Cuốc đê trồng rau, lập vườn trên dải phân cách

Thứ Tư, 03/12/2008, 14:31
Chưa nói đến quy định về ATGT, vườn rau với những cọc rào tre, củi giữa đường cũng gây phản cảm về mỹ quan đô thị, chắn tầm nhìn của người đi lại. Thậm chí, người dân còn bắc những giàn tre, giàn giáo nghênh ngang ngay trên đê để trồng bầu bí…

Trong khi Hà Nội đang "khát" rau xanh sau trận mưa ngập, cộng thêm nỗi lo ngại mất an toàn khi mua rau Trung Quốc, nhiều người dân đã tận dụng từng ô đất nhỏ có thể để tự trồng rau.

Khắp các khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Việt Hưng, những khu đất chưa kịp xây dựng được tận dụng thành vườn rau. Ngay cả những ô trồng cỏ trong khuôn viên cũng trở thành những luống rau bí, rau cải xanh tốt.

Thậm chí, người dân đã trồng rau ở dải phân cách trên quốc lộ, đào bới, cuốc đê để tăng gia, bất chấp sự mất an toàn giao thông và vi phạm Pháp lệnh Đê điều.

Chưa có thời điểm nào, người dân Hà Nội lại hào hứng với phong trào trồng rau như hiện nay. Tại các khu đô thị mới, có thể thấy rau xanh mọc lên khắp nơi, từ những lô đất chưa xây dựng đến những ô vuông trồng cỏ. Người dân tận dụng từng ô đất có khi chỉ bé bằng nắp chiếc hố ga để trồng trọt.

Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai) do vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên còn khá nhiều mảnh đất trống chưa được sử dụng. Bác Lan, sống tại tầng 5 cho biết, ngay từ khi mới chuyển đến, bác đã rủ mấy người hàng xóm cùng cảnh về hưu xuống cuốc đất trồng rau.

Chỉ vào mấy luống rau cải được chăm bón tươi tốt, bác kể, đây vốn dĩ là đất được dành để xây dựng trường học cho con em cư dân của khu đô thị. Nhưng mãi chẳng thấy chủ đầu tư động tĩnh gì, thấy đất bỏ hoang nên bác và mọi người tận dụng trồng rau.

"Lúc đầu chỉ có mấy người trồng thôi, về sau, gần như nhà ai có người già rảnh rỗi thời gian đều tranh thủ làm một, hai luống để lấy rau ăn hằng ngày". Các khu đô thị khác, "phong trào" trồng rau xanh cũng được đông đảo người dân hưởng ứng. Ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), ngay các ô trồng cỏ trang trí cho khuôn viên của khu đô thị cũng biến thành nơi trồng rau bí, rau cải cúc…

Sáng kiến trồng rau ở các khu đô thị như trên khá thiết thực và có ý nghĩa tích cực, bởi người dân chỉ tận dụng những khoảnh đất trống chưa được sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện nhiều kiểu trồng rau, lập vườn gây mất mỹ quan đô thị và nguy cơ mất an toàn giao thông trên một số tuyến đường.

Trên ngõ Tuổi Trẻ, đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) từ lâu đã xuất hiện những vườn rau mọc trên dải phân cách. Những vườn rau này được người dân che chắn, rào cẩn thận. Thậm chí, có người cẩn thận còn làm cửa, móc khóa cho "vườn" rau của mình. Không ai còn nhận ra đây là dải phân cách đường.

Chưa nói đến quy định về an toàn giao thông, vườn rau với những cọc rào tre, củi giữa đường cũng gây phản cảm về mỹ quan đô thị, chắn tầm nhìn của người đi lại. Tuy nhiên, những vườn rau này chưa thấm tháp gì với một luống rau dài gần 10km trên QL2 từ Phủ Lỗ đi thị xã Vĩnh Yên. Tất cả đều được trồng trên dải phân cách và được chăm bón chuyên nghiệp như trồng dưới ruộng.

 Ông Vũ Văn Sửu, chủ quán nước chè ở làng Trung, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, rau trồng ở ruộng hay bị ngập nước, thối gốc, nên những nhà dân sống hai bên đường đều tranh thủ trồng trên dải phân cách, vừa cao, vừa ít trâu bò phá. Luống rau dài gần chục kilômét này kéo tít lên tận thị trấn Xuân Hòa, với đủ các loại rau được trồng theo ý thích và nhu cầu của người dân.

Đứng trên dải phân cách, nhìn dòng xe ôtô lao ầm ầm trên quốc lộ, chúng tôi thấy ớn lạnh khi mỗi chiếc xe vù qua sát sạt người. Chỉ cần bước hụt ngã xuống đường, tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, việc xách nước tưới rau băng qua đường cũng rất nguy hiểm.

Trồng rau trên dải phân cách đường chưa đủ, người dân còn "sáng tạo" ra cách trồng rau ngay trên đê. Đoạn đê dài gần 2km từ cầu Chương Dương qua cầu Long Biên thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cũng bị người dân cuốc xới, đào hố, dựng giàn trên mái đê và triền đê để trồng rau xanh. Hầu như toàn bộ mái đê và triền đê đều được cuốc, san lấp, đào bới để trồng rau. Rau tràn cả xuống tận chân đê, rìa đê. Nhiều hộ dân còn đào bới thành hố, hốc sâu để che chắn gió, trồng các loại rau thơm. Có những đoạn, đất trên đê được một số hộ cuốc vát, san xuống phía dưới để tạo độ thoải cho dễ trồng.

Chỉ cần một trận mưa, đất đã bị cuốc xới từ trên đê trôi xuống đường gây sạt lở đê và lầy lội. Trên đê đoạn đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, ai đó đã có "sáng kiến" cuốc đất trồng hẳn ngô mọc cao gần bằng đầu người. Thậm chí, ở đê xã Thụy Phương giáp với Chèm (huyện Từ Liêm), người dân còn bắc những giàn tre, giàn giáo nghênh ngang ngay trên đê để trồng bầu, bí, su su, mướp…

Trong Pháp lệnh Đê điều, ngay cả việc đổ chất thải lên đê cũng bị cấm. Việc người dân tự ý cuốc đê để trồng rau chưa gây những nguy hại về trước mắt, nhưng nếu lâu dần, việc cuốc đất trồng trọt sẽ dẫn đến trôi, sạt lở mái đê, triền đê bởi khi đắp đê, đất được đập, nén chặt để chống xói mòn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội cho biết, đã nhiều lần cơ quan này phối hợp với chính quyền địa phương để nhắc nhở người dân, phá dỡ cây rau nhưng do một số đoạn đê nằm sát nhà dân nên sau khi cơ quan chức năng đi khỏi, người dân lại trồng lại. Vì vậy, ông Thuận kêu gọi người dân hãy vì lợi ích lâu dài bảo vệ đê, không vì phục vụ nhu cầu nhỏ của bản thân, trồng trọt làm tổn hại đến kết cấu đê điều

Ngọc Yến
.
.
.