Xung quanh vụ 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật nhân đạo:

Có hay không lỗ hổng quản lý Nhà nước?

Chủ Nhật, 31/08/2014, 10:03
Vụ 3 trẻ tử vong sau khi được Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) phẫu thuật nhân đạo (PTNĐ) hôm 24/8 đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là câu hỏi được đặt ra về tính pháp lý của hoạt động này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB) - Bộ Y tế, xung quanh vấn đề trên.

PV: Xin ông cho biết ý kiến về vụ việc 3 trẻ tử vong sau PTNĐ ở Khánh Hòa?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Bộ Y tế xác định đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, cần sớm làm rõ nguyên nhân với tinh thần xử lý nghiêm, xác định đúng người, đúng sự việc. Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của trẻ, nếu phát hiện sai phạm về KCB, sẽ xử lý theo đúng qui định. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng đã thành lập một Hội đồng chuyên môn gồm 10 thành viên, bắt đầu làm việc từ sáng 28-8, để xem xét về chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám chữa bệnh gây tử vong cho 3 trẻ sau PTNĐ.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Khánh Hoà đã vào cuộc, niêm phong toàn bộ phòng mổ nơi Trung tâm OSCA sử dụng, cùng các dụng cụ, thuốc men dùng cho các ca mổ để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra giấy phép hành nghề của các bác sĩ tham gia phẫu thuật, đồng thời, vận động các gia đình có con tử vong đồng ý cho mổ tử thi để tìm nguyên nhân. Sau sự cố, OSCA đã hỗ trợ mỗi gia đình có trẻ tử vong 120 triệu đồng.

PV: Vụ tử vong khiến nhiều người băn khoăn về tính pháp lý của việc PTNĐ, khi chưa có Thông tư hướng dẫn hoạt động khám chữa bệnh (KCB) nhân đạo. Phải chăng đây là lỗ hổng quản lý, khi đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này? Bao giờ Bộ Y tế mới có hướng dẫn cụ thể?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Cơ sở pháp lý của hoạt động KCB nhân đạo là Thông tư 01/2002 của Bộ Y tế, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các cơ sở KCB nhân đạo. Điều 21 Luật KCB cũng đã qui định về KCB nhân đạo, theo đó, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có quyền đề nghị được tổ chức KCB nhân đạo, hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về KCB, hoặc hợp tác đào tạo về y có thực hành KCB tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế qui định chi tiết về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị và thẩm quyền cho phép KCB. Cơ sở KCB nhân đạo phải có đủ điều kiện hoạt động theo Luật KCB và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; người hành nghề KCB nhân đạo phải có chứng chỉ hành nghề. Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư KCB nhân đạo để điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật KCB, hiện đang rà soát lần cuối trước khi ban hành. Về cơ bản, Thông tư này không thay đổi nhiều so với Thông tư 01/2002. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn KCB nhân đạo được tổ chức tại cơ sở KCB cả Nhà nước, tư nhân hoặc KCB trên các phương tiện chuyên dụng như máy bay, ôtô, tàu thủy … được phép của cơ quan có thẩm quyền.

PV: Trung tâm OSCA đã được Sở KH&CN Hà Nội cấp phép, nhưng Trung tâm KCB nhân đạo ở các địa phương khác thì có được không?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Việc Sở KH&CN Hà Nội cấp phép cần được nghiên cứu. Trong phần quy định của Sở này thì những vấn đề liên quan đến các điều kiện đặc thù phải tuân theo các quy định đặc thù khác. Ví dụ, KCB theo quy định của KCB. Chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo Bộ để các chuyên gia pháp lý của Bộ Y tế xem xét và có kết luận chính thức. Tuy nhiên, phải khẳng định, OSCA không tổ chức KCB tại Trung tâm, mà tổ chức tại cơ sở KCB ở địa phương khác và đã xin phép Sở Y tế địa phương. Về nguyên tắc chuyên môn, để bảo đảm an toàn cho đợt phẫu thuật thì các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phải bảo đảm và đó là căn cứ Sở Y tế địa phương cấp phép cho tổ chức này.

