Có một “ông vua” trên đỉnh Lủng Cẩu?

Thứ Ba, 11/12/2007, 11:55
Trong chuyến vào bản Lủng Cẩu (xã Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cao hơn 2.000m trên dãy Tây Côn Lĩnh, tôi đã được bà con dân tộc La Chí ở đây say sưa kể về vị vua của mình với những câu chuyện đượm màu huyền thoại, song cũng không ít những chứng cứ thuyết phục. Đó là vị vua của người La Chí có tên Gia Long. Điều đặc biệt là sử sách không thấy nhắc gì đến vị vua này, nhưng những câu chuyện huyền thoại về ông, đặc biệt là kho vàng được chôn theo thi hài của ông thì đến giờ vẫn rất thời sự.

Trong câu chuyện vui bên nồi thắng cố đắng họng giữa chợ huyện Hoàng Su Phì, sau khi "tây tây" với mấy bát rượu ngô, ông Hoàng Quốc Triệu, Trưởng phòng Phòng Y tế huyện tếu táo: “Đợt này sức khỏe yếu quá, nhìn thấy vợ mà cứ thở dài thườn thượt, lại phải đi gặp “hoàng thượng” Gia Long xin ít rễ cây của cụ về ngâm rượu uống thôi. Chú có đi cùng anh không? Thú vị lắm...”.

Nghe ông Triệu kể về một vị vua của người La Chí và một vị thuốc cường dương cực quý mọc đầy quanh miếu thờ của ông, tôi thấy tò mò, nhưng không tin lắm.

Ai cũng biết có vua Gia Long thời Nguyễn, nhưng có lẽ rất ít người nghe nhắc đến tên một ông vua Gia Long của người La Chí, một trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam, hiện chỉ có chừng 8.000 người ở Hà Giang.

Vậy là “đoàn thám hiểm” gồm ông Triệu, Trưởng phòng Phòng Y tế huyện Hoàng Su Phì; Trần Hữu Tưởng, nhân viên kế toán khách sạn Sông Chảy; một cán bộ Phòng Y tế huyện và tôi lên đường vào xã Bản Phùng.

Đi xe máy từ sáng đến chiều thì chúng tôi bò qua được 30km đường, mà chỗ thì đá hộc, chỗ thì bùn ngập bánh xe.

Trên độ cao 2.000m của dãy Tây Côn Lĩnh này, trời lúc mưa lúc nắng thất thường. Bên này ngọn núi nắng ấm, nhưng vòng sang bên kia thì mây đặc quánh từ thung lũng lên đến đỉnh núi, rồi mưa dầm dề suốt ngày đêm, hở chỗ nào lạnh buốt chỗ đó. Gió trên Tây Côn Lĩnh quanh năm cứ lồng lộn chạy trên những triền núi.

Sau một đêm hưởng cái lạnh khủng khiếp của Tây Côn Lĩnh, sớm hôm sau, khi tiếng gà trong bản của người La Chí cất tiếng gáy, Chủ tịch xã Vương Đức Sinh đã đánh thức chúng tôi dậy để lên đường lên bản Lủng Cẩu. Phải đi thật sớm may ra mới kịp về. 

Đứng dưới UBND xã, nhìn thấy đỉnh Lủng Cẩu chìm trong mây mù. Phía dưới đỉnh núi là điểm trường Lủng Cẩu, lợp tôn trắng xóa, trông như cái chuồng chim treo ở giữa đường lên trời. Đỉnh Lủng Cẩu, đỉnh Gia Long nằm bên dãy Tây Côn Lĩnh và cao gần bằng đỉnh Tây Côn Lĩnh ở phía xã Túng Sán.

Chúng tôi cuốc bộ liên tục chừng 3 tiếng đồng hồ thì đến điểm trường Lủng Cẩu, gặp cô giáo Nhung, cô Hiệp và thầy Lâm đang ngồi co ro với cái rét trong ngôi nhà đất trống hoác ở điểm trường.

Các giáo viên cắm bản ở đây đã nghe người dân kể nhiều về đền thờ của vua La Chí trên đỉnh Lủng Cẩu và dinh thự của ông trên đỉnh Gia Long, nhưng đều chưa biết gì nhiều. Thầy Lâm bảo: “Nhiều lúc cơn tò mò nổi lên, muốn đi xem đền thờ của ông vua này thế nào, nhưng không dám lên núi vì đường xa quá, lại không biết rõ nó nằm ở đâu”.

