Con trai của tử tù Trịnh Nguyên Thủy: Mong còn được một lần gặp bố

Chủ Nhật, 27/04/2008, 13:25
Khi Trịnh Nguyên Thủy bị bắt, không còn được tiêu tiền xông xênh như trước, nên Kiều Trịnh Gia Thế (con nuôi) chán đời, cùng bạn bè lang thang đi cướp... Giờ đây, khi đang chịu án tại Trại 6 Thanh Chương, Nghệ An, Thế rất ân hận vì đã không nghe lời bố mẹ học hành cho tử tế và chỉ mong kịp được một lần gặp bố.

Đã từng vài lần gặp Trịnh Nguyên Thủy trong trại giam nhưng chưa bao giờ tôi được nghe anh ta kể quá nhiều về gia đình và những đứa con của mình.

Kể từ lúc bị bắt vào trại cho đến bây giờ khi đã nhận bản án tử hình, đang đợi ngày thi hành án thì Trịnh Nguyên Thủy vẫn đinh ninh rằng, đứa con trai đầu của mình - Kiều Trịnh Gia Thế, hiện đang đi du học ở nước ngoài, chứ có biết đâu rằng, Gia Thế đã bị bắt không lâu sau khi cha mình vào tù vì tội cướp giật, giờ thì đang phải cải tạo ở Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An.

Tôi đã gặp Kiều Trịnh Gia Thế trong ngày hội phạm nhân diễn ra ở trại này và nghe được những tâm sự đắng lòng của cậu ta về gia đình mình, suy cho cùng, bi kịch ấy, không ai khác, chính là do người chủ gia đình - Trịnh Nguyên Thủy gây ra.

Họa vô đơn chí

Trong những giây phút rộn ràng của ngày gặp gỡ, tôi để ý có một phạm nhân nam còn rất trẻ, dáng cao ráo, gương mặt sáng sủa đang rủ rỉ cùng một cậu em trai trông cũng sáng sủa không kém.

Tôi bắt chuyện: "Em tên gì?". "Kiều Trịnh Gia Thế". "Bố mẹ em làm gì?". "Chết rồi". "Nhà em ở đâu?". "3A Láng Hạ" - Gia Thế trả lời rất nhanh như không cần suy nghĩ.

3A Láng Hạ, địa chỉ này quá quen thuộc với báo giới khi vụ án Trịnh Nguyên Thủy xảy ra, nơi ấy từng được xem là đại bản doanh của tập đoàn ma tuý của Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn. Nhưng Trịnh Nguyên Thủy chỉ có một cậu con trai duy nhất học rất giỏi cơ mà, chẳng lẽ…

Nhìn cậu em trông có nét gì đó thật quen như đã từng gặp ở đâu đó khiến tôi tò mò hỏi tên cậu bé. "Cháu là Trịnh Bảo Trường" - cậu bé trả lời và nhoẻn miệng cười với tôi. "Thế ra cháu là…". "Vâng, bố cháu là Trịnh Nguyên Thủy, còn đây là anh trai cháu". Cậu bé hồn nhiên cười nói rồi chỉ vào anh trai mình, một phạm nhân ngồi cạnh. Phạm nhân nam khẽ ngước mắt nhìn tôi, nhếch môi cười mà nỗi buồn vẫn lộ ra thật rõ, không thể nào che giấu được.

Người chú của Trịnh Bảo Trường đi cùng cậu bé vào thăm Gia Thế cho tôi biết, Gia Thế được vợ chồng Trịnh Nguyên Thủy nuôi từ khi còn rất nhỏ, bởi vợ chồng Thủy lấy nhau mãi mà không có con. Nghe người ta nói số phải nuôi con nuôi thì mới có con nên Thủy đã nhận một cậu bé về làm con nuôi và đặt tên là Kiều Trịnh Gia Thế (giữ nguyên họ cha đẻ của cậu bé).

Không biết đó có phải là số mệnh không mà sau khi nhận Gia Thế về nuôi một thời gian, vợ chồng Thủy đã sinh được Bảo Trường. Vì thế, Gia Thế được cha mẹ nuôi yêu chiều, thậm chí còn được chiều chuộng hơn con đẻ, vì ngoài tình cảm cha mẹ đối với con cái, vợ chồng Thủy dường như còn phải chịu một cái ơn đối với cậu bé Kiều Trịnh Gia Thế.

"Bố mẹ em kỳ vọng vào em lắm" - Gia Thế dường như rất kiệm lời, cậu ta thốt lên câu ấy nghe thật khó nhọc. "Tại sao em bị bắt vào đây" - tôi hỏi. "Em đi cướp". "Vì em cần tiền à?". "Không hẳn. Em chán đời".

Ông chú của Trường và Thế nhìn thằng cháu lắc đầu, thở dài. Ông chú này giờ phải một chốn đôi nơi, tháng nào cũng vừa phải đi thăm nuôi ông anh đang bị giam chờ ngày thi hành án ở Sơn La, lại vừa khăn gói đi thăm thằng cháu ở Nghệ An.

Gia đình Trịnh Nguyên Thủy phải chia lìa, ly tán như ngày hôm nay chính là do những hệ lụy tội lỗi mà Thủy đã gây nên. Nhà cửa ở trên Vĩnh Phúc nhưng giờ đây ông chú này phải lặn lội xuống Hà Nội để chăm sóc thằng cháu trai vì mẹ nó (vợ của Trịnh Nguyên Thủy) đã "đi tu" (?!).

