Cuộc chiến giành lại thị phần tại các đô thị

Thứ Sáu, 11/09/2009, 15:23
Việt Nam là một thị trường bán lẻ hấp dẫn, điều này thể hiện qua con số bán lẻ năm 2008 đạt 58 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2007. Nhiều đại gia bán lẻ trên thế giới đã nhanh chân và bước đầu thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối và bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp Việt Nam lại loay hoay trong việc phát triển thị trường bán lẻ.

>> Hàng nội chiếm ưu thế tuyệt đối

Hàng nội vẫn bị lép vế trong các trung tâm, siêu thị

"Người Việt ngày càng quan tâm hơn đến hàng Việt" là lời khẳng định của đại diện nhiều hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Ông Vũ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho biết: “Những tháng đầu năm, thị trường nội địa đã giúp khá nhiều doanh nghiệp (DN) "sống khỏe".

Có thể kể đến ngành dệt may với tăng trưởng khoảng 18% (7 tháng đầu năm), trong đó có đóng góp không nhỏ của người tiêu dùng trong nước. Hay Điện cơ Thống Nhất, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 345 tỷ đồng, tăng 15%, doanh thu đạt 256 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái".

Một số hệ thống siêu thị cũng đưa ra những con số rất đáng mừng về tỷ lệ hàng hóa nội được bày bán: Big C 95%; Citimart 80%; Co.opMart  là 95%; MaxiMark (trước đây được xem là "lãnh địa" của hàng ngoại) là 70%...

Theo lãnh đạo nhiều siêu thị, hàng nội đang được người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn. Ảnh: T.H.

Ngay tại các chợ lớn ở TP HCM, qua khảo sát tại chợ Bình Tây (chợ Lớn) - một chợ đầu mối lớn, không chỉ giao thương trong nước mà vươn ra cả các nước ASEAN, Đông Âu, Bắc Mỹ… chúng tôi được biết: Tại đây có khá nhiều mặt hàng thuần Việt được nước ngoài ưa chuộng. Có thể kể đến hàng nông sản, giày dép da (xốp), quần áo may gia công, đồ nhôm nhựa, đồ sành sứ… gần như 100% là hàng nội; bánh mứt chiếm khoảng 90%, lương thực thực phẩm chế biến chiếm hơn 70%, bánh kẹo khoảng 60%…

Theo ông Huỳnh Quốc Bảo - cán bộ Ban Quản lý chợ: Thị phần hàng Việt tại chợ Bình Tây tăng trong thời gian gần đây một phần do sự mất uy tín của một số mặt hàng ngoại bị phát hiện có chất độc hại. Tại trung tâm thương mại (TTTM) An Đông, những mặt hàng chiếm ưu thế cũng tương tự: quần áo trẻ em, đồ gia dụng, tranh mỹ nghệ, sành sứ, bánh kẹo…

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quát lượng hàng đang được bày bán tại các siêu thị trên toàn quốc có thể thấy, "cuộc chiến" giành thị phần của hàng Việt vẫn còn là chặng đường dài. Ngay tại siêu thị Intimex Bờ Hồ (22, 23 Lê Thái Tổ, Hà Nội), chiều ngày 5/9, chúng tôi thấy trên kệ rau quả hoàn toàn không có bóng dáng một loại hoa quả Việt nào, chỉ lèo tèo vài ba khay lê có xuất xứ tận Nam Phi. Trên kệ đồ điện, đồ gia dụng, hàng nhập ngoại cũng chiếm thế áp đảo, ngay cả đối với những chiếc bóng đèn tiết kiệm điện - mặt hàng chúng ta sản xuất được với chất lượng hơn hẳn và giá cả không quá cao.

Hệ thống bán lẻ nội địa còn manh mún

Các đại gia bán lẻ trên thế giới đã rất nhanh chóng nhận ra thị trường Việt Nam là một "món hời" để phát triển hệ thống phân phối bán lẻ chuyên nghiệp. Hiện nay, có 5 tập đoàn bán lẻ nước ngoài quy mô lớn đang hoạt động tại Việt Nam, đó là: Metro, Big C, Parkson, Lotte, Louis Vuiton.

Metro đã lên kế hoạch mở 12 siêu thị tại các TP lớn. Big C dành hơn 250 triệu USD để mở thêm các TTTM và cải tạo, nâng cấp các siêu thị sẵn có đến năm 2010. Các tập đoàn bán lẻ lớn khác như: WalMart, Carefour... cũng đã có dự án vào Việt Nam. "Đại gia" bán lẻ GS Retail của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch trong 2 năm tới mở 10 trung tâm mua sắm tại Bình Dương...

Rất nhiều doanh nhân Việt cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống phân phối bán lẻ và đã bắt tay vào thực hiện. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Trung Nguyên với thương hiệu chuỗi cửa hàng G7-Mart. Nhỏ hơn có thể kể đến Hoàng Corp với hệ thống cửa hàng bán lẻ tiện dụng 24/7. Tuy nhiên, cơ hội có thể nhìn thấy, nhưng để thành công lại là điều không dễ dàng.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 395 triệu USD, tham vọng giữ "động mạch chủ" của hệ thống phân phối trong nước, và vươn ra thế giới, hệ thống G7 Mart dự kiến đến 2010 sẽ bao gồm 7.000 cửa hàng tiện lợi, 200 trung tâm phân phối, 100 trung tâm phân phối sỉ, 7 trung tâm thương mại và 7 siêu thị lẻ tại Việt Nam khắp các tỉnh, thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy nguy cơ sụp đổ của hệ thống phân phối của người Việt từ nhiều năm trước và muốn mọi người cùng ý thức được nguy cơ này. Trong khi các đại gia của nước ngoài như Metro, Big C,… đổ bộ vào thị trường Việt với hệ thống quản lý phân phối, tài chính,… hiện đại, tiên tiến thì ở trong nước, hơn 90% hệ thống bán lẻ của người Việt là những cửa hiệu tiện lợi, các tiệm tạp hóa vẫn hoạt động theo hình thức truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán, không có tính tổ chức, sự liên kết và quản lý khoa học. Những điều đó cộng hưởng lại dẫn đến một nguy cơ hệ thống này không phát triển được".

