Cơ hội việc làm và học nghề cho trên 300 người khuyết tật

Thứ Hai, 15/04/2013, 09:32
Cả nước hiện có trên 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó Hà Nội có 8.000 hội viên, nhu cầu việc làm cho người khuyết tật đang trở thành vấn đề bức thiết trong xã hội. Sáng 13/4, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ II năm 2003” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ngay từ sáng sớm đã có rất đông người khuyết tật ở khắp nơi đổ về để tìm kiếm cho mình một cơ hội việc làm.

Mang chiếc chân giả do bị khuyết tật vận động bẩm sinh, cô gái Đặng Hoài Thêu, 25 tuổi đã khá vất vả đi từ Nghệ An ra Hà Nội tham gia Ngày hội việc làm. Đi cùng Thêu là cô bạn gái đang trọ học ở Hà Nội. Khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt sáng thông minh, nếu không vì những bước chân khó nhọc thì không ai biết Thêu là người khuyết tật. Tốt nghiệp Khoa công tác xã hội, Trường Đại học Vinh, Thêu đang trên chặng đường tìm kiếm việc làm. Qua mạng Internet, Thêu biết đến chương trình Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật nên đã vận động gia đình cho mình được ra Hà Nội để tìm kiếm việc làm.

Bị teo cơ bẩm sinh dẫn đến hỏng cả hai chân, chàng sinh viên năm thứ 4 Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Trần Bá Trường đến với Ngày hội việc làm để tìm kiếm cho mình một công việc  ngoài giờ học. Quê Trường ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên kinh tế khá khó khăn. Để cho Trường đến với giảng đường Đại học là cả một sự nỗ lực lớn. Bản thân Trường là người khuyết tật, mọi sinh hoạt và điều kiện đi lại, học hành của em cũng rất vất vả. Trường đã thử xin việc ở nhiều nơi, nhưng khi nhìn thấy em, họ đều lắc đầu từ chối. “Hôm nay đến đây để thử “vận may” xem có tìm kiếm được một cơ hội việc làm phù hợp hay không” – Trường dí dỏm. Sau một hồi chọn lựa, Trường quyết định nộp hồ sơ vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển HEVN, ở 107 nhà C, ngõ 51 Lương Khánh Thiện, Hà Nội.

Sinh viên khuyết tật Trần Bá Trường đang nghe tư vấn từ nhà tuyển dụng.

Bị bại liệt từ nhỏ, bản thân là người khuyết tật nên anh Khoát rất thấu hiểu sự khó khăn của người khuyết tật khi hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy anh đã cùng một nhóm bạn trong CLB thanh niên người khuyết tật quận Hoàng Mai thành lập công ty theo mô hình doanh nghiệp xã hội (là doanh nghiệp của người khuyết tật và hoạt động vì người khuyết tật). Công ty của anh chuyên sản xuất hoa đất Nhật Bản, tranh giấy Nhật Bản, thiết kế web và bán hàng online… “Sản phẩm của mình phù hợp với người khuyết tật, họ có thể nhận về làm và hưởng lương qua sản phẩm. Hôm nay công ty mình tuyển nhân viên kinh doanh thiết kế đồ họa và kinh doanh thiết kế web. Với những người có chuyên môn hoặc trình độ vi tính thì đều có khả năng làm được” - anh Khoát cho biết.

Đây là lần thứ II Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật. Với mong muốn thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên đối với việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, Ban tổ chức mong muốn đây là dịp để người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời vận động các doanh nghiệp, công ty, tổ chức xã hội mở rộng vòng tay tuyển dụng người khuyết tật vào làm những công việc phù hợp. Có 30 đơn vị đến tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề với chỉ tiêu từ 200 - 250 lao động và tuyển sinh trên 300 người. Trong Ngày hội, các cơ sở sản xuất đã giới thiệu rất nhiều sản phẩm khéo léo và tinh tế của người khuyết tật để quảng bá thương hiệu.

Hiện nay, tỷ lệ người thất nghiệp ở nước ta đang rất cao. Tìm kiếm việc làm với người bình thường đã là khó, nhưng với người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội. Người khuyết tật không có việc làm đã kéo theo gánh nặng cho gia đình và xã hội, khiến cho khoảng cách hòa nhập với cộng đồng bị thu hẹp.

Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội cho biết: “Việc làm đối với người khuyết tật hiện rất bức thiết. Sự quan tâm của Nhà nước đối với người khuyết tật trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho họ. Thành đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội này là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa, rất thiết thực cho người khuyết tật. Chúng tôi mong các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật để họ có việc làm, giúp người khuyết tật được đào tạo, tư vấn, giúp họ có thêm niềm tin, bản lĩnh và nghị lực để vượt qua trở ngại, khó khăn, vươn lên hòa đồng với xã hội”

Trần Hằng
.
.
.