Công nhân ngoại tỉnh phải "xẻ" thu nhập eo hẹp để thuê nhà

Thứ Bảy, 28/04/2012, 19:23
Hiện có tới 95% công nhân ngoại tỉnh tại các khu công nghiệp (KCN) phải “cấu” một phần thu nhập ít ỏi để thuê nhà trọ. Xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn là một khẩu hiệu khi mà nó chỉ được thể hiện trong quy hoạch và trong các văn bản dùng để xin cấp phép thành lập KCN.
>>Ưu đãi xây dựng nhà ở cho công nhân

Với gần 2 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) có mức thu nhập bình quân theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH khoảng 3 triệu đồng/tháng thì việc đảm bảo mức sống tối thiểu đã khó khăn, trong khi có tới trên 60% trong số họ là công nhân ngoại tỉnh, và tới 95% trong số này phải “cấu” một phần thu nhập để thuê nhà trọ. Xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn là một khẩu hiệu khi mà nó chỉ được thể hiện trong quy hoạch và trong các văn bản dùng để xin cấp phép thành lập KCN.

Vì sao trong nhiều năm nay, cả nước mới chỉ có 9/110 dự án nhà ở cho công nhân được hoàn thành đi vào sử dụng? Tất cả lại đổ lỗi cho khó khăn từ vốn và quỹ đất. Nhưng có một thực tế cần phải được nhìn thẳng, đó là chừng nào người lao động nghèo, người lao động (NLĐ) chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật không còn lựa chọn nào khác, các KCN vẫn là nơi họ bấu víu cho cuộc mưu sinh thì các ông chủ doanh nghiệp (DN) vẫn có thể ung dung bỏ qua cái khoản đầu tư mà trước mắt không mang lại lợi nhuận cho họ.

Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, tại các KCN hiện chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các DN sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đầu tư xây dựng. 95% số công nhân ngoại tỉnh còn lại phải thuê nhà trọ của tư nhân không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước và môi trường sinh hoạt.

Sự chậm trễ này được ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh giải thích, các dự án nhà ở cho công nhân hiện khó triển khai do thiếu quỹ đất; khó vay vốn... Cụ thể, trong 9 dự án nhà ở công nhân xin vay vốn ngân hàng, thì đã có đến 7 dự án bị từ chối vì được đánh giá là kém hiệu quả, không khả thi… Bên cạnh đó là sự thiếu “mặn mà” tham gia của các DN. Ngay tại Cần Thơ, với mục tiêu giải quyết nơi ở cho 50% công nhân, thành phố rất cần xây dựng nhà ở công nhân cho hơn 50.000 công nhân, song đến nay, ở địa phương này vẫn chưa có dự án nào được khởi công.

Sau khi xây dựng khu nhà lưu trú cho công nhân, Công ty May Bình Dương đã thoát tình cảnh thiếu lao động kinh niên.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện nhiều KCN vẫn ở trong tình trạng “5 không”, các công trình phục vụ KCN còn yếu. Trong khi đó cũng tồn tại một thực tế là có một số khu nhà ở cho công nhân lại không thu hút được công nhân vào ở. Nhà ở là yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn lực con người, một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển sản xuất.

Cùng với việc rà soát và đưa các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho người lao động tại các KCN vào cuộc sống, cần có quy định rõ trách nhiệm của DN, có chính sách, quy định bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm dành một tỷ lệ vốn tham gia giải quyết nhà ở cho NLĐ thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho NLĐ thuê, mua; đa dạng hóa các kiểu dáng kiến trúc phù hợp với điều kiện sống của NLĐ.

Đặc biệt, quy hoạch phát triển KCN, KCX phải bao gồm quy hoạch trong và ngoài KCN, phải gắn kết KCN với khu đô thị có đầy đủ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho NLĐ. Những dự án mới phát triển KCN nhất thiết phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có đất xây dựng nhà ở, xây dựng công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu cho NLĐ. Tất cả những công việc này cần được ưu tiên trong các chính sách phát triển đội ngũ công nhân phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thu Uyên
.
.
.