Công ty than làm đường để trả "nợ" cho dân

Thứ Sáu, 18/01/2008, 11:32
"Thảm họa" môi trường là cả một thời kỳ dài tích tụ. Do vậy, muốn giải quyết dứt điểm, muốn sản xuất bền vững, không để lại hậu quả về môi trường cũng cần có một khoảng thời gian tương ứng. Những nỗ lực dưới đây của Công ty Than Uông Bí, một trong những đơn vị lớn nhất Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang được ghi nhận.

Sẽ không "bóc ngắn cắn dài"

Sự tăng tốc khai thác không đi liền với công tác bảo vệ môi trường đã là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc. Đã có hiện tượng người dân bất chấp những quy định Nhà nước tự bố trí vật cản ngăn cấm phương tiện chở than đi qua địa bàn họ đang sinh sống.

Nhiều sự cố nguy hiểm đến tính mạng người dân, tài sản như bục nước đường lò, sạt lở bãi thải, bụi than phủ đen vùng trời đất mỏ. Cũng chính vì vấn đề môi trường mà mối quan hệ gắn bó mang tính lịch sử giữa ngành Than với chính quyền địa phương có lúc rất căng thẳng.

Nhưng cuối cùng rồi cũng đã có tiếng nói chung, từ cam kết đã đi đến những hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển ngành công nghiệp chủ lực gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đi tiên phong trong chiến lược này là Công ty Than Uông Bí, đơn vị có rất nhiều mỏ than trải khắp một vùng rộng lớn từ Đông Triều đến hết thị xã Uông Bí, trong đó chủ yếu là công nghệ khai thác hầm lò.

Từ vài năm trở lại đây, Công ty Than Uông Bí đã bắt đầu thực hiện ngay từ khâu đầu tiên trong quy trình khai thác than: bóc, bốc xúc đất đá, mở đường lò và tập kết chất thải tại những vị trí xa khu dân cư được chính quyền địa phương cho phép. Cùng với quy trình mới, một loạt các bãi thải tích tụ hàng chục năm qua cũng được di dời, hạ tải và tiến hành trồng cây gây rừng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha rừng keo đã được mọc lên ngay trên nền các bãi thải, công việc hoàn nguyên tưởng chỉ có trong lý thuyết nay đã hiển hiện thực tế. Một đặc điểm khác, công nghệ khai thác hầm lò sẽ sản sinh ra lượng nước thải từ các mạch ngầm sâu trong lòng đất theo đường lò chảy ra môi trường tự nhiên.

Do đây là loại nước cứng, chứa nhiều tạp chấp nên đã từng gây ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt và canh tác của dân. Bắt đầu từ năm 2007, Công ty Than Uông Bí đã chỉ đạo các đơn vị thành viên quy hoạch xây dựng hàng loạt các hồ chứa lắng tại các đường lò nhằm vào hai mục đích: vừa tháo kiệt nước trong các đường lò để tránh hiện tượng tích tụ gây bục vỡ, sập lò, vừa xử lý được nguồn nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Làm đường để trả "nợ" cho dân

Một vấn đề từng là nỗi bức xúc gay gắt của người dân là việc các phương tiện vận chuyển than từ khai trường ra các điểm tập kết giống như đem bụi than gieo rắc, phát tán khắp một vùng đô thị.

Thực hiện theo Quyết định số 825/QĐ-UBND (ngày 14/3/2007) của UBND tỉnh về việc cấm vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị, đồng thời cũng là cam kết của TKV với chính quyền địa phương và mới nhất là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ: Từ 1/1/2008, cấm tuyệt đối việc vận chuyển than qua các tuyến quốc lộ đã được ngành Than chấp hành nghiêm túc.

Theo phản ánh của ngành Công an, cho đến nay, sau nửa tháng thực hiện quyết định này chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm chỉ thị nêu trên.

Không những thế, bằng nỗ lực riêng, Công ty Than Uông Bí đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp một loạt các tuyến đường bộ, đường sắt chuyên dùng, chỉ dành riêng cho việc vận chuyển than.

Trong đó, đường Vàng Danh - QL18 dài 13km đã được nâng cấp gần như hoàn chỉnh với giá trị đầu tư trên 50 tỷ đồng (hiện còn 1km chưa xong do vướng mắc giải phóng mặt bằng). Theo ông Phạm Văn Tứ, Phó Tổng giám đốc Công ty Than Uông Bí, mặc dù trị giá đầu tư lớn nhưng công ty cũng chỉ sử dụng tuyến đường này cho đến hết năm 2008 là sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, Công ty sẽ chấm dứt việc vận chuyển than trên tuyến này.

Trong thời gian còn sử dụng, Công ty đã ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ có chức năng vệ sinh môi trường thường xuyên tưới nước chống bụi, hốt bùn mỗi ngày nhiều lượt nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi đối với cư dân hai bên đường.

Tại tỉnh lộ 333 - độ dài 5km từ ngã tư Tràng Bạch đến Bến Đụn (Đông Triều) hiện Công ty không  sử dụng nhưng vẫn thực hiện cải tạo nâng cấp cũng hoàn chỉnh với giá trị đầu tư 5 tỷ đồng bàn giao cho địa phương.

Theo lãnh đạo của Tập đoàn, Công ty đã thống nhất bắt đầu từ giai đoạn này, ngành Than sẽ phấn đấu thực hiện đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường ngang bằng với đầu tư vào việc sản xuất than. Đối với địa phương, những động thái này như là một nghĩa cử rất đáng ghi nhận. Nhưng đối với ngành Than, đây chỉ là đóng góp nhỏ, so với những gì mà người dân đã gánh chịu vì sự phát triển của ngành Than

Lê Minh Triết
.
.
.