổ Hà Nội được hưởng diện tích đất khoảng 12m2. Nhưng  diện tích nhà ở trên đầu người thì thấp hơn nhiều, chỉ đạt 1,5 - 2m2/người.

Tại đây cũng có 121 công trình di tích đền chùa, di tích lich sử cách mạng, nhiều trung tâm chợ, dịch vụ thương mại, riêng công trình nhà ở có giá trị không còn nhiều với khoảng 1.000 ngôi nhà.

Người dân phải chịu nhiều nỗi khổ bên trong những khu phố cổ chật chội của Hà Nội. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Đón chúng tôi trong một phần còn lại của ngôi nhà cổ 100 Hàng Bạc, bác Phùng Thị Minh Tân, một trong những chủ nhân cùng thừa kế tại đây cho biết, căn nhà này đã hơn một trăm năm tuổi, do cụ ngoại bác làm nghề kim hoàn để lại. Các thế hệ ra đời trong căn nhà này nối tiếp nhau khiến diện tích 68m2 phải chia sẻ thành nhiều căn hộ. Mỗi thế hệ ra đời, diện tích các căn hộ lại tiếp tục bé đi.

Và đến bây giờ, diện tích bác Tân đang sở hữu riêng chỉ là chiếc giường đôi, quây xung quanh bởi tấm ri đô. Quần áo treo trên tường, mọi vật dụng khác bị nhét vào gầm giường, nhà bác ngăn cách với nhà hàng xóm cũng bằng luôn tấm ri đô. Bước chân từ trên giường xuống là lối đi của hai căn hộ bên trong.

Sống trong hoàn cảnh ấy, bác Tân gần như không còn có chút riêng tư nào khi mọi sinh hoạt chỉ trên cái giường, thò chân xuống đất là đường đi lối lại. Ngôi nhà này, đã bị đổ sập một phần vào năm 2009. Từ đó đến nay, có hai hộ sinh sống trong phần đổ sập này đã di dời đi nơi khác.

Hiện trạng vẫn chưa được tu bổ bởi chờ Đề án giãn dân. Sau đó, gia đình bác Tân mới tiến hành sửa chữa. Vì vậy, mười mấy con người sống trong ngôi nhà này, vẫn đành sống khổ sở ngay giữa con phố phồn hoa bậc nhất Hà Thành.

Cách đó không xa, ngôi nhà 47 Hàng Bạc cũng đang chịu áp lực quá tải so với số người sinh sống bên trong. Người ta căn cơ, chia nhau từng cm, không có phần nào được bỏ trống. Có cảm giác, bên trong căn nhà này, đến không khí để thở cũng được chia theo số người trú ngụ ở đây.

Trao đổi với chúng tôi, người phụ nữ bán quần áo phía bên ngoài mặt tiền ngôi nhà, bác Nguyễn Thị Quế cho biết, hiện trong số nhà này có 6 hộ dân đang sinh sống. Gia đình bác được sử dụng 16m2, có bếp riêng nhưng khu vệ sinh thì vẫn phải dùng chung. Ngôi nhà này cũng thuộc nhà cổ, và được “Bà Hỏa” ghé thăm cháy rụi một phần sau Tết 2010.

Là người sống tại phố cổ đã 38 năm, bác Quế quá thấm thía cảnh khổ sở, chung đụng của hàng chục con người trong một số nhà. Bác cũng là một trong số ít người muốn di dời theo Đề án giãn dân, chứ không như phần lớn người dân chúng tôi đã gặp.

Ít ai hình dung được rằng, trong số nhà 53 Hàng Buồm có tới 50 hộ với 200 nhân khẩu đang sinh sống. Số nhân khẩu này đủ để thành lập hẳn một tổ dân phố. Càng sâu phía trong, lối đi chung dẫn đến nơi ở của các hộ dân càng tối tăm, ẩm ướt. Đèn phải bật suốt ngày đêm vì ánh sáng trời không thể xuyên qua từng lớp nhà chồng lên nhau, ken dày đặc.

Gọi là nhà cho sang, thực chất hai khối nhà nguyên bản đã được chia ra thành nhiều căn hộ, mỗi căn hộ thường chỉ là một căn phòng bé. Những căn buồng diện tích 10m2 được làm thêm gác xép, lấn lối đi chung làm bếp… mới đủ để sinh sống.

Những “căn hộ” bất đắc dĩ trong phố cổ.

