Có nên tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015?

Thứ Năm, 21/08/2014, 08:58
Vừa qua, Báo CAND đã có loạt bài phản ánh về dư luận một kỳ thi quốc gia. Rất dễ để nhận ra ý nghĩa của kỳ thi này khi nó tích hợp được hai mục đích, giúp tiết kiệm được một chi phí khổng lồ. Nhưng vì sao đến thời điểm này, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng nếu như kỳ thi được thực hiện vào năm 2015? Theo nhiều chuyên gia giáo dục thì chúng ta thiếu cơ sở khoa học, thiếu quá nhiều những khảo sát thực trạng thi cử, để từ đó có đủ cơ sở thuyết phục dư luận rằng sẽ phải đổi mới thi cử.

Mới đây nhất, tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ toàn quốc, bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì rất nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đã bày tỏ ý kiến lo lắng về kỳ thi, về độ tin cậy của kỳ thi và những “bảo hiểm” cho chất lượng kỳ thi. Và nếu chúng ta không tổ chức được một kỳ thi thực sự nghiêm túc, đạt tầm thì chắc chắn không một trường đại học danh tiếng nào sử dụng kết quả của một kỳ thi quốc gia xét tuyển vào ĐH. Và khi đó, “đẻ” ra nhiều kỳ thi “con” là giải pháp “tự cứu mình” của các trường ĐH, thí sinh sẽ phải trải qua rất nhiều kỳ thi khác nhau với độ cọ sát căng thẳng, tốn kém không khác cách thi cũ là mấy.

Một kỳ thi quốc gia dựa trên cơ sở khoa học nào?

Những ý kiến mà Báo CAND thu thập được qua các cuộc phỏng vấn, trò chuyện, trao đổi đều ủng hộ chủ trương một kỳ thi quốc gia, nhưng đó là ủng hộ cho một tương lai xa hơn, còn hiện tại, trong bối cảnh các nhà trường phổ thông vẫn nếp dạy cũ, học cũ với nguyên tắc “học gì thi nấy”, thí sinh đã miệt mài ôn thi theo khối A, B, C, D từ hai năm trước thì giờ, trước việc thay đổi phương án thi quá đột ngột, chắc chắn cả thầy và trò đều sốc. Đó là chưa kể, hiện nay các trường phổ thông vẫn duy trì học phân ban, ban tự nhiên, ban xã hội và ban cơ bản. Như vậy, nếu áp dụng một kỳ thi quốc gia thì mô hình phân ban, thi theo khối sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và người chịu thiệt thòi nhất chính là thí sinh.

Đổi mới thi không thể vội vàng, phải có cơ sở khoa học, có điều tra, khảo sát, có dữ liệu về sự tốn kém, phức tạp của thi cử - đó là đòi hỏi của nhiều chuyên gia giáo dục khi trò chuyện với PV CAND. Thêm nữa, trong khi chúng ta vẫn học theo sách cũ, chương trình cũ thì việc đề xuất “bài thi tích hợp” cũng là điều xa vời, làm khó cho cả thầy và trò. Và còn một vấn đề rất nhạy cảm, khiến dư luận bức xúc nhiều năm qua là căn bệnh thành tích sẽ được trị như thế nào trước mỗi mùa thi cử?…

Lo lắng về sự thay đổi trong thi cử áp dụng ngay từ năm 2015 là tâm lý chung của cả thầy và trò khi cách dạy và học ở trường phổ thông vẫn theo chương trình cũ.

Mới đây, trao đổi với PV CAND và một số tờ báo, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, nếu nhập hai kỳ thi vào một sẽ là một tai họa! Ông cho rằng, việc đổi mới gộp hai kỳ thi quốc gia (vốn đang tổ chức quá gần nhau) được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, gộp hai kỳ thi như thế nào để vẫn đảm bảo nghiêm túc và công bằng, giảm tốn kém cho xã hội, vất vả cho học sinh thì cần phải bàn bạc và cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, mục tiêu của hai kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học là hoàn toàn khác nhau. Phổ thông là bậc học phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho tất cả người dân, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp. Ngược lại, đại học là đào tạo chuyên gia, những cán bộ chuyên sâu về một nghề, kỳ thi này mang tính chất cạnh tranh và số lượng thí sinh trúng tuyển là hữu hạn. Cũng theo GS Hãn, nếu nhập hai kỳ thi thì cách thi này xem nhẹ chất lượng nguồn nhân lực và vô tình còn tước quyền tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường đại học.