Khác nhau từ hình dáng đến tính cách, Trường càng hồn nhiên, vui vẻ bao nhiêu thì Thế càng ít nói và lầm lỳ bấy nhiêu, thế nhưng, hai anh em rủ rỉ trò chuyện khá thân mật.

Chơi bời, nghịch ngợm từ bé nên Gia Thế giao du toàn với những người bạn không tốt. Khi bố bị bắt, Thế không còn được tiêu tiền xông xênh như trước, thế nên cậu ta chán đời, cùng bạn bè lang thang đi cướp. Thế cùng 3 thằng bạn đã gây ra vụ cướp vào đêm mùng 9 Tết năm 2006 trên đường Giảng Võ, ngay trước Triển lãm.

Mong còn được một lần…

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai bố con cùng bị bắt vào trại khiến những người còn lại trong gia đình Trịnh Nguyên Thủy như không biết bấu víu vào đâu. Bình thường ở nhà, Kiều Trịnh Gia Thế dù sao vẫn có phong cách của một ông anh cả, dù thường xuyên bị cha mẹ nhắc nhở.

Thực tế thì Gia Thế luôn luôn là niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng Thủy, cậu ta từng học ở Học viện Tài chính và Cao đẳng Bách khoa nhưng rồi chẳng tốt nghiệp được trường nào vì chỉ được nửa chừng là Gia Thế lại bỏ học.

Vợ chồng Trịnh Nguyên Thủy luôn muốn Gia Thế phải đi du học ở nước ngoài nhưng cậu quý tử này quyết không nghe lời cha mẹ. Cho đến bây giờ, khi đang trong thời gian chờ thi hành án, Trịnh Nguyên Thủy vẫn tin tưởng rằng, cậu con nuôi của mình hiện đã đi du học, ít ra là không đi theo vết chân của bố nó và có một tương lai tươi sáng hơn.

Hồi đầu mới vào trại, Gia Thế dường như không thể nào làm quen được với công việc lao động cải tạo. Với người lao động bình thường thì công việc khâu bóng rất đơn giản, chỉ học vài ngày là biết làm, nhưng với Gia Thế thì nó còn khó hơn việc tìm đường… lên trời.

Bởi từ nhỏ đến giờ, cậu ta hầu như chưa làm một việc gì động đến tay chân, thế nhưng đã là phạm nhân thì đều bình đẳng như nhau và quý tử của Trịnh Nguyên Thủy cũng không là ngoại lệ.

Những ngày đầu mới cầm kim khâu bóng, tay của Thế phồng rộp lên, đêm về đau đến ứa nước mắt không ngủ được. Bàn tay của thằng con trai nhà giàu, đến miếng ăn cũng phải có người làm sẵn may ra mới động đũa động bát, thế mà bây giờ cũng phải làm việc như người ta.

Nhưng nhờ có những ngày tháng này mà Gia Thế biết quý sức lao động của mình hơn và cũng hiểu thêm một điều, những đồng tiền ngày xưa cậu ta được bố cho là không chân chính, tiêu xài những đồng tiền bẩn ấy là có tội, là phải trả giá. Giờ thì không còn niềm vui nào với Gia Thế hơn là mỗi ngày hoàn thành tốt sản phẩm của mình.

Bây giờ mỗi tuần, Thế có thể khâu được 3-4 quả bóng, vượt chỉ tiêu phân trại giao. Còn mẹ Gia Thế thì cũng líu ríu với việc thăm nom chồng ở Thái Nguyên và cũng lo lắng cho anh ta nhiều hơn bởi ai cũng biết án của anh ta là án tử, nghĩa là không có ngày về, còn Gia Thế thì dù sao cũng chỉ chịu "án số", đi tù vài năm, nếu quyết tâm thì vẫn có thể làm lại cuộc đời.

Từ ngày Gia Thế bị bắt vào Trại 6, thỉnh thoảng có ông chú và họ hàng đến thăm chứ mẹ cậu ta thì chưa bao giờ bởi đường sá xa xôi và bà cũng bị say xe nữa.

Hỏi Gia Thế luyến tiếc điều gì nhất, cậu ta cười buồn: "Em tiếc là không nghe lời bố mẹ học hành cho tử tế, đến bây giờ ân hận thì đã muộn rồi. Chẳng biết có còn một lần được gặp bố nữa không".

Người xưa có câu "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí", ngẫm lại thật thấy đúng trong gia cảnh của Trịnh Nguyên Thủy. Nhưng phúc hay họa là tại chính mình, rõ ràng, Trịnh Nguyên Thủy đã liên tiếp mang tai họa đến cho nhà mình, mặc dù anh ta có thừa trí khôn để nhận thức được việc mình làm sẽ gây hậu quả như thế nào.

Giờ đây, Kiều Trịnh Gia Thế đang cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được đặc xá, vì mong ước lớn nhất bây giờ của cậu ta là còn được một lần gặp mặt người cha, trước khi Trịnh Nguyên Thủy phải trả giá trước pháp luật vì những tội lỗi do mình gây ra. Sự tan tác của gia đình tử tù này có lẽ là bài học để cho những con người đang có ý định làm giàu bất chính từ ma túy tự răn mình

Hiếu Phương
.
.
.