Công an đang cùng tìm nguyên nhân "trẻ tử vong sau khi tiêm vaccin viêm gan B"

Thứ Ba, 23/07/2013, 15:00
Ngày 22/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế và Công an tỉnh Quảng Trị tiếp cận hồ sơ, rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng và chiều 22/7 đã tiến hành họp, phân tích, tìm nguyên nhân tử vong.
>> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm phòng vaccin viêm gan B

Vào cuộc từ đầu

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, xác định được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng Công an khẩn trương vào cuộc: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Phòng Cảnh sát kỹ thuật hình sự, pháp y và Công an huyện Hướng Hóa cùng các bác sĩ của ngành Y tế Quảng Trị tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu mẫu vaccin đã tiêm cho các bé, khám kho thuốc và niêm phong toàn bộ lô thuốc vaccin đã sử dụng để tiêm cho các cháu.

Các mẫu thuốc được Công an tỉnh Quảng Trị bàn giao để Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh bảo quản và sẽ chuyển cho Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Viện Kiểm nghiệm thuốc xét nghiệm. Đây là số vaccin do Công ty Vaccin và Sinh phẩm số 1 sản xuất năm 2012, có hạn sử dụng trong vòng 3 năm, vừa được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa ngày 18/7.

Lực lượng Công an cũng đã bố trí lực lượng để tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số về sự việc đáng tiếc này. Bên cạnh đó, do ngành Y tế làm tốt công tác thăm hỏi các gia đình nạn nhân, hỗ trợ mai táng cho các cháu và bố trí nhân viên y tế chăm sóc chu đáo các sản phụ, nên tình hình đã nhanh chóng ổn định.

Hội nghị Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm vaccin phòng viêm gan B xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa.

Về nguyên nhân gây tử vong cho 3 cháu bé, Thiếu tướng Lê Công Dung cho biết: Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy, mặt của ba trẻ đều bị phù; mặt, môi, móng chân và tay tím. Đùi phải có vết tiêm chích nhỏ bằng đầu đinh ghim. Ngoài ra, các khoang màng phổi có dịch xuất tiết, xuất huyết thâm mạc phổi và ngoại tâm mạc, ngoài màng cứng não; xung huyết gan, thận; phù não. Từ các dấu chứng trên, kết luận được đưa ra là do sốc thuốc.

Ngày 22/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế và Công an tỉnh Quảng Trị tiếp cận hồ sơ, rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng và chiều 22/7 đã tiến hành họp, phân tích, tìm nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Công Dung cho biết: Tại cuộc họp, các ý kiến vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân dẫn đến 3 cái chết của trẻ: sốc thuốc do chất lượng vaccin, hoặc chất lượng thuốc kém do quá trình bảo quản, do nước cất dùng để tiêm vaccin, hay tay nghề của nhân viên y tế, hoặc do cơ địa của trẻ, vẫn chưa được kết luận.

Vì thế, ngay trong đêm 22/7, lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị sẽ trực tiếp cùng các cán bộ Y tế mang mẫu vật phẩm thu được trong quá trình khám nghiệm ra Hà Nội, để các Viện chức năng của Bộ Y tế xem xét. Thời gian có kết quả xét nghiệm hoàn toàn phụ thuộc vào phía Bộ Y tế.

Thiếu tướng Lê Công Dung nhấn mạnh: Khi có kết luận về nguyên nhân cái chết của 3 cháu bé, nếu thấy có vấn đề, Công an tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tiến hành xem xét, điều tra.

Có nên tiêm phòng cho trẻ trong 24h?

Sau sự cố đau lòng trên, các bậc phụ huynh thực sự hoang mang về việc có nên tiếp tục tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h nữa không? Tuy nhiên, câu trả lời của các thầy thuốc cũng vẫn chưa đồng nhất.

Một số bác sĩ chuyên khoa Nhi ở các bệnh viện tuyến TW cũng có ý kiến: Quan điểm của các nhà y tế dự phòng về việc tiêm phòng vaccin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh, là nhằm tránh bỏ sót. Nhưng việc này vẫn còn nhiều giải pháp quản lý được, như cho tiêm khi trẻ được một tháng tuổi. Vì trong vòng 24 giờ vừa sinh, trẻ còn quá non nớt, từ môi trường trong bụng mẹ phải hoàn toàn tự lập từ đầu trong một môi trường mới, từ ánh sáng, không khí đến hô hấp nên rất yếu, tiêm vaccin lại là đưa thêm một tác nhân khác vào người trẻ, khiến trẻ không kịp thích nghi, dễ dẫn đến tử vong.

GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định Vaccin và Sinh phẩm y tế Quốc gia, cho rằng: Nên cân nhắc việc thay đổi lịch tiêm một số loại vaccin cho trẻ sau sinh, như tiêm phòng lao thì sau sinh từ 1-2 tuần; viêm gan B sau 2 tháng. Lý do bởi giai đoạn này trẻ em vẫn được kháng thể tốt từ người mẹ, nên việc tiêm phòng muộn cũng không hề ảnh hưởng đến tính miễn dịch của vaccin. Ngoài ra, cơ thể trẻ mới sinh đang ở 37 độ C, trong khi lọ vaccin được bảo quản trong tủ lạnh cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ bị sốc vì lạnh.

Tuy nhiên, trước những ý kiến này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vẫn khẳng định: Việc tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24h sau sinh sẽ có hiệu lực cao, có tác dụng phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này từ mẹ sang con tới 85 - 90%. Đây cũng là lịch tiêm phòng vaccin viêm gan B của quốc tế. Nếu lùi thời gian tiêm phòng, khả năng phòng bệnh giảm.

Còn theo ông Trịnh Anh Tuấn, đại diện Truyền thông của Liên hiệp quốc tại Việt Nam thì: Việc một số bác sĩ khuyên không nên tiêm cho trẻ trong vòng 24h, mới chỉ do báo chí Việt Nam đưa. Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế sẽ họp mở rộng để sớm tìm ra nguyên nhân, nhằm có khuyến cáo thích hợp.

Chiều tối 22/7, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chính thức thông báo: Liên quan đến sự cố sau sử dụng đối với các lô vaccin viêm gan B, số lô: V-GB020812E và V-GB030812E, HD: 07/2015, SĐK: QLVX-0376-11 do Công ty TNHH MTV Vaccin và Sinh phẩm Y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược thông báo tạm ngừng việc sử dụng các lô vaccin trên. Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với Vabiotech gửi  thông  báo tạm ngừng sử dụng tới  những  nơi  phân phối, sử dụng các lô vaccin viêm gan B trên. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng vaccin tạm ngừng sử dụng các lô vaccin trên.

Dạ Miên

Với quan điểm cần làm rõ nguyên nhân gây tử vong của 3 cháu bé, Đại tá Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y - Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho hay: Hiện Trung tâm chưa nhận được các trưng cầu về vụ 3 cháu bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccin, nhưng trong trường hợp có trưng cầu, Viện sẽ nhanh chóng tiến hành các thủ tục, để xem xét có độc chất trong phủ tạng các cháu bé hay không và đưa ra cảnh báo dựa trên kết luận này.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, mổ khám nghiệm tử thi nạn nhân; niêm phong toàn bộ 29 lọ vaccin nằm trong lô vaccin tiêm cho 3 trẻ mà Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa trước đó đã nhận về; niêm phong 3 vỏ, lọ vaccin đã tiêm cho 3 trẻ; xác minh quy trình bảo quản vaccin của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hướng Hóa và Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa; quy trình tiêm vaccin trên của y tá điều dưỡng của bệnh viện… Các cơ quan chức năng địa phương cũng thống nhất cao việc loại trừ khả năng bệnh lý với trẻ; tập trung xác minh quy trình vận chuyển, bảo quản vaccin; quy trình tiêm vaccin và chất lượng vaccin.

Theo tìm hiểu được biết, việc 3 trẻ sơ sinh chết tức tưởi sau tiêm vaccin phòng viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, y tá điều dưỡng của bệnh viện đã phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của trẻ sau tiêm và đã nhanh chóng tìm cách xử lý. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bác sĩ trực chuyên môn đã không có mặt tại bệnh viện. Về thông tin này, cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đang tích cực điều tra làm rõ.

Thái Bình

Thanh Hằng - Thanh Bình
.
.
.