Trung tâm này đã được Sở KH&CN Hà Nội cấp phép hoạt động, còn việc giấy phép này có đủ để tổ chức hành nghề KCB hay không thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cụ thể. Việc OSCA tổ chức các đợt KCB nhân đạo có đúng thẩm quyền, đúng chức năng không, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan pháp lý xem xét, rà soát lại để có kết luận. Ở đợt KCB này, họ chỉ đứng ra tổ chức chứ không trực tiếp làm kỹ thuật. Về chuyên môn, khi Sở Y tế Khánh Hòa cấp phép thì phải dựa trên những điều kiện sẵn có, như phẫu thuật viên, điều dưỡng, đều phải có chứng chỉ hành nghề; điều kiện về buồng phẫu thuật, trang thiết bị, thuốc không quá hạn, phương tiện phù hợp vv… mới cho phép triển khai. Đấy là bản chất sự việc và phải dựa vào đó để xem xét sự việc. Về trách nhiệm pháp lý cơ quan pháp lý của Bộ Y tế sẽ xem xét kỹ.

PV: Theo Sở Y tế Hà Nội, ở đây chưa cấp phép hành nghề cho Trung tâm OSCA, nhưng những năm qua, OSCA đã  khám, điều trị cho hơn 2.000 cháu. Như vậy, liệu có kẽ hở pháp luật nào cần xem xét lại không, thưa ông?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi sẽ xem xét lại các văn bản quy định, quy trình cấp phép của Sở Y tế. Trung tâm OSCA không chỉ thực hiện một lần ở một địa phương và họ cũng đã thực hiện 2 đợt 2012, 2013 ở Bệnh viện 87. Cho nên đến đợt này, họ cho rằng đã được thực hiện một lần và cấp phép một lần thì vẫn thực hiện và Sở Y tế Khánh Hòa cũng cấp phép.

PV: Trung tâm OSCA đã được Sở KH&CN Hà Nội cấp phép. Như vậy, Trung tâm này đã có đủ điều kiện hoạt động KCB nhân đạo chưa, hay vì là KCB từ thiện nên không cần xin phép?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Có hai hình thức KCB nhân đạo. Một là tổ chức tại cơ sở KCB cố định, hai là KCB lưu động tại địa phương. Dù bất kỳ hình thức nào thì các điều kiện về con người, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo quy định. Trung tâm OSCA đã có trao đổi, hợp tác với Bệnh viện 87 và xin phép Sở Y tế Khánh Hòa.

PV: Hội đồng chuyên môn đã họp, theo như ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB thì nguyên nhân có thể do gây mê?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi hiện đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn. Trong ba trường hợp thì có hai trường hợp chưa phẫu thuật có biến chứng, nên khả năng gây mê là chủ yếu. Còn do thuốc, hay do lý do nào khác thì cần phải tìm hiểu thêm. Khi nào có kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí.

PV: Trách nhiệm cụ thể của các đơn vị ở trong đợt khám này thế nào? Khi để xảy ra tai biến thì trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm của Bệnh viện 87 ra sao?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi đang đợi kết quả điều tra của cơ quan Công an, kết luận của Hội đồng chuyên môn. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội làm rõ việc cấp phép, phạm vi hoạt động, khi có đủ thông tin, các chuyên gia pháp lý của Bộ Y tế sẽ xem xét có sai phạm không.

Bệnh viện 87 đã có hợp đồng với Trung tâm OSCA và họ phải làm đúng theo hợp đồng. Nếu làm không đúng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Toàn bộ quy trình đang được Công an Khánh Hòa điều tra. Quan điểm của Bộ Y tế là, đơn vị nào vi phạm nội dung gì sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đây là rủi ro, sự cố y khoa không ai mong muốn. Chúng ta phải tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

PV: Ông có thể khẳng định về mặt tổ chức, Trung tâm OSCA không vi phạm pháp luật?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Tôi không khẳng định việc này, vì vụ việc hiện đang trong quá trình xem xét, phải có đầy đủ thông tin.

PV: Hiện có không ít các Trung tâm tổ chức KCB nhân đạo ở các vùng miền. Bộ Y tế có kế hoạch thanh kiểm tra hoạt động này không?

Ths. Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo và có kế hoạch thanh tra. Thực ra KCB nhân đạo diễn ra nhiều năm nay, có đóng góp rất ý nghĩa về mặt xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng ta không thể phủ nhận đóng góp của họ. Tuy nhiên, qua sự cố này chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra quản lý và giám sát, đưa hoạt động này vào nề nếp, đúng qui định.

PV: Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội chưa hề nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động KCB của Trung tâm OSCA, mà chỉ có giấy phép hành nghề do Sở KH&CN Hà Nội cấp.

Thanh Hằng
.
.
.