Thanh kiểm tra vi phạm thay đổi kích thước thùng xe trái quy định:

Còn nhiều lái xe, chủ xe cố tình không hợp tác

Thứ Sáu, 12/06/2015, 08:52
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định, đối với ôtô tải khi tham gia giao thông chỉ được chở hàng đúng tải trọng cho phép và không được cải tạo tăng kích thước chiều dài, rộng, cao của thùng hàng (trừ xe tải chuyên dụng). Tuy nhiên, trên thực tế vì lợi nhuận trước mắt, nhiều chủ phương tiện vẫn tự ý cải tạo, cơi nới thùng thành xe chở hàng khiến tình trạng xe chở quá tải trọng ngày càng gia tăng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo chính thức lên Bộ GTVT về kết quả thanh tra, xử lý vi phạm kích thước thùng hàng, tải trọng  trái quy định của 9 đoàn thanh tra, sau gần 1 năm công tác. Theo kết quả này, 9 đoàn công tác đã tiến hành thanh tra hơn 4.400 doanh nghiệp, dự án sử dụng xe ôtô tự đổ, kiểm tra 6.887 xe, thì phát hiện tới 1.400 xe (chiếm 20,3%) vi phạm kích thước thùng chở hàng.

Một xe tải bị buộc cắt thùng cơi nới.

Cùng đó, đoàn công tác đã giữ tem kiểm định 291 xe; xử lý cắt thùng trực tiếp 461xe, yêu cầu lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, ban quản  lý dự án cam kết khắc phục 632 trường hợp. Điều đáng chú ý, có không ít tỉnh thành dù lượng xe kiểm tra không phải là quá nhiều, song  lại có số xe vi phạm tải trọng, vi phạm kích thước thùng hàng ở mức cao như Hà Nội; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh, Quảng Trị; Quảng Bình; Thái Nguyên; Lào Cai…

Chưa dừng lại ở việc vi phạm, kết luận cũng chỉ ra rằng, trong quá trình xử lý tại một số địa phương, các đoàn công tác đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể, lái xe, chủ xe, doanh nghiệp chở hàng quá tải vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm, đi trốn tránh, né các điểm kiểm tra tải trọng xe. Vẫn còn tình trạng lái xe, chủ xe vi phạm cố tình không hợp tác, che giấu, chống đối, đóng cửa bỏ đi, không xuất trình giấy tờ xe đã gây khó khăn cho đoàn thanh tra.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, chủ xe, lái xe (đã ký cam kết) tự khắc phục, nhưng chưa tự giác thực hiện. Một lãnh đạo đoàn thanh tra còn chia sẻ thêm, hiện nay đối tượng xe vi phạm chở hàng quá tải, chủ yếu là loại xe tự đổ có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, tập trung ở những địa phương có nhiều công trình đang xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng chạy trên phạm vi hẹp. Vì sao họ vẫn hoạt động được cũng là bởi còn một số nhà thầu thi công các dự án đầu tư xây dựng vẫn tiếp nhận vật tư, vật liệu của xe cơi nới kích thước thùng hàng, chở hàng vượt quá tải trọng quy định.

Tại buổi kiểm tra thực tế mới đây tại Bắc Kạn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn đã khẳng định: Xe ôtô tự ý cơi nới kích thước thùng thành xe với mục đích chở quá tải trọng cho phép là một trong những nguyên nhân chính khiến hạ tầng giao thông xuống cấp. Việc cắt giảm thành thùng xe sẽ góp phần nâng cao chất lượng và bảo vệ kết cấu các tuyến đường cũng như giảm đáng kể tình trạng xe quá khổ, quá tải.

Vì thế, trước hàng loạt tồn tại trên, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân, CSGT, thanh tra Sở tăng cường và duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý đối với những phương tiện đã hết hạn kiểm định mà vẫn vi phạm cơi nới kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải, quá khổ quy định.

Thực trạng xe quá khổ, quá tải ngày càng “nóng” và các lực lượng chức năng đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ chính quyền, các cấp ngành địa phương nên chủ động bố trí lực lượng tại chỗ tham gia trực tiếp, siết chặt mạng lưới kiểm soát xe quá khổ, quá tải đang tàn phá đường sá tại chính địa bàn của mình. Và để bảo vệ kết cấu mặt đường cũng như đảm bảo an toàn giao thông thì ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện vẫn là vấn đề đặt lên hàng đầu.

Phạm Huyền
.
.
.