Con giết người, mẹ thờ ơ

Thứ Ba, 20/11/2007, 15:56
Sáng 19/11, phiên toà sơ thẩm của TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Dũng: 17 năm tù, Nguyễn Văn Sơn: 11 năm tù và Huỳnh Trung Trọng: 7 năm tù về tội giết người. Kết thúc phiên toà, điều làm cho những người dự khán phải bức xúc là sự thờ ơ của gia đình các bị cáo này tại phiên toà.

Theo cáo trạng, khoảng 21h ngày 19/2/2007, Dũng, Trọng và Sơn đến Công viên Bình Phú, phường 11, quận 6 chơi. Tại đây, cả ba gặp hai bạn gái cùng xóm là Linh và Yến đang chơi đốt pháo với Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Dũng và Trương Thanh Tấn Lộc nên dẫn đến mâu thuẫn.

Sơn kêu Dũng và Trọng về nhà lấy dao "xử" nhóm của Nghĩa. Cả bọn đồng ý, sau đó cả ba về nhà trang bị 3 con dao và quay lại Công viên Bình Phú tìm nhóm của Nghĩa để trả thù. Dũng cầm dao xông đến đâm một nhát vào lưng Nghĩa.

Còn Sơn thì đâm một nhát vào lưng của Dũng - bạn Nghĩa. Nghĩa, Dũng và Lộc liền bỏ chạy. Chạy được một đoạn thì Nghĩa bị vấp ngã xuống đường, Dũng, Sơn và Trọng đã đâm Nghĩa rồi bỏ chạy. Nghĩa chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Nguyễn Văn Dũng cũng được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Sau khi gây án, Dũng, Sơn và Trọng bỏ trốn, đến ngày 21/2 thì được gia đình đưa ra Công an quận 6 tự thú. Điều đáng nói là tính đến ngày gây án, cả ba đối tượng trên đều còn trong tuổi vị thành niên, trong đó Sơn chưa tròn 16 tuổi, còn Trọng chỉ mới 14 tuổi 8 tháng.

Cả ba cũng có hoàn cảnh tương tự nhau: nhà nghèo, không biết chữ, không nghề nghiệp… Đứng trước tòa, Dũng, Sơn và Trọng đều nhận hành vi phạm tội của mình.

Thế nhưng, điều làm những người dự khán phiên toà bức xúc không phải là hành vi của các bị cáo này gây ra mà là thái độ dửng dưng của ba mẹ các bị cáo - đại diện hợp pháp của các bị cáo này tại phiên tòa. Khi toà hỏi, sự việc xảy ra ba gia đình có khắc phục gì chưa? Cả ba bà mẹ đều trả lời là chưa và viện ra lý do là không biết nhà nạn nhân.

Tòa tiếp, đặt trường hợp gia đình các bà mẹ là nạn nhân thì có đồng ý với cách giải thích đó không thì những người này không trả lời. Thế nhưng, khi nghe gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường số tiền 26 triệu đồng thì cả ba bà đều viện lý do nhà nghèo, bản thân phải làm thuê kiếm sống nên không có tiền… dù tòa đã nhiều lần giải thích nghĩa vụ và trách nhiệm nhưng cả ba đều từ chối…

Bà Phương - mẹ bị cáo Trọng thì vẫn khăng khăng: "Chờ khi nào nó mãn hạn tù về đi làm sẽ trả". Bà còn viện ra lý do, chồng đang ở tù nên không có điều kiện. Còn bà Xẩm - mẹ bị cáo Dũng thì "than thở": Còn 5 đứa con phải lo.

Toà hỏi: Nhà nghèo, bà sinh chi tới 5 đứa mà không đứa nào biết chữ? Bà đã có công sinh con thì phải nuôi dưỡng con cái đàng hoàng còn đằng này, bà bỏ mặc các con... Người ta cũng sinh con ra như các bà, vậy mà hậu quả mà các con bà gây ra hôm nay mà các bà lại phủi tay, không có trách nhiệm gì, bà thấy cư xử như thế có đúng không? Nghe đến đây, bà Xẩm vẫn còn cố bào chữa: "Tôi sinh con chứ không sinh lòng".

Tòa tiếp, nếu như hôm nay, tòa xử con bà mức án cao nhất, bà thấy sao? Mọi ánh mắt của những người tham dự phiên toà đều đổ dồn về bà Xẩm khi nghe câu trả lời "Chịu thôi!" của bà.

Tòa tiếp tục hỏi bà Phương, bà chỉ có hai đứa con, sao không cho chúng ăn học đàng hoàng? Bà Phương lại viện dẫn, do gia đình không có khả năng(!) "vì khổ quá!".

Tòa tiếp, nếu không có điều kiện học phổ thông thì bà cũng có thể cho con bà học phổ cập, học nghề… Bà nghĩ, nếu sau này, con bà mãn hạn tù về, bà sẽ làm gì cho nó? Nghe đến đây bà Phương mới im lặng…

Anh Huy
.
.
.