Công nghệ đạo văn dẫn đến cung cấp sai kiến thức

Thứ Ba, 12/08/2008, 08:49
Sách tham khảo của học sinh đang là loại hàng được quan tâm nhiều nhất. Cũng vì lẽ đó, tình trạng vi phạm bản quyền loại sách này trở nên khá phổ biến đến mức bất chấp các nguy hại cho người sử dụng là các em học sinh. Với sự phát hiện mới nhất của "khổ chủ" là NXB Giáo dục, thì có lẽ, vi phạm bản quyền nhiều nhất đang thuộc về NXB Đại học Quốc gia TP HCM với cả số lượng và mức độ vi phạm.

Đạo văn như "giữa chốn không người"

Tháng 5/2008, từ sự phản ánh của dư luận, NXB Giáo dục đã phát hiện 6 cuốn sách tham khảo cho học sinh phổ thông do NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xuất bản đã vi phạm bản quyền của mình, gồm: "Để học tốt tiếng Việt" tập 1 và tập 2 của nhóm Trần Đức Niềm- Trần Lê Thảo Linh, "Tóm tắt lý thuyết và hướng dẫn giải bài tập Vật lý" lớp 6 và lớp 8 của nhóm tác giả Trương Thọ Lương, Trương Thị Kim Hồng và Nguyễn Hùng Mãnh, "Tóm tắt lý thuyết và hướng dẫn giải bài tập Hóa học 10 nâng cao" của Lê Đình Nguyên và "Giải bài tập nâng cao Hóa học 11" của Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Hoàng Kim Ngân.

Để có căn cứ đối chiếu và khẳng định việc vi phạm, NXB Giáo dục đã mời các chuyên gia cùng các tác giả đọc thẩm định nên đã phát hiện cách "biên soạn" sách của NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Các cuốn sách tham khảo nói trên sao chép gần như nguyên xi nội dung trong sách học sinh và tài liệu giảng dạy của giáo viên do NXB Giáo dục phát hành. Như vậy, gọi là "biên soạn" nhưng các "tác giả" hoàn toàn không mất công tư duy mà chỉ làm công việc duy nhất là chép lại.

Theo các chuyên gia, các cuốn tham khảo nói trên đều sao chép từ SGK 60-80%, thậm chí, nhiều chỗ nguyên xi 100%. Đây là sự vi phạm bản quyền trắng trợn, đáng phải lên án, nhất là trong bối cảnh Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006.

Tuy nhiên, đáp lại một số công văn của NXB Giáo dục là đề nghị "dừng phát hành và thu hồi toàn bộ các xuất bản phẩm đã có vi phạm bản quyền của NXB Giáo dục và của các tác giả; có công văn xin lỗi các tác giả SGK bị vi phạm bản quyền và NXB Giáo dục", phía NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ "nhận sai sót trong khâu biên tập" và "đang nghiêm khắc rút kinh nghiệm".

Sau đó, ông Thái Quang Vinh thay mặt nhóm biên soạn những cuốn ngữ văn nói trên đã có thư xin lỗi và khẳng định "được trao đổi với những người có trách nhiệm, tôi và đồng nghiệp đã hiểu được việc làm sai của mình. Đã sai thì phải khắc phục. Chúng tôi đang tiến hành gấp rút biên soạn lại những điều mà trước đó mình ý thức chưa đúng."

Tuy nhiên, ngay sau sự việc chưa lâu, ngày 8/8, NXB Giáo dục lại có trong tay thêm 12 đầu sách khác cũng của NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục vi phạm bản quyền, và hầu hết đều của nhóm tác giả Thái Quang Vinh: "Học tốt Ngữ văn 7, tập 2", ""Học tốt Ngữ văn 9, tập 2", "Để học tốt Ngữ văn 11 nâng cao, tập 2"…

Hậu họa

Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này là, không chỉ vi phạm bản quyền, những cuốn sách đã nói ở trên còn để lại hậu quả khôn lường từ những kiến thức chắp vá, sai lệch và theo GS. Nguyễn Khắc Phi là "làm hỏng ý đồ của SGK trong việc phát huy tính tích cực của học sinh và sẽ phá tan mọi nỗ lực cải tiến giảng dạy của giáo viên". Bởi việc sao chép được tiến hành từ lúc SGK đang còn ở dạng thí điểm, thậm chí, các "nhà biên soạn" còn sửa sai một số từ ngữ quan trọng ở SGK dẫn đến làm sai ý nghĩa, cung cấp cho học sinh những kiến thức sai lệch.

Theo PGS.TS Hoàng Hòa Bình thì trong cuốn "Để học tốt tiếng Việt 4, tập 1", những người "biên soạn" đã không hiểu đúng ý đồ của người soạn SGK nên "không giúp gì cho giáo viên, nếu học sinh sử dụng thì không có lợi cho các em và làm hỏng phương pháp giáo dục mới."

Còn cuốn "Giải bài tập Hóa học 10 nâng cao", chuyên gia Vương Minh Châu khẳng định: "Kiến thức được đề cập tuy bám theo SGK nhưng thiếu chính xác, một số nội dung không nhất quán. Một số kiến thức, khái niệm mới thay đổi trong SGK đại trà chưa được tác giả bắt kịp nên vẫn dùng các kiến thức, khái niệm cũ, lỗi thời. Một số kiến thức không đề cập đến trong chương trình Hóa học 10 thì ở đây lại đề cập.

Không chỉ thế, lỗi chính tả của cuốn này tương đối nhiều, viết hoa và viết tắt tùy tiện." Trong phần hướng dẫn câu hỏi ở trang 104 của cuốn "Để học tốt Ngữ văn nâng cao 10, tập 2", chỉ 6 dòng mà sách đã sai 6 lỗi chính tả, nhiều đoạn sao không chỉ chép nguyên xi sách thí điểm mà còn đưa ra cho học sinh những kiến thức không chính xác.

Nêu lên đây những vi phạm về hình thức và sai sót về nội dung của các cuốn sách, chúng tôi mong rằng, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh hãy cẩn trọng khi lựa chọn các cuốn sách tham khảo, không để "tiền mất tật mang". Khi người lớn chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, thì làm sao còn đủ tư cách để giáo dục con trẻ? Cũng mong rằng, các cơ quan có trách nhiệm cùng vào cuộc, để tình trạng vi phạm bản quyền không còn có thể ngang nhiên diễn ra như "giữa chốn không người" được nữa

Thái Hoàng
.
.
.