Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ):

Cơ hội lớn cho các nền kinh tế nhỏ

Thứ Năm, 25/01/2007, 09:00
Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia diễn đàn kinh tế tại Davos năm nay do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Dư luận cho rằng, với việc vừa gia nhập WTO và tổ chức thành công hội nghị APEC, Việt Nam đang nắm giữ cơ hội trở thành tâm điểm nổi bật của hội nghị.

Ngày 24/1, khoảng 2.500 lãnh đạo, chính khách, thương gia tầm cỡ đến từ 90 quốc gia đã đổ về thành phố nghỉ mát và trượt tuyết Davos (Thụy Sĩ) tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), mang theo niềm tin về sự thịnh vượng của các nền kinh tế trong năm 2007.

Một nửa đại biểu tham dự Diễn đàn năm nay là các chủ tịch, hay các giám đốc điều hành của các tập đoàn tên tuổi toàn cầu như Pepsi Co, Morgan Stanley và Reuters. Vé vào cửa cho hội viên không rẻ, khoảng 35.000 USD/chiếc.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều nguyên thủ quốc gia và những nhân vật nổi tiếng có mặt tại diễn đàn để thảo luận các chủ đề lớn như vấn đề toàn cầu hóa, thúc đẩy thương mại thế giới, công nghệ thông tin không dây, chiến lược phòng chống HIV/AIDS và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo.

Bế tắc của vòng đàm phán Doha về mở cửa thị trường cũng như trong việc tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel - Palestine, cuộc chiến Iraq và cuộc chiến chống khủng bố cũng sẽ là một trong những nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người hiện đang giữ vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EC) mở đầu buổi khai mạc với bài phát biểu về những kế hoạch mà Đức đã chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G8. Vấn đề thay đổi khí hậu, an ninh tài chính và việc cần thiết nối lại đàm phán tự do thương mại quốc tế là điều mà chính quyền Berlin rất quan tâm.

Thủ tướng Anh Tony Blair lại đăng đàn bài phát biểu về việc tăng cường hỗ trợ giúp các quốc gia ở châu Phi phát triển kinh tế và vấn đề đào tạo năng lực lãnh đạo.

Vua Jordan Abdullah II thì nói về tương lai của Trung Đông trong khi Thủ tướng Lebanon Fuad Saniora kể lại những khó khăn mà chính quyền ông gặp phải sau cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hezbollah hồi mùa hè năm ngoái.

Các đại biểu đến từ Iraq cũng có bài phát biểu về thách thức mà nước này đang phải đối mặt do mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa dòng Hồi giáo Sunnis và Shiites.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, ngoài việc tham dự Diễn đàn còn có nhiều cuộc tiếp xúc bên lề với khoảng 15 lãnh đạo các tập đoàn nổi tiếng thế giới. Dư luận cho rằng, với việc vừa gia nhập WTO và tổ chức thành công hội nghị APEC, Việt Nam đang nắm giữ cơ hội trở thành tâm điểm nổi bật của hội nghị.

Ra đời từ năm 1971 theo sáng kiến của Klaus Schwab - nhà kinh doanh người Thụy Sĩ, WEF trở thành nơi bàn chuyện nghiêm túc và thiết lập quan hệ làm ăn của giới chính trị gia với các nhà quản lý, truyền thông, tư bản, kinh doanh - những người vừa có tiền lại vừa có quyền. Tuy nhiên, để trở thành thành viên của WEF thì không phải là điều đơn giản. Các công ty phải có số vốn tối thiểu 200 tỉ USD mới có thể được chấp nhận đơn xin làm thành viên. Còn các doanh nghiệp muốn tham dự hội nghị phải chi hàng chục ngàn USD. Thế nhưng đổi lại, các doanh nghiệp và cả những quốc gia có đại biểu tham dự hội nghị đều nhận được những ưu đãi giúp phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Chẳng thế mà trước khi diễn ra hội nghị lần này, khoảng 20 quốc gia đã đề nghị diễn đàn thu xếp các cuộc thảo luận với giám đốc các doanh nghiệp để bàn về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái sinh, mở rộng kinh doanh...

Phan Hiển
.
.
.