Cổ thụ đầu nguồn thành cây kiểng cho cao ốc

Thứ Ba, 05/05/2009, 15:36
Hiện tại ở Đà Nẵng đang diễn ra cuộc chiến chuyển rừng về phố rất sôi động. Ngày nào cũng có từng tốp người lội rừng chuyên săn tìm các loại cây như lộc vừng, bằng lăng, giáng hương, sung, sanh, bồ đề... Cây càng to, càng xù xì, góc cạnh càng tốt. Hàng nghìn cây cảnh cổ thụ chờ ngày bứng đi đến làm đẹp cho khuôn viên các cao ốc, công sở...

Hơn năm trước, khi lội rừng Hòa Phú, huyện Hoà Vang, chúng tôi còn thấy ở đầu nguồn con suối cạn ở thôn Hòa Phước, cây lộc vừng cổ thụ một người ôm không xuể, tỏa bóng sum suê. Thế mà nay quay lại, tại đó bị đào bới nham nhở, nơi cây lộc vừng, sâu hắm như hố bom.

Xung quanh cả vạt rừng bị chặt hạ ngổn ngang, đường vào bị cày xới. Người đàn ông ngụ gần đó cho hay: Lấy cây lộc vừng mà họ làm cứ như công trường... Nghe đâu cây lộc vừng đó giá mấy chục triệu đồng.

Bước vào trung tâm hành chính xã Hòa Bắc, chúng tôi được ông Đỗ Viết Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân xã ngoắc tay ra hiệu quay lại và dẫn ra khu đất ven sông thuộc địa phận thôn Nam Yên. Dừng lại ở vạt bị bồi lấp gần hết,ông cho hay: Khu vực này trước đây màu mỡ lắm, trồng mía, rau đậu rất tốt.

Cây cảnh cổ thụ tại Công ty TNHH Đại Ngàn.

Mấy năm gần đây trồng cây không lên nổi, chăm bón đến mấy cũng cằn cỗi năng suất rất thấp. Tính ra từ Vũng Mưng xuống Nà Chài khoảng 3ha mấy năm nay bỏ hoang hoá. Gia đình tôi cũng có vạt sát bờ sông trồng thứ gì cũng chẳng ăn thua, bỏ hoang hơn năm nay.

Ông Lê Văn Chiến chỉ tay lên phía thượng nguồn sông Cu đê, ông khẳng định: Chung quy cũng tại phá rừng đầu nguồn mà ra cả. Trước đây, phá rừng nhưng lâm tặc chỉ chặt cây lấy gỗ mà không có tình trạng đào cả gốc về làm cây cảnh như hiện nay.

Cây cổ thụ người ôm không xuể, muốn sống được phải lấy nguyên bộ rễ. Lấy được cây thì rừng bị đào bới cả khu vực... Mưa xuống cứ thế đất cát sạt lở trôi xuống phía hạ lưu bồi lấp lên đồng ruộng, vườn tược. Tình trạng này không ngăn chặn kịp thời, môi trường sinh thái sẽ bị xâm hại khó lường.

Hiện tại ở Đà Nẵng đang diễn ra cuộc chiến chuyển rừng về phố rất sôi động. Ngày nào cũng có từng tốp người lội rừng chuyên săn tìm các loại cây như lộc vừng, bằng lăng, giáng hương, sung, sanh, bồ đề... Cây càng to, càng xù xì, góc cạnh càng tốt.

Hiện ở Đà Nẵng không dưới chục khu rừng đã ken dày cây cảnh cổ thụ, mà trong đó đa số lấy từ rừng về. Nhiều nhất phải kể đến khu rừng của Công ty TNHH Đại Ngàn, thuê đất dọc đường 2-9, sát bên bể bơi thành tích cao.

Tại đó, hàng nghìn cây đủ loại đang chờ ngày đưa đến nơi chúng sẽ ngự lâu dài. Giá cây cảnh cổ thụ tại khu rừng này chí ít cũng dăm bảy triệu đồng/cây, có loại giá trị như giáng hương 15-20 triệu đồng/cây là thường. Tại khu rừng của ông Lê Lý sát đường 2-9, hàng nghìn cây cảnh cổ thụ chỉ sống nhờ tại đó thời gian không lâu chờ ngày bứng đi đến làm đẹp cho khuôn viên các cao ốc, công sở...

Phải nói rằng, cây cảnh cổ thụ góp phần tôn khuôn viên các cao ốc, công sở thêm vẻ sang trọng, đài các. Không cần phải mất hàng chục năm trồng từ nhỏ đến lớn, chỉ cần có tiền là có ngay cây cảnh cổ thụ ưng ý trong khuôn viên. Từ nhu cầu này, rừng đầu nguồn càng bị tàn phá tàn khốc hơn.

Tiếc rằng lĩnh vực được phố mất rừng này chưa được lực lượng kiểm lâm quản lý chặt chẽ. Minh chứng cụ thể là ở phố ngày càng có các khu rừng quy mô lớn, với đủ loại cây cổ thụ, thế nhưng chưa có vụ xâm hại tài nguyên rừng thuộc lĩnh vực này bị xử lý.

Không thể xem nhẹ hoạt động kinh doanh làm giàu bằng cách đào bới cây rừng nhiều năm tuổi chuyển về phố làm cây cảnh. Cơ quan Kiểm lâm cần vào cuộc sớm ngăn chăn tình trạng đào bới cây rừng vô tội vạ và quản lý chặt hoạt động kinh doanh cây cảnh cổ thụ ở phố

Nguyễn Cầu
.
.
.