Hệ thống bán lẻ G7 Mart của Trung Nguyên ra đời nhằm tạo lập một nền tảng, một khối liên kết thống nhất từ nhà sản xuất, đến kênh phân phối,… và cuối cùng là tới tay người tiêu dùng Việt Nam. Khối liên kết này sẽ tạo ra một đối trọng với các tập đoàn đa quốc gia khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam, đồng thời, tạo nền tảng tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam. "Mục tiêu này chúng tôi đã đạt được. Chính nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc cần có một hệ thống bán lẻ hiện đại và trên thị trường trong nước giờ đã xuất hiện nhiều thương hiệu VN tham gia vào lĩnh vực này", ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định.

Trong quá trình cổ phần hóa các DN Nhà nước, chúng ta mắc phải sai lầm là xé lẻ những DN thương mại đang lớn thành những DN nhỏ bằng cách cổ phần hóa từng phần, trong khi cạnh tranh cần những DN lớn mạnh.

Có thể thấy điểm yếu hệ thống phân phối Việt là chúng ta chưa có được những doanh nghiệp lớn, đủ lực làm đối trọng với các đại gia nước ngoài. Việc cạnh tranh với nước ngoài cũng bị phó mặc quá nhiều cho doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp còn non yếu, chưa đủ lực để làm đối trọng.

Chưa hết cơ hội giành lại thị trường

Trong suốt nhiều năm qua, những DN sản xuất được sản phẩm tốt thì lo đi nghiên cứu thị trường, hướng tới xuất khẩu. Trong khi đó, những sản phẩm tồn, lỗi mốt, chất lượng kém, không xuất khẩu được thì đẩy ra bán ở thị trường nội địa. Hay những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không xuất khẩu được, chỉ bán ở thị trường nội địa thì lại cho ra "lò" những loại sản phẩm mẫu mã quá đơn điệu, chất lượng không ổn định… Đó là chưa kể nhiều đơn vị sản xuất làm ăn gian dối, đưa ra thị trường những sản phẩm là hàng giả, hàng nhái.

Để hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng, đến lúc doanh nghiệp phải nghiên cứu nghiêm túc thị trường nội địa, nâng cao chất lượng, mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm.

Thời điểm này, các nhà sản xuất Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế: Đó là việc một số sản phẩm nước ngoài bị cảnh báo nhiễm các chất độc hại  như: quần áo, đồ chơi trẻ em, sữa, hạt trân châu… Thêm vào đó, Nhà nước và nhân dân đang quan tâm đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay đối với hàng Việt. Các siêu thị, trung tâm thương mại, các phương tiện truyền thông… cũng đã dành những vị trí ưu tiên để quảng bá hàng Việt. Như vậy, vấn đề còn lại là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tự khẳng định mình qua uy tín, thương hiệu.

Chủ nhân của G7 Mart cũng lạc quan cho rằng, chúng ta đã chậm chân nhưng thị trường Việt Nam với dân số hơn 85 triệu người vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi lẽ, vẫn còn những loại hình bán lẻ hiện đại phù hợp với đặc thù Việt Nam mà các nhà bán lẻ xuyên quốc gia chưa tham gia mạnh, đó là cửa hàng tiện lợi. Ưu thế của các doanh nghiệp Việt Nam là họ hiểu rõ địa bàn, tâm lý, thói quen mua bán,… của người tiêu dùng Việt.

Theo công bố ngày 24/8 của Tổng cục Thống kê: Trong 8 tháng đầu năm, chúng ta đã tiêu tốn trên 42,3 tỷ USD (riêng tháng 8 là 6,2 tỉ USD) cho nhập khẩu hàng hóa. Nghịch cảnh là nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được, nhưng chúng ta vẫn phải nhập một lượng không nhỏ như: 200 triệu USD cho thủy sản, 539 triệu USD gỗ và các nguyên phụ liệu gỗ, 304 triệu USD cho sữa và các sản phẩm từ sữa, 554 triệu USD cho phôi thép… Thậm chí, ngay cả rau quả chúng ta cũng phải chi ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu.

Ông Phạm Đình Đoàn - Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái nhận định: Thị trường phân phối bán lẻ chỉ quan trọng sau công nghiệp chế tạo. Nếu phân phối, bán lẻ không được củng cố để có thể làm đối trọng với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, thì hàng hóa Việt Nam sẽ bị thu hẹp, do bị hàng hóa của nước ngoài thông qua kênh phân phối chèn ép. Ông Đoàn nhắc đến bài học của Trung Quốc, khi bị các tập đoàn nước ngoài thôn tính bằng cách: liên doanh với 20 đối tác nội địa để lách luật, sau đó mua lại 100% vốn khi Trung Quốc mở cửa và trở thành DN hàng đầu nước này về phân phối bán lẻ. Ông Đoàn cho rằng Việt Nam chắc chắn đang diễn ra hiện tượng này. Trong 3 đến 5 năm nữa, cơ hội cho phân phối bán lẻ của Việt Nam còn rất ít nếu chúng ta không thực sự có chiến lược ở cấp Chính phủ.

Nhóm PVKTXH - T.Hà - C.Trường
.
.
.