Còn nhiều bất cập trong phòng chống tệ nạn mại dâm

Thứ Ba, 23/12/2008, 22:50
Thời gian gần đây, hoạt động môi giới bán dâm ngày càng trở nên tinh vi hơn, thường là bằng các đường dây gái gọi qua mạng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn đã hình thành các đường dây do người nước ngoài cấu kết với đối tượng tại địa phương tổ chức. Môi giới mại dâm cho người nước ngoài qua biên giới cũng đang có chiều hướng gia tăng.

31 ngàn “gái bán hoa” trên toàn quốc

Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2008), hôm nay (23/12/2008), Cục phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Bộ Lao động thương binh xã hội đã tổ chức tọa đàm về hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 4.500 phụ nữ có biểu hiện hoạt động bán dâm tại các cơ sở dịch vụ “nhạy cảm”, còn TP HCM có khoảng 20.000 người. Hiện cả nước có khoảng 200 tụ điểm mại dâm hoạt động phức tạp nơi công công nhưng chưa được xử lý triệt để, trong đó, TP HCM có 21 tụ điểm, Hà Nội có 18 tụ điểm.

Còn theo thống kê của Cục PCTNXH, năm 2008 số đối tượng bán dâm trên cả nước ước tính gần 31.000 người, tăng 0,9% so với năm 2003, trong đó chỉ có 50% có hồ sơ quản lý. TP HCM, Hà Nội vẫn là các địa phương “đứng đầu” về tệ nạn xã hội.

Ông Lê  Đức Hiền - Cục phó Cục PCTNXH nói, so với thời kỳ năm 2003, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thời gian gần đây, hoạt động môi giới bán dâm ngày càng trở nên tinh vi hơn, thường là bằng các đường dây gái gọi qua mạng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn đã hình thành các đường dây do người nước ngoài cấu kết với đối tượng tại địa phương tổ chức. Môi giới mại dâm cho người nước ngoài qua biên giới cũng đang có chiều hướng gia tăng.

70% gái bán dâm... tái phạm

Vẫn theo ông Lê Đức Hiền, sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2003, công tác chống tệ nạn mại dâm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, hoạt động mại dâm được kiềm chế, nhận thức về phòng, chống mại dâm trong bộ máy nhà nước và người dân được nâng lên rõ rệt.

Nhiều địa phương đã hình thành các bộ máy phòng chống tệ nạn có hiệu quả. Năm 2008, toàn quốc hiện có trên 6.500 phường xã không có tệ nạn mại dâm chiếm tỷ lệ 60% tổng số phường, xã.

Hai "tú ông", "tú bà" của một đường dây môi giới bán dâm.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động phòng chống mại dâm cho thấy đang có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Trong đó, số người bán dâm tăng trong những năm qua nhưng lượng người được đưa vào các trung tâm xã hội lại giảm. Năm 2003 có trên 3.700 người nhưng năm 2008 chỉ có trên 1.500 người. Ngoài ra, qua thống kê cũng cho thấy có tới 70% người bán dâm sau khi được đưa đưa vào các trung tâm xã hội tiếp tục tái phạm.

Bà Lê Thị Hà - Cục Phó Cục PCTNXH cho rằng, luật quy định phải xác minh được lai lịch người bán dâm rồi mới đưa vào các cơ sở chữa bệnh nhưng đa số người bán dâm thường giấu kín lai lịch, nếu trong 15 ngày không xác minh được lại phải thả họ về cộng đồng. Về tình trạng tái phạm, bà Hà cho biết, đa số người bán dâm đều có trình độ văn hóa, tay nghề thấp, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, thả ra, họ lại trở về con đường cũ. Ngoài ra, người bán dâm vì động cơ kiếm tiền đang có xu hướng gia tăng, bình quân thu nhập người bán dâm khoảng 3-5 triệu đồng tháng, trong khi đó, các chính sách hỗ trợ người bán dâm học nghề, tìm việc làm rất hạn chế.

Chế tài xử lý mại dâm “rối như canh hẹ”

Theo Cục PCTNXH, các quy định, chế tài pháp  luật về phòng chống mại dâm hiện nay đã thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong thực thi, các cơ quan chức năng đang bị “rối” bởi có quá nhiều quy định chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn và lạc hậu.

Cùng một hành vi bán dâm, nhưng nếu vi phạm lần đầu thì xử lý theo Điều 18 Nghị định (NĐ)178/CP; tái phạm thì xử lý theo Điều 24 NĐ 150/CP; còn nếu liên tục tái phạm thì bị quản lý, giáo dục tại địa phương theo NĐ 163/2003 (điều này lại mâu thuẫn tiếp với NĐ 43/CP - “người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh”).

Nhiều hành vi liên quan hoạt động mại dâm đã được xác định là vi phạm pháp luật, nhưng  hiện chưa có chế tài xử lý hoặc có nhưng không đầy đủ đối với các đối tượng có hành “khiêu dâm”, “kích  dục”, “dâm ô”  cũng như hành vi tiếp tay, che giấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng cho các hoạt động này.

Đối tượng cầm đầu một đường dây bán dâm bị bắt giữ.

Ngoài ra, NĐ 163/CP quy định UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, giáo dục người bán dâm và người có các hành vi liên quan đến mại dâm. Nhưng trong thực tế, các đơn vị này không thể quản lý vì các đối tượng bán dâm thường vi phạm ở các địa bàn khác.

Về hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, cơ sở vi phạm, theo NĐ 178/CP là không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp. Điều này mâu thuẫn với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các hình thức…

Dự kiến Bộ LĐ-TB-XH sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi về hệ thống pháp luật, trong đó sẽ ban hành luật phòng chống mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em thay cho pháp lệnh phòng chống mại dâm hiện hành

Minh Tiến
.
.
.