Có hay không việc thuyền viên xuất khẩu nợ tiền?

Thứ Ba, 15/04/2008, 16:20
Báo CAND nhận được đơn kiến nghị của 18 người lao động ở tỉnh Nghệ An phản ánh những vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng XKLĐ thuyền viên với Cty Nhân lực và Thương mại quốc tế - Intraco (thuộc Tổng Cty Đường sông miền Bắc). Phần lớn các lao động này đều đã thanh lý hợp đồng, thậm chí đã thanh lý hợp đồng từ nhiều năm nay. Vậy tại sao giữa hai bên vẫn có sự khúc mắc?

Từ lá đơn của các lao động thuyền viên

Trong đơn kiến nghị đứng tên thay con trai là Hồ Sỹ Quyển, ông Hồ Văn An ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, con trai ông ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty Nhân lực và Thương mại quốc tế - Intraco vào ngày 3/6/2003 với thời hạn hợp đồng 2 năm (có thể gia hạn 1 năm) với công việc đánh bắt cá xa bờ trên thuyền nước ngoài.

Trong quá trình làm việc, anh Quyển bị đánh gây thương tích, rồi phải về nước ngày 17/9/2004. Tuy nhiên, mãi cho tới ngày 18/4/2007, Công ty Intraco mới hỗ trợ cho gia đình 4 triệu đồng. Nhưng công ty hiện vẫn chưa thanh toán 3 tháng lương của anh Quyển với lý do số tiền lương đó đã dùng để thanh toán vé máy bay lượt về.

Cùng gửi đơn với ông An, những lao động khác ở Nghệ An đều đi xuất khẩu lao động làm thuyền viên và có cùng kiến nghị tương tự.

Anh Cao Thịnh Hiếu ở xóm 8, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu cho rằng: "Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, về nước tôi đã xuất trình hộ chiếu, thẻ thuyền viên và thanh lý hợp đồng. Nhưng còn những khoản vướng mắc, chưa được thanh toán số tiền 320 USD với lý do tôi vay số tiền trên của chủ tàu. Nhưng thực tế tôi không nợ tiền của chủ tàu".

Anh Nguyễn Hồng Sơn ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thì cho biết anh cũng không được Công ty Intraco trả khoản tiền 700 USD (trong đó có cả tiền đặt cọc).

Cũng với lý do như trên, anh Cao Xuân Vương ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu cho rằng mình chưa được thanh toán 820 USD; anh Trần Ngọc Hà ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu còn  960 USD; anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu còn 280 USD; anh Lê Đăng Hải ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu còn 350 USD; anh Cao Hải Sơn ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu còn 350 USD...

Tất cả các lao động trên gửi đơn đến Báo CAND đều trình bày rằng họ không vay mượn của chủ tàu, nhưng khi về Việt Nam, phía Công ty Intraco lại trừ mỗi người một khoản nợ khác nhau là không đúng. Vì vậy, người lao động đề nghị được trả số tiền mà Công ty Intraco giữ lại của họ.

Người lao động có bị trừ nợ oan?

Chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty Nhân lực và Thương mại quốc tế - Intraco để tìm hiểu sự việc trên.

Ông Hiếu cho biết, trong số các lao động có đơn kiến nghị với Báo CAND thì hầu hết người lao động đã thanh lý hợp đồng từ khá lâu, chỉ còn lại 3 lao động chưa thanh lý hợp đồng do có sự vay mượn trên thuyền khi đi xuất khẩu lao động mà vẫn chưa thống nhất số tiền là: Anh Trần Ngọc Hà ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; anh Cao Xuân Vương ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu; anh Nguyễn Hồng Sơn ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay việc thanh toán hợp đồng giữa người lao động và Công ty Intraco chưa giải quyết được vì có sự không trùng khớp giữa số tiền mà phía người lao động đưa ra với công ty môi giới ở nước ngoài.

Phía công ty môi giới ở Đài Loan thì báo nợ đối với anh Vương là 529 USD, anh Sơn là 892 USD, anh Hà là 428USD. Tuy nhiên, những người lao động này chỉ công nhận mức tiền vay thấp hơn hẳn số tiền trên.

Cụ thể: anh Vương chỉ nhận vay 334 USD, anh Sơn nhận vay 492 USD, anh Hà nhận vay 331 USD. Với lý do như vậy nên mặc dù các lao động trên đã về nước từ ngày 31/1/2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa thanh lý được hợp đồng.

Ông Hiếu khẳng định, Công ty Intraco đưa lao động đi xuất khẩu thì đương nhiên sẽ đứng về phía người lao động. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khó xác định được số tiền vay thực tế là bao nhiêu để giải quyết. Bởi việc vay mượn của các thuyền viên trên tàu thường chỉ là vay và cho vay miệng, trao tay chứ không có giấy tờ.

Vậy là người lao động vẫn tiếp tục phải chờ đợi, dù họ đã phải chờ từ rất lâu rồi. Trong trường hợp này, Công ty Intraco coi mình là trọng tài đứng giữa giải quyết. Nhưng là người ký hợp đồng đưa lao động đi xuất khẩu thì lẽ ra đơn vị đưa người lao động ra nước ngoài phải lường trước tình huống này để cảnh báo sớm với người lao động từ ở trong nước.

Đồng thời, công ty phải có yêu cầu chặt chẽ với công ty môi giới nước ngoài để có thể đứng về phía người lao động Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Mong rằng Công ty Intraco sớm tìm biện pháp giải quyết thắc mắc của các lao động thuyền viên trên. Nếu khiếu nại của họ thiếu căn cứ thì phải trả lời rõ để họ hiểu, còn nếu việc khiếu nại đó là chính đáng thì phải giải quyết kịp thời để bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.