Có một làng sống trên cổ vật

Chủ Nhật, 17/01/2010, 22:02
Hai vật dụng đồ đồng còn khá nguyên vẹn, có chỗ mốc xanh, có chỗ đã được mài. Chị Síu cho biết: "Mấy thứ này thấy mốc quá, nhà tôi đem mài đi đấy; trước thì vứt quăng quật, bọn trẻ con vẫn lấy ra... để chơi ấy mà!".

"Thuở chăn trâu cắt cỏ, đám trẻ con chúng tôi hay đào khoai lang trồng trên gò Vườn Chuối hoặc vườn chùa Do, thường bắt gặp những hũ tiền xu có đục lỗ và các vật dụng bằng đá, bằng đồng, đồ gốm... Tiền xu thì lấy về đánh đáo, mỗi đứa từng xâu dài; còn rìu đá và các đồ đồng vứt lăn vứt lóc. Bấy giờ, chẳng ai ý thức rằng đó là cổ vật" - ông Nguyễn Văn Thắng, 62 tuổi, một cựu binh mang quân hàm Đại tá, trưởng thôn Lai Xá (còn gọi là làng Lai, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tự hào kể về mảnh đất quê mình, vốn xưa nay chỉ được biết đến với nghề nhiếp ảnh lừng danh...

Trên cánh đồng Lai Xá, đào đâu cũng có thể gặp những vật dụng của người xưa.

Làng Lai huyền thoại

Theo những bậc cao niên thôn Lai Xá kể lại, làng Lai được hình thành từ thời Hai Bà Trưng. Những cư dân đầu tiên lập làng tại gò Vườn Chuối, cách trung tâm làng bây giờ khoảng nửa cây số. Vườn Chuối là một gò đất rộng và cao nằm ven QL32 hiện nay. Xưa kia, quanh gò toàn là đầm trũng và rừng rậm. Có một con sông nối với sông Hồng chảy từ phía Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) qua đây ngăn cách làng cổ Vườn Chuối với đất làng sau này. Một năm nọ bỗng trời gây trận hồng thủy, phù sa bồi lấp khắp vùng và xóa sổ luôn dòng sông cổ đó. Đến nay, không ai rõ thời điểm và lý do gì khiến dân làng phải dịch cư khỏi gò Vườn Chuối.

Theo ông trưởng thôn Lai Xá Nguyễn Văn Thắng, nhiều cụ già kể lại, khi còn ở gò Vườn Chuối, mỗi mùa giông bão, dân làng thường xuyên bị sấm sét đánh trúng gây nhiều thiệt hại. Phải chăng, trong lòng đất gò Vườn Chuối có nhiều kim loại là những đồ đồng, đồ sắt bị vùi lấp qua bao thế hệ nên thiên lôi mới hay hỏi thăm, khiến người dân khiếp sợ phải dịch cư sang làng mới?

Kế bên gò Vườn Chuối là dấu tích của chùa Do (Kim Do tự), một ngôi chùa lớn với vườn cây cổ thụ rất rộng tồn tại cho đến kháng chiến chống Pháp. Sau đó, do chiến tranh giặc giã, chùa Do bị tiêu hủy hoàn toàn, nhưng dưới nền chùa còn chứa đựng nhiều tầng văn hóa với những cổ vật có giá trị về khảo cổ và nghiên cứu lịch sử, văn hóa...

Vợ ông Thắng, bà Mai, cho biết: "Ngày còn bé, tôi vẫn được các cụ kể chuyện trong vườn chùa Do có kho báu được yểm bùa trinh nữ làm thần giữ của. Đêm nọ, có một đàn bò bằng vàng thong dong gặm cỏ trong đầm bên vườn chùa; một lão nông đi tát nước đêm đã dắt được một con về cột lại, trông giữ cẩn thận, nhưng sáng ra không thấy bò đâu, chỉ còn sót lại đoạn dây thừng bằng vàng. Hoặc người dân ban đêm đi lưới cá thi thoảng lại gặp một đàn vịt bằng vàng lạch bạch bơi trong đầm... Tóm lại, đây chỉ là những huyền thoại, song nó cũng là thông điệp về vùng đất linh thiêng, trù phú một thời".

Sống chung với cổ vật

Theo ông trưởng thôn Lai Xá Nguyễn Văn Thắng, sau khi cư dân cổ dịch chuyển sang làng mới, gò Vườn Chuối trở nên hoang vắng và có nhiều thế hệ đã được an táng tại đây khi nhắm mắt xuôi tay. Sau này, người dân cũng đến canh tác, trồng màu trên gò nữa.