Nhà thờ và miếu thờ vua Gia Long nằm trong khu rừng nguyên sinh với biết bao câu chuyện về sự chết chóc của những người xâm phạm. Kể cả người La Chí trong bản, con cháu của vị vua này cũng không dám vào rừng, tự tiện mở cửa đền, nếu như chưa đến ngày lễ cúng vua, mà ngày lễ đó diễn ra cực ít, 15 năm mới có một lần.

Có Chủ tịch Sinh cùng các cán bộ xã dẫn đường, lại triệu tập thêm cụ Vàng Diu Phù, người nắm được nhiều câu chuyện về vua Gia Long đi cùng, các thầy cô giáo cũng nai nịt theo chúng tôi.

Không có con đường nào lên đỉnh Lủng Cẩu. 15 năm dân bản mới vào rừng, tìm đến nhà thờ và miếu thờ vua La Chí để được dập đầu trước vị vua của mình một lần, nên lối đi sau nhiều năm không có dấu chân người đã bị cỏ cây, dây leo bịt lối chằng chịt. Chúng tôi phải bám dây leo mà đi, bập tay vào vách đá mà trèo.

Đi bộ chừng hơn tiếng đồng hồ, vượt qua khu rừng thưa thì đến nhà thờ vua Gia Long. Nhà thờ nằm giữa khu đất trống, khá quang đãng. Đứng trước nhà thờ, phóng tầm mắt ra bốn phía, thấy núi rừng trùng điệp, đỉnh nọ nối tiếp đỉnh kia, chìm lẫn trong mây mù.

Nhà thờ "vua La Chí".

Nói là nhà thờ vua La Chí, nhưng thực tế nó rất đơn sơ. Trông giống một ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng không có vách, tường gì cả. Sàn rộng 2m, dài 3m, cao 1,5m và từ sàn lên mái cao chừng 2m.

Phía sau ngôi nhà thờ vẫn còn những cây nêu, dấu tích được dùng trong lễ hiến trâu cho vua. Ngôi nhà thờ này được người La Chí gọi là Khu Cù Tê.

Mọi người đến gần xem thì bị ông Vàng Diu Phù ngăn lại. Ông bảo, đã có người tự tiện trèo lên nhà thờ bị chết đột ngột, có người bị điên khùng. Chỉ có ngày cúng vua thì 8 ông thầy mo, đại diện cho 4 họ của người La Chí (gồm họ Ly, họ Tận, họ Vàng, họ Lùng) gọi là “Pô mìa nhu” mới được lên nhà thờ để hành lễ.

Trong buổi lễ trọng đại đó, lại tiến hành bói xương gà 3 lần để chọn ra một thầy cúng làm chủ, gọi là “Pô ừm mia”. “Pô ừm mia” là người thực hiện chủ yếu các nghi lễ cúng vua, hiến tặng trâu, còn các “Pô mìa nhu” thì phục vụ lễ cúng. Đại diện các dòng họ và dân làng chỉ được vái lạy từ xa. Những người không có khả năng điều khiển ma quỷ, thần linh như các thầy mo mà xâm phạm vào nhà thờ sẽ bị trừng phạt.

Nghe ông Phù nói thế, ai cũng sợ, không dám lại gần ngôi nhà thờ đó nữa. Tôi liều lĩnh đứng bên mép nhà, chụp vài tấm hình và phát hiện trên nóc nhà thờ gác 8 cái đầu trâu, xếp thành 2 hàng ngay ngắn.

Ông Vàng Diu Phù kể rằng, từ ngày ông bé xíu, được bố mẹ dẫn đi xem hành lễ cúng vua, ông đã thấy trên nóc nhà thờ này có 8 cái đầu trâu. Bố mẹ ông cũng bảo, từ khi còn bé đã thấy 8 cái đầu trâu trên đó. Như vậy, 8 cái đầu trâu đã xuất hiện cả trăm năm trên nóc ngôi nhà thờ này rồi.

Sau khi vua Gia Long chết đi, mỗi đời con cháu về sau đều hành lễ cúng bái. Cứ mỗi đời sau lại làm một lễ cúng rất lớn, như ngày hội dành cho tất cả người La Chí. Trâu, lợn được thịt rất nhiều.

