Còn nhiều hạn chế trong việc giao đất, giao rừng ở các tỉnh miền Trung

Thứ Tư, 04/12/2013, 13:50
Mặc dù các tỉnh miền Trung đã tiến hành việc giao đất, giao rừng cho người dân theo Thông tư số 38 của Bộ NN&PTNT từ năm 2007, thế nhưng đến nay, công tác giao đất, giao rừng ở một số địa phương vẫn chưa hoàn thành và còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập; đáng chú ý là việc giao rừng nghèo kiệt cho người dân…

Những bất cập, hạn chế trong việc giao đất, rừng cho người dân đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia về lâm nghiệp cùng đại diện các Chi cục Kiểm lâm đến từ các tỉnh, thành miền Trung tại Hội thảo “Thực trạng giao đất giao rừng tại một số tỉnh miền Trung” do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) tổ chức tại TP Huế vào ngày 2/12.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu mới đây của CRD, trong số các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung thì Hà Tĩnh có diện tích đất lâm nghiệp giao cho từng hộ gia đình chiếm tỷ lệ thấp với 31.348ha/364.800ha tổng diện tích đất lâm nghiệp. Tiếp đến là Thừa Thiên - Huế với 28.449ha/315.896ha… Trong khi đó, diện tích đất rừng được giao cho các tổ chức lại chiếm tỷ lệ cao hơn gấp nhiều lần.

Vì được giao đất rừng nghèo kiệt nên người dân huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tái sinh rừng bằng việc trồng cây keo tràm.

PGS.TS. Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc CRD, cho rằng: “Hiện nay việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý ở nhiều tỉnh, thành vẫn còn quá nhiều hạn chế. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, diện tích rừng tự nhiên mà người dân ở các huyện như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế); huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình); Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Tây Giang (Quảng Nam)… được bàn giao phần lớn là rừng nghèo kiệt. Trong khi đó, số “rừng giàu” đều vào tay của các trung tâm, doanh nghiệp... Thậm chí nhiều chủ rừng được giao rừng không thể xác định được vị trí rừng của mình nằm ở đâu. Đây là vấn đề hết sức bất cập”.

Tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, theo đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2010-2014 thì có 44.418ha rừng tự nhiên được giao cho các hộ dân và cộng đồng dân cư. Trong đó, huyện A Lưới được giao 15.690ha, huyện Nam Đông khoảng 6.756ha… Thế nhưng, điều đáng nói là phần lớn số diện tích rừng được giao cho người dân lại là… “rừng nghèo”.

Ông Võ Văn Dự, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Việc giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn nhiều hạn chế do có quá nhiều thủ tục và hồ sơ giao rừng còn sơ sài chưa đúng quy định, việc cấp giấy CNQSDĐ còn chậm. Riêng vấn đề giao “rừng nghèo” cho người dân thì cần phải điều tra để xác minh “rừng giàu” vào tay ai? Có đúng với chủ trương của Nhà nước hay không thì mới có thể xử lý được”.

Ông Nguyễn Xuân Vỹ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho hay, quá trình thu hồi rừng gắn với thu hồi đất từ các chủ rừng nhằm chuyển về chính quyền địa phương để giao cho người dân trên địa bàn tỉnh hiện gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là việc thanh lý các hợp đồng khoán, đền bù giá trị đầu tư…

Để việc giao đất, giao rừng cho người dân ở miền Trung đem lại hiệu quả, ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc CIRD nêu giải pháp: “Giao rừng cần phải gắn liền với việc giao đất bởi trên đất không chỉ có tài sản là một vài cây gỗ mà còn có cả một hệ sinh thái thực vật khác. Nếu việc giao đất và rừng không được tiến hành song song thì rất khó cho người dân trong việc quản lý và phát triển kinh tế rừng”. Đến nay, đã có 11,67 triệu ha rừng và đất rừng được giao trên toàn quốc (chiếm 71,87% tổng diện tích rừng cả nước).

Không thể phủ nhận lợi ích từ việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý và chăm sóc. Tuy nhiên, để bảo vệ những cánh rừng một cách tốt nhất và hiệu quả nhất thì cần có một cơ sở pháp lý cụ thể. Bên cạnh đó là việc nâng cao quyền lợi, nghĩa vụ của người dân lẫn cộng đồng dân cư khi tham gia vào tiến trình giao đất, giao rừng

Anh Lê
.
.
.