Quốc hội thảo luận dự án luật cơ yếu:

Cơ mật phải được quản lý đặc biệt

Thứ Tư, 17/06/2009, 13:00
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đề nghị: Chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai Bộ là Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cho phù hợp tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, theo đó lĩnh vực cơ yếu giao cho một trong hai Bộ này quản lý.

Cơ yếu "cư trú" ở đâu?

Bộ Nội vụ, Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng quản lý cơ yếu? Phiên thảo luận tại hội trường, các ý kiến vẫn chưa thống nhất "nơi cư trú" cho lực lượng cơ yếu.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giải thích: Hiện Luật An ninh quốc gia và Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước giao Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. Nay dự luật giao thêm Bộ Nội vụ thực hiện quản lý Nhà nước về cơ yếu cũng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quy định như vậy có sự chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đề nghị: Chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai Bộ là Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cho phù hợp tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, theo đó lĩnh vực cơ yếu giao cho một trong hai Bộ này quản lý.

Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) phân tích: Chức năng quản lý Bộ, ngành liên quan đến bảo mật thông tin và lĩnh vực này cần giao cho Bộ Công an quản lý. "Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đại biểu Đỗ Căn (Hà Nội): Cơ quan cơ yếu rất đặc thù, hiện trong Công an cũng đang đảm nhiệm vấn đề này, đã có kinh nghiệm nên cần giao Bộ Công an quản lý. Với cách tiếp cận này, nhiều ý kiến đề nghị: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có nhân lực, kinh nghiệm, phương tiện để quản lý, điều hành hoạt động cơ yếu. Bộ Quốc phòng cũng có thế mạnh cơ yếu ở các cấp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn giải thích, hiện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng đều có bộ phận cơ yếu. Vì thế không nên để cơ quan quản lý Nhà nước về cơ yếu là một trong số các cơ quan này (Bộ quản lý Bộ) mà nên để Bộ Nội vụ thống nhất quản lý cơ yếu. Khi gặp một số vấn đề cụ thể thuộc về chuyên môn thì Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ bàn với các Bộ liên quan để giải quyết.

Đối với ý kiến đề nghị để Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ tỏ ra đơn độc và không nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu. Thực tế, Ban Cơ yếu Chính phủ trước đây là cơ quan độc lập và chỉ vừa được hợp nhất vào Bộ Nội vụ từ năm 2006 theo chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính, cơ cấu lại bộ máy Chính phủ.

Nữ cán bộ cơ yếu: "Lỡ thì" vì sức ép công việc

Được biết, hiện có trên 70% những người làm cơ yếu là thuộc Công an và Quân đội. Do làm việc ở môi trường đặc thù, những cán bộ cơ yếu chịu nhiều áp lực nhưng chế độ, chính sách chưa thỏa đáng. Chính vì vậy nhiều ý kiến chia sẻ: Nên chăng có sự hỗ  trợ, đặc biệt những người làm cơ yếu trong Công an và Quân đội.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa nhận, lương chính của những người làm cơ yếu dù được coi là cao nhưng công việc của họ rất vất vả, phụ cấp cũng chỉ giải quyết phần nào. Nhiều ý kiến chia sẻ: Không ít phụ nữ mải với công việc, không có nhiều điều kiện tiếp xúc, mở rộng quan hệ nên rơi vào cảnh "quá lứa lỡ thì". Rõ ràng cơ chế ràng buộc trong ngành cơ yếu rất lớn, nhiều khi tìm được người bạn đời phù hợp nhưng lý lịch lại không "tương thích" nên phải hy sinh việc riêng

Đ. Trường-Đ. Tuấn
.
.
.