Nếu phải chọn một trong ba phương án ra đề thi của Bộ, nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn và nhiều lãnh đạo các Sở GD & ĐT, trường phổ thông đều cho rằng, phương án một là khả thi. Hai phương án còn lại phải ra đề thi “tích hợp”. Nhưng thế nào là tích hợp? Tích hợp phần chung khoa học hay tích hợp cách giảng dạy theo một chủ đề nhất định? Hiện nay chưa có sách giáo khoa tích hợp chung khoa học trên thế giới, nếu có chỉ là sách chuyên khảo cho các chuyên gia trình độ cao. Còn việc tích hợp trong giảng dạy cho một số môn, ngay cả ở nước Anh, việc ra đề thi “tích hợp” ở bậc THCS còn là thách thức lớn, ở bậc THPT còn quá xa. Điều này đang đi ngược với chủ trương phân hóa ở THPT trong làm chương trình, sách giáo khoa. GS Hãn đề nghị tạm thời giữ nguyên kỳ thi ĐH theo phương án ba chung, còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông giao về cho các Sở GD&ĐT, Bộ Giáo dục chỉ giữ vai trò giám sát và kiểm tra.

Vì sao nhiều trường đại học hàng đầu vẫn đề xuất kỳ thi bổ sung?

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, cả 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, về cơ bản nội dung thi vẫn rất nặng nề. Hướng đến kỳ thi tích hợp đối với các trường ĐH công nhận kết quả đó như thế nào?. Thực tế sẽ lại diễn ra tình trạng các trường ĐH lại phải tổ chức thêm một kỳ thi. Tuy nhiên, ngay cả những trường có ý kiến đồng tình cao với việc gộp hai kỳ thi làm một kỳ thi quốc gia, với phương án 2 (thi theo bài: Toán-Ngữ văn-Ngoại ngữ, và các bài thi KHXH, KHTN) như Trường ĐH Thái Nguyên, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Đà Nẵng… thì hiệu trưởng các trường này vẫn cho rằng cần có một lộ trình để chuyển đổi phù hợp, vì từ năm 2014, các trường được quyền tự chủ và lựa chọn tuyển sinh.

Lo ngại về độ tin cậy của kết quả kỳ thi quốc gia cũng là băn khoăn của nhiều trường ĐH tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH mới đây. Ngay cả khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, thì Phó Hiệu trưởng của Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tú cũng khẳng định, nhà trường vẫn đề xuất kỳ thi bổ sung. Theo ông Tú, tuyển sinh vào các trường y luôn rất nóng, thí sinh vào trường y phải là những thí sinh tốt nhất. Không chỉ riêng ĐH Y Hà Nội mà khối các trường ĐH Y cũng sẽ phải đề xuất để chọn được thí sinh đủ năng lực để đào tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Là một trong những trường đại học vùng, mỗi năm tiếp đón từ 60 đến 70 ngàn thí sinh về dự thi, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên ủng hộ cho chủ trương gộp 2 kỳ thi. Ai cũng biết, đổi mới là đúng nhưng cần có lộ trình để chuyển đổi. Ông cho rằng, còn nhiều yếu tố để biến cái mình mong muốn thành hiện thực như sự chuẩn bị từ các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục, từ 2014, Bộ GD&ĐT có cho một số trường tự chủ, tự chọn phương án tuyển sinh. Xét thấy 2 kỳ thi gần nhau, kỳ thi phổ thông đã có nhiều đổi mới, tổ chức hai kỳ thi vẫn tốn kém cho xã hội, có thể phấn đấu thực hiện được kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015, tuy nhiên, cần đưa các trường đại học tham gia vào quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấm thi trong kỳ thi.

Thu Phương-Thu Uyên
.
.
.