Một con to béo nhất được cúng dâng vua, sau đó đám thanh niên khỏe mạnh dùng những thanh vầu chặt vát đâm chết trâu (giống lễ đâm trâu ở Tây Nguyên) rồi cắt đầu trâu treo trước nhà thờ. Sau khi thịt da phân hủy hết, chỉ còn trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, thì các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái nhà thờ. Như vậy, với 8 đầu trâu gác trên mái nhà thờ, thì đã có 8 đời con cháu của vua Gia Long tổ chức hành lễ cúng bái.

Những xương đầu trâu tại nhà thờ "vua Gia Long".

Theo truyền tụng, nơi xây cất ngôi nhà thờ này chính là nơi vua Gia Long chết. Còn ông chết năm nào thì không ai rõ, bởi người La Chí không có chữ viết, nên không ghi lại được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy, người đã có thời gian nghiên cứu về văn hóa La Chí khẳng định rằng, người La Chí định cư ở vùng đất này rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này.

Còn nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc Kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay...”. 

Tại ngôi nhà thờ diễn ra lễ cúng vua Gia Long, 15 năm một lần, nhưng nơi thờ tự ông lại là ngôi miếu nằm tít trên đỉnh Lủng Cẩu. Nơi đó, theo truyền thuyết, ông từng có một thời gian dưỡng bệnh, dưới sự chăm sóc của người vợ thứ hai trước khi chết.

Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ lên đỉnh Lủng Cẩu. Toàn bộ núi Lủng Cẩu là một khu rừng nguyên sinh rộng mênh mông, mà trong đó, chủ yếu có 2 thứ cây, gồm đa và một loài cây dây leo mà ông Hoàng Quốc Triệu bảo, nó là loại thuốc cường dương cực quý.

Ông Phù kể rằng, xưa kia, đỉnh Lủng Cẩu là nơi ở của vua Gia Long. Ông đã cho quân đốt hết rừng, biến cả ngọn núi này thành vườn cây, mà toàn là đa, cùng với loài dây leo là một vị thuốc quý, để ông bồi bổ sức khỏe, chiều chuộng các bà vợ.

“Đoàn thám hiểm” chúng tôi đều thực sự ngỡ ngàng và không thể tượng tượng nổi khu rừng rộng cả ngàn hécta này lại lắm đa đến vậy. Những cây đa to cả chục người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi. Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ để vừa một cái ôtô. Thân những cây đa này chằng chịt loài dây leo, mỗi dây của nó to bằng bắp đùi. Có những dây leo dài đến nỗi, chúng tôi bám đi theo đến chồn chân mỏi gối mới thấy ngọn nó quấn quýt trên tán cây đa khổng lồ.

Đồng bào La Chí ở xã Bản Phùng rất sợ những cây đa này. Họ tin rằng, thần linh và vua Gia Long luôn ngự ở trên các cây đa để bảo hộ cho cuộc sống đồng bào, do đó, phải tôn trọng nơi ở của thần linh.

Chủ tịch xã Vương Đức Sinh để chai rượu dưới gốc cây đa, chắp tay khấn vái, nội dung lời khấn là xin vua Gia Long và các thần linh cho thuốc về chữa bệnh. Khấn vái xong, ông vác dao chặt một đoạn cây dây leo to bằng bắp chân. Mỗi lần bổ dao vào, “máu” từ thân dây leo lại tứa ra, phụt thành tia. Chặt đứt thân dây, chất dịch đỏ như máu lẫn bọt khí chảy ròng ròng thành vũng dưới đất.

Theo ông Triệu, thứ cây này đem sao vàng, ngâm rượu uống thì cực khỏe. Cũng theo ông, không thấy ở nơi khác có loài dây leo này. Ông biết nó là vì một lần sang Trung Quốc, thấy các thầy thuốc bên đó thu mua với giá rất đắt để chế thuốc bổ dương, tăng cường sức khỏe.

Tiếp tục cuốc bộ chừng 2 giờ đồng hồ trong rừng đa thì ngôi miếu thờ vua Gia Long xuất hiện dưới tán một cây đa khổng lồ. Ngôi miếu cực kỳ đơn sơ và trông cảnh quan xung quanh nó thì có lẽ đến cả chục năm nay không có người vào.

Ngôi miếu được dựng bởi mấy cái cột gỗ, tường liếp đan bằng vầu và lợp phibờrô ximăng. Theo ông Phù, trước đây ngôi miếu lợp bằng gỗ pơmu, nhưng đợt cúng vua cách nay 10 năm, dân bản “hiện đại hóa” cho ngôi miếu bằng cách ra tận trung tâm huyện mua rồi vác mấy tấm phibờrô ximăng về lợp.

