Cô sinh viên Việt nhận 2 bằng tốt nghiệp xuất sắc trên đất Mỹ

Thứ Sáu, 29/05/2009, 14:57
Trong chương trình "Nhà lãnh đạo kinh tế tương lai của nước Mỹ" (Future business leaders of American) do Tiểu bang Oklahoma tổ chức, Khánh đạt giải nhất môn Tài chính kế toán và Luật Kinh tế.

Sau hơn 5 năm xa quê hương, Nguyễn Vân Khánh về thăm gia đình với bảng thành tích học tập đáng nể. Không ai thể ngờ, cô bé 16 tuổi ngày nào còn nước mắt ngắn dài khi từ biệt bố mẹ ở sân bay Nội Bài, tháng 12 này sẽ nhận bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh về tài chính, chuyên ngành kiểm toán. Và mới đây, Khánh còn "rinh" học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tại Trường Oklahoma University (Mỹ). Nếu không có gì thay đổi, 25 tuổi cô gái này sẽ có bằng Tiến sỹ.

16 tuổi sang Mỹ "trọ học"

Nghe Khánh nói, em rời nhà khi mới 16 tuổi, một mình khăn gói sang Mỹ ở trọ để đi học THPT, ai cũng thán phục ý chí của cô gái nhỏ bé này. Khánh đang học lớp 10, chuyên ngữ, Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) thì em nhận được học bổng toàn phần tại Trường Sayre High School, tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ. Đến nơi, em được bố trí ở trong một gia đình người Mỹ theo dạng HomeStay.

Cô bé dễ thương đến từ Việt Nam nhanh chóng nhận được tình yêu thương của cặp vợ chồng có hai con đã trưởng thành. Người vợ lại là cô giáo dạy Văn ở Trường Sayre High School nên đã giúp Khánh rất nhiều trong việc học, cũng như hiểu về văn hóa, lối sống của người dân bản địa.

"Lớp em có 42 học sinh, có một bạn đến từ Trung Quốc và em là người châu Á, còn lại toàn học sinh Mỹ", Khánh nhớ lại. Yêu thích các môn học tự nhiên nên Khánh chọn cho mình các môn Toán, Lý, Hóa để theo đuổi. Chính cách dạy để học sinh học theo sở thích và tự phát huy năng khiếu nên em không bị các môn học khác chi phối.

Có điều kiện theo đuổi những môn học yêu thích nên Khánh đã đoạt giải nhất môn Toán, Lý trong cuộc thi học sinh giỏi toàn bang. Năm 2005, Khánh tốt nghiệp THPT loại xuất sắc. Cùng với thành tích này, Khánh nhận được Bằng khen của thống đốc bang và bằng tốt nghiệp có 4 chữ ký.

Em còn được chuyển thẳng vào Trường Đại học Southwestern Oklahoma State với học bổng toàn phần. Em chọn Khoa Quản trị kinh doanh về tài chính, chuyên ngành kiểm toán. Chương trình học kéo dài trong 4 năm nhưng Khánh đã rút ngắn còn 3 năm. Năm 2008, em tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Nhờ đó, Khánh nhận được học bổng học cao học. Sau kỳ nghỉ hè này, Khánh sẽ trở lại Mỹ làm luận án để lấy bằng Thạc sỹ.

Tôi hỏi Khánh, sau có bằng Thạc sỹ sẽ làm gì thì em bảo, "em làm nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sỹ". Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Khánh cho biết em vừa nhận được học bổng toàn phần của Trường Oklahoma University sau khi hoàn thành bài thi GRE (chuyên ngành kinh tế) với số điểm 1.420/1.600 điểm. Khánh có 3 năm để lấy bằng Tiến sỹ.

Bí quyết

Tôi hỏi, một du học sinh cần phải có tố chất gì, một thoáng suy nghĩ, Khánh bảo đó là sự tự lập. Môi trường sống và học tập thay đổi, ngôn ngữ bất đồng, nếu không có khả năng tự lập, sẽ rất khó thích nghi. Ngoài ra, sự tự tin cũng vô cùng cần thiết. Ví như khi mới nhập học, tiếng Anh của Khánh chưa tốt lắm. Nhờ hay phát biểu, nên thầy cô giáo lưu ý đến em. Từ đây, thầy cô chỉ ra những điểm yếu, điểm mạnh của em. Nên cố gắng hòa nhập, Khánh cho biết.

Sống cùng một gia đình người Mỹ nên em nhanh chóng hiểu về lối sống, văn hóa của họ. Đây cũng là ưu điểm của kiểu du học Home stay. Học sinh, sinh viên Mỹ rất thích các hoạt động ngoại khóa, tích cực tham gia cùng họ cũng là một cách để hòa nhập, Khánh chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của tôi về tính ưu việt trong dạy và học của nước bạn, Khánh bảo rằng, chương trình học của nước bạn không gây áp lực cho người học. Thường thì nhà trường đưa ra các chương trình học, khó, dễ khác nhau. Tùy vào sức của mình, học sinh tự lựa chọn.

Nhờ phương pháp dạy và học chuyên sâu, nên người học sẽ có hiểu biết rất sâu về lĩnh vực mình theo đuổi. Người học phải tự học chứ không học thuộc lòng nên nắm rất vững kiến thức. Khánh lấy ví dụ môn Hóa, học sinh có quyền lựa chọn hoặc là học hóa hữu cơ hoặc hóa vô cơ chứ không nhất thiết phải học cả hai môn. Còn môn lịch sử, chương trình đưa ra các giai đoạn, ai thích học giai đoạn nào thì tùy.

Nghe Khánh nói, tôi chợt nhớ chương trình học lịch sử của ta. Ở cấp tiểu học, học sinh học từ giai đoạn nguyên thủy, trung đại và hiện đại. Lên cấp THCS, THPT, học sinh lại học lại các giai đoạn này. Với cách học này, giai đoạn lịch sử nào, học sinh cũng được học nhưng các em lại nắm không sâu.

Không chỉ chuyên tâm học, Khánh còn rất tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá, làm thêm và các chương trình khác do nhà trường, tiểu bang phát động.

Trong chương trình "Nhà lãnh đạo kinh tế tương lai của nước Mỹ" (Future business leaders of American) do Tiểu bang Oklahoma tổ chức, Khánh đạt giải nhất môn Tài chính kế toán và Luật Kinh tế. Tháng 6/2008, Khánh lại lọt vào tốp 20 học sinh xuất sắc nhất về Luật Kinh tế của Mỹ cũng do tiểu bang này tổ chức. Thực tập tại các công ty kiểm toán cũng là cách để Khánh áp dụng những kiến thức học được vào thực tế.

Hiện tại, em đã có trong tay các chứng chỉ kiểm toán, thuế mà nhiều người mong ước.

Thành tích học tập của Khánh được báo chí nước Mỹ đăng tải nhiều lần. Nhìn hình ảnh cô gái Việt Nam có đôi mắt sáng ngời đăng kèm bài viết về thành tích của cô, thật đáng tự hào. Bố mẹ Khánh, hai bác sỹ đang công tác tại Hà Nội cũng hãnh diện về cô con gái đầu này

Cao Hồng
.
.
.