Bệnh viện Bạch Mai cứu sống bé bị sởi biến chứng đặc biệt:

Có thể thay đổi chiến lược tiêm phòng

Thứ Sáu, 21/03/2014, 13:31
Chiều 20/3, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã làm lễ tiễn cháu bé 3 tháng tuổi bị sởi biến chứng nặng ra viện, sau một tháng các thầy thuốc ở đây giành giật sự sống cho cháu bé khỏi bàn tay tử thần.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi: Cách đây hơn một tháng, bé Trúc Chi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ, ho, thở nhanh, nôn nhiều. Diễn biến của cháu tăng nặng rất nhanh và tím tái, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ tiến hành rất nhiều xét nghiệm cho cháu và làm cả xét nghiệm miễn dịch là điều từ trước đến nay không ai làm với bệnh sởi. Kết quả khiến các thầy thuốc ngạc nhiên khi nhận thấy, virus sởi đã làm hệ thống miễn dịch giảm và tấn công rất nhanh vào phổi. Kết quả xét nghiệm bội nhiễm không có, cho thấy, biến chứng do vi trùng vốn thường xảy ra ở bệnh này, lại không có. Thời gian cháu phải thở máy tới 11 ngày. BV phải chụp phim hàng ngày cho bé để nắm chắc được diễn biến của bệnh. Từ đó,  với phác đồ điều trị mới của các thầy thuốc, song song với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, sau 1 tháng tròn, bé Trúc Chi đã ổn định sức khỏe.

Các thầy thuốc và gia đình đều vui mừng vì bé Trúc Chi khỏi bệnh.

PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết: Với sự phối hợp giữa bác sĩ của Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Nhi, Khoa Hóa Sinh trong việc điều trị thành công và cứu sống em bé bị bệnh sởi biến chứng nặng này, đã mở ra cơ hội cứu sống các cháu bé nhiều hơn. Vì năm nay, dịch sởi có nhiều điều đặc biệt: Bình thường, trẻ phải 9 tháng tuổi trở lên mới có thể mắc sởi, nếu trẻ bú sữa mẹ thì khả năng mắc sởi giảm hơn. Nhưng năm nay, xuất hiện nhiều trẻ bị sởi dưới 9 tháng tuổi, có bé nhỏ nhất mới 24 ngày tuổi. Hơn nữa, mẹ của bé Trúc Chi đã tiêm phòng, nhưng bé Trúc Chi đang bú sữa mẹ vẫn bị mắc sởi, là điều những năm trước không có. Hơn nữa, thông thường, biến chứng sởi do vi trùng xâm nhập, khi sởi bay hết ban mới sốt lại, nhưng ở bé Trúc Chi, sởi tấn công vào phổi ngay khi nốt ban vẫn còn. Đặc biệt, virus tấn công vào hệ miễn dịch, khiến bệnh diễn biến nặng hàng ngày.

Từ thực tế, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, cần phải có một nghiên cứu khoa học về những diễn biến mới của bệnh sởi ở trẻ, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và có thể thay đổi chiến lược tiêm phòng. Nhất là khi dịch sởi vẫn đang tiếp tục với diễn biến phức tạp, hiện ngày nào Khoa cũng phải tiếp nhận trẻ mắc sởi nhập viện. Tuy nhiên, liệu có phải là virus sởi năm nay đã có sự biến chủng hay không, thì PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay: BV đã gửi mẫu đi xét nghiệm, nhưng hiện chưa có kết quả trả lời.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Trường hợp của anh trai bé Trúc Chi 3 tuổi nhưng chưa được tiêm phòng và đã bị mắc sởi cùng ngày với Trúc Chi, cho thấy việc cần thiết phải tiêm phòng sởi đầy đủ 2 mũi cho trẻ.  Khi thấy trẻ bị sốt cao, nên nghĩ ngay đến khả năng mắc sởi. Khi xác định trẻ bị sởi, phải theo dõi chặt chẽ từ đầu, để xử lý kịp thời, tránh nguy cơ tử vong khi biến chứng

Thanh Hằng
.
.
.