Bác Dựng, một trong những cư dân của tổ dân phố 37 tại số nhà 53 Hàng Buồm này kể với chúng tôi, nguồn gốc ngôi nhà này phía bên trong trước là một cái kho, sau đó, được chuyển đổi làm nhà, chia từng hộ bằng các vách ngăn, bên trên lợp giấy dầu.

“Có được chỗ để nấu ăn đã là hạnh phúc rồi, nên trời mưa thì chúng tôi đội nón, mặc áo mưa để nấu nướng”. Chúng tôi quan sát thấy bếp nấu được đặt dưới tấm bê tông mỏng để tránh mưa hắt. Có hộ, bếp than tổ ong được “ẩn” dưới chân cầu thang gỗ cũ kỹ và hàng ngày, việc nấu nướng vẫn diễn ra dù nguy cơ tàn lửa làm cháy nhà là rất lớn.

Tự nguyện sống “chui rúc”

Chật chội, khổ sở, ra đụng vào chạm, cuộc sống tù túng bởi những sinh hoạt tối thiểu cũng bị cắt xén do quá chật chội, nhưng đề cập đến vấn đề di chuyển đến chỗ ở mới theo Đề án giãn dân phố cổ của UBND TP Hà Nội, hầu như rất ít người dân tán thành. Thậm chí, họ không muốn chuyển đi.

Hàng nghìn hoàn cảnh, hàng nghìn lý do nhưng với nhiều gia đình, như chị Trần Thu Hồng, một hộ dân sống tại số nhà 83 Hàng Bông cho biết, dù vợ chồng con cái 4 người đang phải sống trong diện tích 4m2 phía trên nóc bếp chung của cả số nhà nhưng chị không mặn mà với đề án này. Lý do rất đơn giản bởi kể cả nhận được sự hỗ trợ của TP, vợ chồng chị cũng không đủ tiền để mua một căn hộ chung cư tái định cư.

Xét trên nhiều khía cạnh, nguyên nhân chủ yếu vẫn là kế sinh nhai. Ở phố cổ, dù chật chội, khổ sở, nhưng chỉ cần một góc nhỏ kê một bàn trà đá là có thể nuôi sống một gia đình.

Ở phố cổ, mỗi tấc đất đều có thể là nơi mưu sinh của người dân.

Cụ Bắc trên phố Hàng Buồm kể với tôi, mỗi tháng, thu nhập của gia đình cụ có được từ bán nước chè là gần chục triệu đồng. Cụ và các con cháu rất sợ nếu phải đi sang khu giãn dân, dù chỉ cách nơi ở cũ vài km, nhưng nghề kiếm ăn sẽ mất đi.

“Sang bên đó bán nước chè cho ai? Khu phố cổ đông nườm nượp người ra người vào, chúng tôi còn làm ăn được. Chứ ở khu đô thị Việt Hưng, làm sao gia đình tôi mưu sinh được”.

Ngay góc nhà hát cải lương Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, xung quanh tường của địa chỉ này cũng là nơi kiếm sống của rất nhiều cư dân phố cổ. Một tấm vải bạt trải ra, mấy chục đôi giày, dép hàng thùng bày bán trên đó là công việc hàng ngày của chị Nguyễn Hương Liên. Chị cho biết, sinh ra ở phố cổ, lớn lên, lấy chồng và sinh sống ở đây. Dù gia đình chị không dư rả nhưng chị và các thành viên trong gia đình đều không muốn chuyển đi.

Không hẳn chỉ vì “miếng cơm manh áo”, mà còn vì cuộc sống ở nơi này đã gắn bó với họ, những mối quan hệ hàng xóm láng giềng, thuận tiện học hành ở quận trung tâm TP, bước chân ra khỏi nhà là hòa nhập với guồng quay sôi động của buôn bán nơi phố phường sầm uất. “Thà chịu “chui rúc” trong những căn hộ vài mét vuông còn hơn chấp nhận sang chung cư rộng vài chục mét ở khu đô thị Việt Hưng”, chị Liên cho biết.

Chính vì những nguyên nhân trên mà Đề án giãn dân phố cổ đã được đề cập và xây dựng từ năm 1990 nhưng đến thời điểm này, vẫn đang “ách tắc” và mấu chốt chính là do người dân không muốn chuyển đi. Trước đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lấy ý kiến người dân, trong số 953 hộ dân được hỏi, chỉ có 255 hộ dân đồng ý di chuyển theo Đề án.

(Còn nữa)

Ngọc Yến
.
.
.