Cuộc chiến triệt xoá loài cây độc ở Trạm Tấu

Chủ Nhật, 13/07/2014, 18:51
Sau hàng chục năm vắng bóng, có lẽ chưa ở đâu, tốc độ tái trồng cây thuốc phiện phát triển “phi mã” như Trạm Tấu (Yên Bái), nhưng cũng chưa từng có địa phương nào lại tuyên chiến quyết liệt và triệt để với vấn nạn này như ở đây. Đúng như ông Giàng A Thào, Chủ tịch UBND huyện đúc kết: "Kết quả này để lại nhiều kinh nghiệm quí trong cuộc chiến phòng chống, kiểm soát ma tuý nơi tuyến lửa Tây Bắc, đặc biệt là bài học về công tác dân vận và sự đầu tàu gương mẫu của đội ngũ cán bộ…”.

Trạm Tấu giáp ranh với huyện Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La, có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để cây anh túc phát triển. Hồi Nghị quyết 06 (năm 1993) chưa ra đời, đây là một trong những “vựa” thuốc phiện lớn nhất miền Bắc. Từ sau năm 1993, diện tích loại cây trồng chết người này được vận động phá nhổ. Khi quyết liệt, khi trầm lắng, nhưng đến năm 1998, loài cây độc đã dần vắng bóng rồi mất hẳn ở Trạm Tấu, thay thế vào đó là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như đậu tương, ngô biosit hay các loại cây hoa màu khác.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2002, cấp uỷ chính quyền một số xã ở Trạm Tấu thiếu sâu sát cơ sở, không kiên quyết trong xử lý, sau khi triệt hạ hết những cánh rừng pơ mu cổ thụ, cuộc sống của người dân bắt đầu rơi vào cơn bĩ cực thì cây thuốc phiện lại manh nha xuất hiện và lan rộng. Ban đầu là vạt nương vài chục mét vuông do người dân lén lút trồng ở khu vực Hầu Làng Màn, xã Tà Si Láng, giáp với xã Suối Tọ của Phù Yên (Sơn La), sau phát triển lên đến hàng trăm héc ta tại các địa bàn hẻo lánh của xã Bản Mù, Tà Si Láng, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán và xã Làng Nhì.

Thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến chống tái trồng ở Trạm Tấu là niên vụ 2006 – 2007. Nương thuốc phiện liên tiếp được phát hiện tại các xã vùng cao. Xã báo lên huyện, huyện báo lên tỉnh, thực trạng tái trồng cây thuốc phiện luôn nóng bỏng trên bàn nghị sự từ tỉnh đến các địa phương và ban, ngành chức năng Yên Bái. Đại tá Thẩm Hữu Tiến, Trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt, lúc bấy giờ Công an huyện đã tăng cường hơn 80% quân số cho các đợt ra quân chống tái trồng thuốc phiện. Khỏi phải kể hết những khó khăn, vất vả của anh em trong đoàn khi xuống địa bàn. Nhịn đói, nhịn khát, ăn trong rừng, uống nước khe, ngủ trong lán trại dựng tạm bợ bằng tranh tre nứa lá. Các nương thuốc phiện đều ở cách xa khu dân cư, lương thực, thực phẩm nhiều khi không thể mang đủ hoặc chưa kịp tiếp tế, nhiều lần anh em trong đoàn phải ăn… lá cây hay nõn chuối rừng để trừ bữa.

Nhân dân tự giác phá nhổ một nương thuốc phiện ở khu vực Sủa Páo Tê, xã Bản Mu.

Để ngăn chặn tái trồng loài cây độc, Trạm Tấu có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo 138 huyện Trạm Tấu chia sẻ: Quan điểm của huyện Trạm Tấu khi triển khai cuộc chiến chống tái trồng là vận động đi đôi với thuyết phục. Cách làm hiệu quả nhất là nâng cao nhận thức để bà con tự giác phá nhổ, giải pháp bền vững nhất là đầu tư, hỗ trợ sản xuất để xoá đói giảm nghèo, triệt để giải quyết tệ nạn nghiện hút thuốc phiện.

Huyện uỷ, UBND huyện đã phát động và huy động toàn bộ cán bộ các ban, ngành, đoàn thể cùng “thượng sơn” 4 cùng vận động nhân dân phá nhổ thuốc phiện. Công an tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện là lực lượng nòng cốt bám địa bàn, vận động nhân dân. Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đều “thượng sơn”, trực tiếp dẫn đầu một tổ công tác xuống địa bàn thực hiện “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con ròng rã nhiều tháng trời. Niên vụ 2009 – 2010, khi cây thuốc phiện bùng phát ở nhiều địa bàn, một động thái được xem là kiên quyết là Huyện uỷ, UBND huyện đã bãi nhiệm và cách chức Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND của 6 xã để hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện nghiêm trọng là: Bản Mù, Tà Si Láng, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán và xã Làng Nhì, thay vào đó là những cán bộ trẻ, đảng viên năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ở xã Làng Nhì mọi người đều biết CCB Mùa A Sử. Mấy năm qua, không biết bao nhiêu lần ông lặn lội vào tận khu vực Păng Cáng và Chua Kháo Trồng, cách trung tâm xã hơn 2 ngày đi bộ để tuyên truyền, vận động nhân dân. Ông đã nằm rừng hơn nửa tháng trời để gặp bằng được Vừ Tùng Dê, người đã phá nương lúa để trồng 195m2 cây thuốc phiện. Dê nhiều lần tránh mặt ông bằng cách bỏ lên núi, nhưng rốt cuộc vẫn bị ông thu phục nhân tâm. Sau khi nghe ông Sử phân tích cái lý, Dê “ưng cái bụng” và tự giác phá nhổ toàn bộ diện tích cây thuốc phiện đang chuẩn bị cho thu hoạch. 

Một cán bộ trẻ nhưng có uy tín và giành nhiều thành tích trong cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện là anh Vàng A Giàng, Phó Chủ tịch UBND xã Túc Đán. Xã Túc Đán có 503 hộ, 2.923 khẩu sinh sống tại 7 thôn bản, trong đó 6 thôn bản là dân tộc Mông chiếm 90%. Đây là một điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện khá phức tạp, lúc cao điểm lên đến trên 12 hec ta.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tình nguyện về Túc Đán công tác theo Đề án 500 trí thức trẻ tăng cường cho các địa bàn vùng cao, Vàng A Giàng đã lăn lộn bám địa bàn, tích cực vận động nhân dân không trồng, không buôn bán và sử dụng ma tuý. Anh đã nhiều tháng trời ròng rã nằm tại khu rừng Tà Dê Chơ thuộc thôn Tống Trong và Khu Nả Đề Đu thuộc thôn Làng Linh để vận động nhân dân xoá bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện, từ một điểm nóng về tái trồng cây thuốc phiện, từ niên vụ 2012 - 2013 Túc Đán tự hào đã giải quyết dứt điểm diện tích loài cây độc này.

Chia sẻ về kinh nghiệm “thượng sơn”, Vàng A Giàng cho biết: "Công tác chống tái trồng cây thuốc phiện có sức bền thì phải “đánh” vào ý thức tự giác của người dân. Vì nếu chỉ sử dụng pháp luật thì khi cán bộ rút về họ lại lén lút trồng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Chính vì vậy, cán bộ phải bám địa bàn, vận động nhân dân. Khi người dân hiểu họ sẽ tự giác chấp hành thì mới thành công”

Ngọc Oanh
.
.
.