Cuộc sống mới ở vùng quê tập trung nhiều công nhân

Chủ Nhật, 03/02/2013, 12:22
Từ khi công nhân đến Yên Trung, cuộc sống nơi đây thay đổi trông thấy. Cả làng vốn chỉ biết có nghề làm ruộng, giờ đây ruộng nương bỏ hết chẳng ai làm. Có cho cũng không đắt. Cả làng đổ xô đi buôn bán. Chỉ cần buôn thúng, bán mẹt quanh làng cũng ngày kiếm vài trăm ngàn ngon ơ.

Đến với Yên Trung (Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) hôm nay thấy khác xa với những năm trước. Cuộc sống nơi đây đã thay đổi rất nhiều từ khi Yên Phong trở thành khu công nghiệp. Chính vì vậy, nơi đây đã thu hút rất đông lao động. Số nhân công lao động này, ngoài một phần đến từ Bắc Ninh, họ còn đến từ khắp các tỉnh thành ở miền Bắc, từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Thái Nguyên, Tuyên Quang, rồi Sơn La… Phần lớn các công nhân vì nhà xa, đi lại khó khăn nên đã thuê trọ ngay trên địa bàn, để tiện cho việc đi làm. Ngoài một phần lao động được sắp xếp cho ở, số còn lại phần lớn phải đi thuê trọ từ các hộ dân quanh vùng. Chính vì thế, cuộc sống nơi đây thay đổi khá nhiều…

Nếu như trước đây, Yên Trung là một vùng nông nghiệp thuần túy, cây cối hoa màu quanh năm tươi tốt thì giờ đây, khung cảnh ấy không còn như xưa nữa. Cả một vạt đất khô trắng đồng, không thấy bóng dáng màu xanh của hoa màu, cây cỏ. Những người dân lam lũ trong vùng ngày nào giờ đã trở thành những người kinh doanh, buôn bán thành thạo.

Vừa bế đứa cháu nhỏ còn đang ngủ trên tay, bà Hương rất hồ hởi và nhanh nhảu kể chuyện làm ăn, buôn bán của gia đình mà không hề giấu giếm. Nếu như trước đây bà phải vất vả buôn bán chè thuốc, nước mắm từ trên Thái Nguyên, Tuyên Quang về bán kiếm lấy vài đồng lãi, thì giờ đây, chỉ cần ngồi nhà, mỗi tháng bà cũng có thể thu về 15 đến 20 triệu bạc.

Căn nhà ngày xưa vốn trống tuềnh trống toàng, vườn tược xơ xác chỉ để nuôi vài con lợn, con gà thả rông trong vườn, thì giờ đây được bà tận dụng mọi nơi, mọi ngõ ngách để xây lên những khu nhà trọ. Mỗi khu nhà trọ chỉ  chừng 10, 15 mét vuông, lợp proximăng là bà có thể cho thuê 600 ngàn đồng một tháng. Đất rộng, bà xây cả dãy đến hơn chục nhà cho thuê.

Bà cho biết thêm, từ khi công nhân đến đây, cuộc sống nơi đây thay đổi trông thấy. Cả làng vốn chỉ biết có nghề làm ruộng, giờ đây ruộng nương bỏ hết chẳng ai làm. Có cho cũng không đắt. Cả làng đổ xô đi buôn bán. Chỉ cần buôn thúng, bán mẹt quanh làng cũng ngày kiếm vài trăm ngàn ngon ơ.

Một góc khu nhà trọ công nhân. Ảnh: K.H.

Còn chị Quý, hàng xóm của bà Hương lại có cách kinh doanh khác. Cũng cho thuê nhà, nhưng chị lại mở thêm cả nhà hàng karaoke. “Đông khách lắm. Đầu tư bộ dàn cũng không đắt, cửa hàng cũng chẳng phải xịn lắm. Nhưng được cái, ngày nào cũng có khách. Họ vào hát, rồi bia bọt, cà phê... Ngày nào chả thu vài trăm…”. – chị Quý  nói như khoe.

Chia tay chị Quý và bà Hương, tôi tìm vào dãy nhà dành cho công nhân thuê ở. Tất cả các cửa vẫn còn đóng kín. Lúc ấy đã là 4h chiều. May sao, cửa một phòng bật mở. Một cô gái lúi húi lau nhà. Cô mở cửa để hắt chỗ rác vừa quét xong ra ngoài hành lang. Tôi “chặn” luôn hỏi chuyện.

Cô cho biết, cô từ Sơn La xuống làm công nhân đã được gần 1 năm. Tôi hỏi cô về cuộc sống. Cô bảo, có gì đâu mà nói chuyện hả chị. Bọn em suốt ngày đi làm, rồi về lại ngủ. Mỗi ngày 12 tiếng, làm ngày thì còn đỡ, làm đêm thì mất cả đêm. Hôm nào đi làm đêm về rồi, thì ngày về lại ngủ bù. Làm đêm từ 7h tối đến 9h sáng hôm sau. Lúc nào cũng thấy thiếu ngủ. Ngủ dậy mệt rồi lại lười nấu cơm, lại đi ăn hàng, ăn quán, rồi lại chuẩn bị tắm giặt và đi làm. Vậy là cuộc sống ngày qua ngày, chỉ có một điệp khúc: ăn – ngủ - đi làm.

Hầu như cuộc sống của tất cả các nữ công nhân ở đây đều thế, họ ít có thời gian giao du. Đời sống tinh thần càng đơn giản. Chỉ quanh quẩn tiếp xúc với chiếc tivi, còn khi mệt, thì có khi tivi cũng chẳng buồn xem. Mệt lại muốn ngủ lấy sức để ngày mai lại đi làm tiếp. Cuộc sống không thông tin, không giao du, bè bạn…

Tôi hỏi tết đến thì các em có được nghỉ không, cô bé lớn tuổi hơn lắc đầu: “Bọn em thay nhau nghỉ thôi chị ạ. Công ty họ không nghỉ tết nên bọn em vẫn phải đi làm. Đời sống công nhân mà chị. Có khi giáp tết còn phải tăng ca nữa ấy chứ”. – Giọng cô bé có phần buồn buồn.

Tạm biệt các cô gái trẻ, tôi quay trở ra. Con đường đất ngày nào giờ đã được thay bằng đường bê tông phẳng lì. Đâu đó các quán ăn, nhà nghỉ, karaoke mọc lên khá nhiều. Cuộc sống các vùng quê đã thay da dổi thịt nhờ khu công nghiệp, dịch vụ, nhưng đâu đó vẫn còn lăn tăn trong tôi, trên con đường ra khỏi Khu Công nghiệp một điều day dứt. Nhiều khu ruộng thẳng cánh cò bay, nhưng nay đã để trắng, không được tận dụng trồng lúa, hoa màu, rất lãng phí.

Và còn nữa, những ánh mắt buồn của các công nhân nữ, xa nhà, xa gia đình, đi làm ăn nơi đất khách, vì miếng cơm manh áo, đang phải chịu một cuộc sống ít niềm vui…

Khánh Linh
.
.
.