Lần đầu tiên gò Vườn Chuối được ghi nhận có nhiều cổ vật trong lòng đất là khoảng năm 1969. Từ đó, đã có nhiều đoàn khảo cổ về thám sát, khai quật và thu được nhiều cổ vật. Người dân đi làm đồng, đào mộ, cải táng ở khu vực gò Vườn Chuối vẫn thường xuyên đào trúng cổ vật, gồm đồ gốm, đồ đá, đồ đồng. Tuy nhiên, do ít được tuyên truyền và nhận thức còn hạn chế, nên hầu hết các cổ vật này đều bị thất lạc hoặc rơi vào tay dân sưu tầm, buôn bán cổ vật.

Theo chân anh Phạm Văn Hùng, Đội trưởng An ninh thôn Lai Xá, Công an viên xã Kim Chung, chúng tôi đến thăm nhà anh Dũng, một cai thầu xây dựng. Anh Dũng không có mặt ở nhà. Nghe khách có nhu cầu tìm hiểu về "mấy thứ đồ đồng đào được khi chuyển mộ", chị Síu, vợ anh Dũng, vui vẻ lấy ra một chiếc túi nilon cũ, có đựng một dao găm bằng đồng, một rìu đá, một rìu đồng hình chiếc hài. Hai vật dụng đồ đồng còn khá nguyên vẹn, có chỗ mốc xanh, có chỗ đã được mài để lộ ra ánh đồng sáng lấp lánh như vàng non.

Chị Síu cho biết: "Mấy thứ này thấy mốc quá, nhà tôi đem mài đi đấy; trước thì vứt quăng quật, bọn trẻ con vẫn lấy ra... để chơi ấy mà!". Chị Síu thật thà kể thêm, trong một lần di chuyển mồ mả ở gò Vườn Chuối, chồng chị đào được mấy thứ này. Giờ mới biết là đồ cổ, còn giá trị bao nhiêu thì chị cũng chẳng biết.

Cảm giác được tận tay chạm vào những đồ đồng có hàng ngàn năm tuổi khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bâng khuâng mường tượng về những thế hệ người Việt cổ. Trống đồng, các vật dùng bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, được tầng lớp quý tộc rất ưa chuộng. Chắc hẳn thời xưa, nếu ai đó sở hữu nhiều trống đồng, đầu đội mũ lông chim, đóng khố vải, trên đai lưng có giắt theo rìu đồng, dao găm đồng... thì đích thị đó là những quý tộc đầy thế lực, được muôn dân kính trọng, kiêng nể...

Rời nhà chị Síu, chúng tôi đến nhà chị Tân, chồng chị là anh Chiến cũng làm nghề xây dựng. Anh Chiến từng đào được những đồ đá, đồ đồng; nhưng sau đợt làm nhà vừa rồi, không biết thất lạc ở đâu mấy mũi tên đồng và ngọn giáo búp đa. Còn mấy thứ đồ bằng đá, "chắc bọn trẻ con đem chơi rồi bỏ đâu mất rồi!" - chị Tân cho biết.

Chúng tôi trở ra cánh đồng thôn Lai Xá thì gặp Ths Bùi Hữu Tiến (giảng viên bộ môn Khảo cổ, khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đang hướng dẫn các sinh viên đào thám sát một hố cách mặt ruộng chừng 50cm. Kết quả đã thu được nhiều mảnh gốm vỡ từ dấu tích của các tầng văn hóa.

Trước đó, cuối tháng 12/2009, sau hai tuần tiến hành khai quật hai hố với diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối, kết quả thu được rất khả quan gồm nhiều vật dụng phong phú như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá cứng; một số loại bình gốm, nồi, bát, dọi xe chỉ. Đáng chú ý, đã phát hiện 2 ngôi mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.700 - 2.000 năm). Cùng một số đồ tùy táng. Dường như, trên khắp các cánh đồng thôn Lai Xá, đào đâu cũng có thể chạm phải cổ vật.

Là người có trách nhiệm về công tác an ninh ở địa phương, anh Phạm Văn Hùng cho biết, hầu hết các hộ gia đình khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động đều cam kết sẽ bàn giao những cổ vật này cho ngành Văn hóa, hoặc Nhà truyền thống của thôn. Điều kiện người dân đưa ra cũng rất đơn giản, khi trưng bày phải ghi rõ người hiến, tặng và trả cho họ một khoản kinh phí để anh em... liên hoan.

Thiết nghĩ, việc giữ gìn và bảo vệ những cổ vật ở Lai Xá, nếu chỉ riêng chính quyền địa phương thì không thể đủ sức. Đề nghị ngành Văn hóa, Bảo tàng và TP Hà Nội khẩn trương có biện pháp thu nhận, bảo quản các cổ vật này, như một việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Trần Duy Hiển
.
.
.