Công trình thủy lợi tiền tỷ “đắp chiếu”

Thứ Tư, 20/07/2011, 10:58
Công trình thủy lợi thôn Của, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được đầu tư xây dựng năm 2008 với tổng số vốn 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Nhưng kể từ khi bàn giao công trình đến nay đã 2 năm, hơn 11ha ruộng của bà con nông dân nằm trong diện thiết kế hưởng lợi vẫn chưa hưởng được một giọt nước nào từ công trình tiền tỷ này.

Công trình thuỷ lợi thôn Của do UBND huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục đập dâng dài 70 mét, hệ thống kênh mương bằng bê tông dài 1.300 mét, tuyến đường ống dẫn nước bằng thép dài 700 mét... Công trình do Công ty TNHH Nam Bến Hải đảm nhận thi công, khởi công xây dựng vào tháng 10-2008 và đến tháng 10-2009 hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Dẫn chúng tôi ra những ô ruộng bậc thang đã được khai hoang bằng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 134 của Chính phủ từ khi công trình thuỷ lợi bắt đầu xây dựng, ông Hồ Văn Cháo, Chủ tịch UBMT xã Hướng Lộc cho biết: “Những thửa ruộng này trước kia bà con trồng sắn nhưng sau khi được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, ruộng được khai hoang chuẩn bị sẵn đợi ngày có nước để trồng lúa. Thế mà gần 3 năm nay ruộng đồng vẫn đang bỏ hoang chờ… nước”.

Người dân thôn Của vẫn mỏi mòn chờ nước sản xuất.

Ông Hồ Xuân Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lộc khẳng định: “Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi có đi kiểm tra và xác định đúng là kênh mương không thể dẫn nước vào ruộng được, người dân không thể sản xuất. Theo tôi nguyên nhân chính là do khâu khảo sát thiết kế, cách thi công chưa phù hợp, vì vậy các bên liên quan cần sớm tiến hành kiểm tra để kịp thời có biện pháp xử lý nhằm sớm khắc phục tình trạng nước một đường, kênh một nẻo, gây lãng phí tiềm năng đất đai cũng như vốn đầu tư rất lớn của Nhà nước”.

Xã Hướng Lộc có 10 thôn bản sống rải rác trên một địa bàn rừng núi rộng lớn, dân cư hầu hết là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp và dựa vào nương rẫy, khai thác lâm sản. Trong đó thôn Của hiện tại vẫn chưa có điện thắp sáng, chưa có nước tự chảy, thu nhập chính của các hộ gia đình chỉ biết trông chờ vào cây sắn, cây ngô và cây lúa rẫy.

Khi Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi chặn dòng suối Ka Đập đưa nước về bản, ai cũng vui mừng phấn khởi, mong công trình sớm hoàn thành giúp dân bản trồng được cây lúa nước để người dân có được bát cơm đầy, và nhất là cả bản sẽ không còn chịu cảnh thiếu đói giáp hạt từ năm này sang năm khác... Nhưng rồi nghịch lý là công trình sau khi hoàn thành đã không đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như mong đợi của người dân

Phan Thanh Bình
.
.
.