Tôi đề xuất được vào miếu, nhưng mọi người đều phản đối. Chủ tịch xã Vương Đức Sinh là người dám làm cái việc mà không người La Chí nào dám làm, đó là chặt cây trong rừng thiêng của vua về làm thuốc, nhưng cũng không dám mở cửa ngôi miếu này. Chỉ có thầy cúng, trong lễ cúng vua Gia Long 15 năm tổ chức một lần, mới dám mở cửa ngôi miếu thiêng huyền bí này.

Theo lời kể của ông Sinh, bên trong ngôi miếu chỉ có một pho tượng vua cùng mấy bát hương. Không vào được miếu, chúng tôi đành chụp vài tấm hình, rồi xuống núi.

Đứng trên đỉnh Lủng Cẩu, phóng tầm mắt về phía tây, trông rõ đỉnh Gia Long lẫn trong mây mù. Đỉnh Gia Long nằm ở vùng giáp ranh giữa 3 xã là Bản Phùng (Hoàng Su Phì), Bản Díu và Nàn Xỉn (Xín Mần). Đây cũng là những xã có nhiều người La Chí nhất.

Theo các thầy cô giáo, dù khắp nơi trời quang, nắng đẹp, đỉnh Gia Long vẫn có một đám mây trắng đục quấn lấy. Mây quanh năm phủ kín đỉnh Gia Long cao vòi vọi. Trên đỉnh núi đó, từng có dinh thự của vua Gia Long.

Hiện tại, theo các cán bộ xã, những di tích của dinh thự đó vẫn còn, gồm dấu vết thành quách, nền dinh thự, ao cá. Điều đặc biệt là có một vườn cây cổ thụ, và cam quýt. Nhiều cây chè cổ thụ, gốc to mấy người ôm, tuổi thọ đã vài trăm năm.

Cũng chính vì thế, người La Chí ở Hoàng Su Phì và Xín Mần đều gọi ngọn núi đó theo tên của vua, tức là núi Gia Long.     

Có một chuyện khó tin nhưng được chính Chủ tịch xã Vương Đức Sinh kể và sau đó lại được Bí thư xã Bản Díu Nông Quang Phong và Chủ tịch xã Lù Thanh Phong xác nhận.

Chuyện rằng, 10 năm trước, bà Lùng Thị Sỏng lên núi Gia Long lấy rễ cây lá đỏ bán cho người Trung Quốc mua về làm thuốc. Rễ của loài cây này rất đắt. Hồi đó có giá 50 ngàn đồng/lạng. Giống cây này lại chỉ có nhiều ở khu dinh thự của vua Gia Long. Bà Sỏng đã liều lĩnh vào khu vực đó đào loại rễ cây này, rồi hái về rất nhiều hoa quả trong vườn.

Tuy nhiên, khi xuống núi, bà Sỏng không thể đi được. Dường như có một lực nào đó cứ kéo bà lại. 3 ngày không thấy bà về, con cháu lên núi tìm thì gặp bà bị “nhốt” trên đỉnh Gia Long. Gia đình phải mổ trâu, lợn, sắm lễ đội lên tận đỉnh Gia Long, rồi thầy cúng làm lễ suốt một ngày, bà Sỏng mới về được. Bà Sỏng ở bản Ngam Lin. Bà đã chết 3 năm nay vì bệnh trọng. 

Tôi đã tìm đủ mọi cách để lên đỉnh núi Gia Long từ hướng xã Bản Díu của huyện Xín Mần, muốn thấy tận mắt phế tích dinh thự vua La Chí, tuy nhiên, các cán bộ xã đều lắc đầu bảo không thể đi nổi.

Chủ tịch Phong là người La Chí, bản Ngam Lin, nhà ở sườn núi Gia Long bảo rằng, chỉ đi bộ đến nhà ông đã mất ngày đường, còn từ nhà ông, muốn lên đỉnh núi phải mất 2 ngày đi bộ nữa, mà dốc núi dựng đứng, rừng rú hoang thẳm, không có đường đi lối lại.

Hơn chục năm nay, sau sự kiện bà Sỏng, không ai còn dám lên đỉnh núi đó nữa, nên có bỏ tiền thuê cũng chả ai dẫn. Vậy là tôi đành quay về trong tiếc nuối.

(Còn tiếp)

Phạm Ngọc Dương - ANTG số 713
.
.
.