Còn nhiều tiêu cực trong đào tạo, sát hạch và quản lý phương tiện giao thông

Thứ Tư, 11/06/2008, 12:18
Sau nhiều tháng tiến hành kiểm tra, giám sát tại hơn chục địa phương, đơn vị, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố kết quả giám sát về lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó chỉ ra công tác đăng ký, quản lý và kiểm định các loại phương tiện giao thông còn nhiều bất cập. Đặc biệt, hiện tượng tiêu cực trong đăng ký, quản lý và kiểm định các loại phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận.

"Nhiều phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn vẫn được dán tem kiểm định. Các cơ quan chức năng mới chú trọng công tác đăng ký, đăng kiểm, còn coi nhẹ công tác quản lý hậu đăng ký, đăng kiểm" - báo cáo giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ký đã chỉ rõ.

Thực tế kiểm tra đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm phổ biến nghiêm trọng như: nhiều chủ sở hữu phương tiện đã tự ý thay đổi các thiết bị như đèn, còi không đúng quy định hoặc tuỳ tiện thay đổi kết cấu, nâng tải trọng, lưu hành phương tiện quá niên hạn sử dụng.

Đến nay, theo số liệu của Bộ GTVT, lượng xe ôtô có niên hạn sử dụng từ 10 năm đến 15 năm là 142.005 xe; từ 15 năm đến 20 năm là 98.310 xe; trên 20 năm là 37.345 xe. Qua công tác kiểm định mới loại bỏ được 44.486 xe - một con số quá khiêm tốn, nhưng lại thể hiện những hiểm họa khôn lường.

Tuy nhiên, trong các loại phương tiện giao thông thì yếu kém nhất là việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa. Số liệu điều tra đến hết năm 2007 của Bộ Công an và Bộ GTVT cho thấy, cả nước có hơn 800.000 phương tiện thủy nội địa, trong đó hơn 515.000 phương tiện phải đăng ký, nhưng mới đăng ký được 44.710 phương tiện (xấp xỉ 8,76%)...

Qua kiểm tra, đoàn giám sát còn phát hiện tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch, tình trạng học và kết quả sát hạch chưa bảo đảm đúng thực chất. Thậm chí, xảy ra hiện tượng tiêu cực trong sát hạch cấp bằng lái xe, nhất là ở những trung tâm sát hạch chưa lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động và đối với việc sát hạch cấp giấy phép lái xe môtô.

Một số trung tâm đào tạo tìm cách hạn chế chi phí bằng việc cắt xén chương trình đào tạo, mà phổ biến nhất là giảm số kilômét thực hành lái xe. Việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế kiểm tra cho thấy, có nhiều người sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn giả để điều khiển phương tiện thủy nội địa.

Những tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý phương tiện này cũng được lãnh đạo ngành GTVT thừa nhận. Trong đó khá phổ biến là hiện tượng cắt xén nội dung, chương trình đào tạo do giá xăng dầu tăng cao một số cơ sở khoán chi phí xăng dầu tập lái cho giáo viên dẫn tới giáo viên hoặc là dạy không đủ số kilômét chạy thực hành trên đường hoặc thu thêm tiền của học viên để mua xăng dầu.

Bên cạnh đó, việc tổ chức học tập, cấp chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện, nhất là học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện chưa tổ chức thực hiện ở một số địa phương... Đoàn giám sát đã yêu cầu ngành GTVT cần chủ động, phối hợp với các ngành liên quan sớm chấn chỉnh những bất cập, hạn chế nêu trên

Bá Tuấn
.
.
.