Công an Hà Nội giải đáp vướng mắc liên quan đến nhập hộ khẩu

Thứ Sáu, 01/04/2005, 08:48

Sau khi Báo CAND đăng về một số trường hợp cụ thể có những vướng mắc không nhập hộ khẩu ở Hà Nội được, chúng tôi đã nhận được ý kiến trao đổi của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Tp. Hà Nội về vấn đề này. Chúng tôi xin thông tin một số trường hợp và sẵn sàng tiếp nhận giải đáp với những trường hợp khác.

Anh Nguyễn Mạnh Tiến, SN 1971, HKTT tại 24 phố Lạc Trung, tổ 11B, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, tạm trú tại 239, phố Tam Trinh, phường Mai Động, quận Hoàng Mai. Anh sống như vợ chồng với chị Triệu Thị Vui ở xã Hồng Thái, huyện Thái Thụy, Thái Bình từ tháng 12/2002 nhưng chưa đăng ký kết hôn. Tháng 10/2003, chị Vui sinh con rồi để lại đứa trẻ cho anh Tiến và bỏ đi đâu không ai biết. Nay anh Tiến đến UBND phường Thanh Lương làm khai sinh cho con (kèm theo xác nhận của Tổ dân phố, UBND, Công an phường nơi tạm trú). Gia đình anh Tiến cho biết, UBND phường Thanh Lương đưa ra nhiều lý do để không làm giấy khai sinh cho cháu bé. Muốn làm khai sinh và nhập hộ khẩu cho con, anh Tiến phải làm những thủ tục gì?

Việc làm khai sinh cho cháu, anh Tiến phải đến Phòng Tư pháp của UBND quận Hai Bà Trưng để được hướng dẫn thủ tục cấp giấy khai sinh. Sau khi đã được cấp giấy khai sinh, anh đến Công an quận Hai Bà Trưng, lập hồ sơ đăng ký hộ khẩu cho cháu theo bố, gồm các giấy tờ sau: Sổ hộ khẩu của anh; giấy khai sinh bản chính của cháu; khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu có ý kiến đồng ý của chủ hộ. Xác nhận của Công an xã Hồng Thái, huyện Thái Thụy, Thái Bình (chị Vui có hộ khẩu ở địa phương, hiện đi đâu không rõ, cháu bé hiện chưa đăng ký hộ khẩu tại địa phương).

Chị Hoàng Thị Thu, 38 tuổi, HKTT tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, hiện sống tại nhà A12, phòng 410B, khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Năm 1985, chị Thu về Hà Nội học tại trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp. Theo quy định, lúc đó chị phải cắt hộ khẩu chuyển về trường. Tốt nghiệp đại học năm 1992 đến nay, chị Thu đã đăng ký tạm trú ở Hà Nội làm việc qua nhiều công ty. Năm 2004, chị đã mua được nhà tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Quá trình sinh sống ở đây, chị Thu đã làm thất lạc tất cả các loại giấy tờ liên quan như: CMND, hộ khẩu... Trường hợp của chị Thu, có đủ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu tại Hà Nội không?

Trường hợp của chị Thu có thể xem xét giải quyết đăng ký hộ khẩu với điều kiện và thủ tục: Giấy mua bán nhà có xác nhận của UBND phường; tài liệu chứng minh đã ở và làm việc tại Hà Nội từ năm 1992. Cụ thể: Hợp đồng lao động hoặc xác nhận thời gian đã công tác tại cơ quan; sổ đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của Công an nơi tạm trú trước khi mua nhà (từ 1992- 2004); phiếu di chuyển hộ khẩu do Công an quận Đống Đa cấp; bản khai nhân khẩu, khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu quy định.

Anh Nguyễn Văn Kham, ở số nhà 1B, ngách 120, ngõ 72, tổ 41, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Năm 1993, gia đình anh chuyển từ Hà Tây về Hà Nội sinh sống theo diện KT3, giấy tờ mua bán nhà đất có xác nhận của phường, đã đóng thuế từ năm 1993. Nhà đất anh mua có nguồn gốc của Nhà nước đền bù cho một gia đình khác. Sau đó, chủ nhà cắt bán một phần diện tích ấy cho gia đình anh. "Sổ đỏ" của gia đình anh, quận đã làm xong nhưng quận yêu cầu phải có hộ khẩu mới được nhận. Đến cơ quan Công an xin nhập hộ khẩu thường trú thì được giải thích phải có "sổ đỏ" mới nhập được. Muốn được nhập hộ khẩu ở Hà Nội, anh Kham phải làm những thủ tục gì?

Trường hợp của gia đình anh Kham được xem xét đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Thủ tục gồm: Phiếu khai báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên); giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của các con; giấy tờ hợp pháp về nhà ở. Ngoài ra, phải có nguồn gốc nhà của chủ bán, giấy mua bán nhà có xác nhận của UBND phường; sổ đăng ký tạm trú có thời hạn; tài liệu chứng minh liên quan đến thời gian cư trú tại Hà Nội từ năm 1993; quyết định tiếp nhận công tác hoặc hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, quê ở Nam Định, sinh tại Hà Nội, HKTT tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thúy Ngà, ở thành phố Nam Định. Theo quy định trước đó, vợ không được nhập hộ khẩu theo chồng nên bà Ngà không được nhập hộ khẩu về Hà Nội. Vợ chồng ông Nghĩa có hai con trai, một con gái. Vì các loại giấy tờ của ông Nghĩa không thống nhất về quê quán nên ông không nhập hộ khẩu cho con theo ông được. Cũng vì lo các con không có hộ khẩu Hà Nội thì không được đi học nên ông Nghĩa đưa các con về Nam Định học rồi trở về Hà Nội làm việc. Năm 2000, con trai ông Nghĩa là anh Nguyễn Thế Tùng lấy vợ có hộ khẩu ở quận Tây Hồ, Hà Nội và nhập hộ khẩu về theo vợ. Nhưng trên thực tế, cả hai vợ chồng anh Tùng và hai đứa con vẫn đang sống ở 21 Hàng Ngang. Vì vậy nếu con anh Tùng xin học ở quận Hoàn Kiếm sẽ bị trái tuyến. Anh Tùng muốn chuyển hộ khẩu về số nhà 21 Hàng Ngang thì phải làm những thủ tục gì?

Trường hợp của anh Tùng muốn chuyển hộ khẩu về 21 Hàng Ngang phải đảm bảo điều kiện đã ở thường xuyên tại địa chỉ xin nhập. Thủ tục bao gồm: Khai phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu có ý kiến chủ hộ đồng ý; khai sinh của anh Tùng để chứng minh mối quan hệ với ông Nghĩa. Đồng thời anh Tùng phải trình được hộ khẩu của ông Nghĩa do Công an quận Hoàn Kiếm cấp và của vợ chồng anh do Công an quận Tây Hồ cấp

Nhóm PVPL
.
.
.