Đồng bằng sông Cửu Long:

Cơ giới hóa nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Thứ Năm, 31/07/2008, 09:11
Đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp là một trong những yêu cầu bức thiết ở ĐBSCL, nhất là trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Từ năm 2004, Chính phủ có chủ trương về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Lãnh đạo các địa phương thấu hiểu sự bức bách này và đều có các chính sách hỗ trợ nông dân mua máy.

Thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ở ĐBSCL, toàn vùng mới có khoảng 1.000 máy gặt đập liên hợp (GĐLH); 3.400 máy gặt xếp dãy, chỉ đảm bảo thu hoạch khoảng 15% diện tích lúa. 85% diện tích còn lại phải chịu thất thoát sau thu hoạch với tỷ lệ từ 10-12%. Các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học cho rằng, chỉ cần tổn thất 1% sản lượng lúa của toàn vùng, tương đương 87.000 tấn lúa/vụ, với giá lúa 4.300đ/kg thì nông dân mất hơn 370 tỷ đồng.

Hàng trăm tỷ rơi vãi trên đồng

Đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp là một trong những yêu cầu bức thiết ở ĐBSCL, nhất là trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Từ năm 2004, Chính phủ có chủ trương về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Lãnh đạo các địa phương thấu hiểu sự bức bách này và đều có các chính sách hỗ trợ nông dân mua máy. Tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ… đi đầu trong việc hỗ trợ lãi suất với mức bằng không cho 30% giá trị máy đối với cá nhân mua, 70%-100% giá trị máy đối với các tập thể mua…

Trong vòng 1 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 2 cuộc trình diễn máy GĐLH ở ĐBSCL để khuyến khích sản xuất và sử dụng. Rõ ràng bằng các chính sách hỗ trợ và nỗ lực của nông dân, số máy móc được đưa vào đồng ruộng tăng mạnh, nhưng so với tổng diện tích canh tác lúa hàng năm của ĐBSCL, gần 4 triệu ha thì chưa thấm vào đâu.

Cả ĐBSCL mới có khoảng 1.000 máy GĐLH, 3.400 máy gặt xếp dãy, chỉ đảm bảo thu hoạch được 15% diện tích lúa của vùng. 85% diện tích còn lại phải chịu thất thoát sau thu hoạch với tỷ lệ từ 10-12%. Một số địa phương như Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, số máy GĐLH đếm trên đầu ngón tay và còn rất lạ lẫm với nông dân.

Các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học cho rằng, chỉ cần tổn thất 1% sản lượng lúa của toàn vùng, tương đương 87.000 tấn lúa/vụ, với giá lúa 4.300 đồng/kg như hiện nay thì nông dân mất hơn 370 tỷ đồng…

Đồng ruộng manh mún, nông dân thiếu vốn

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, đồng ruộng ĐBSCL cần 10.000 - 12.000 máy GĐLH để đẩy tỷ lệ cơ giới hoá trong thu hoạch lên 30-40% vào năm 2010.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, hiện nay phần lớn thanh niên nông thôn bỏ đồng ruộng lên làm việc trong các khu công nghiệp thành thị, không còn mặn mà với nông nghiệp. Vì thế vào lúc thu hoạch lúa rộ thì thiếu nhân công và giá tăng rất cao (hiện  tại từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ha). Để khuyến khích nông dân làm lúa gạo, tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hoá, nhất là máy GĐLH là hết sức cần thiết.

Thực tế có những vấn đề khó khăn khi đưa máy móc vào đồng ruộng ở ĐBSCL. Diện tích từng hộ quá nhỏ hẹp là một trở ngại lớn cho vấn đề cơ giới hóa. Hầu hết nông hộ chỉ có dưới 1 ha lúa, trong lúc năng suất của máy GĐLH là 3 - 5 ha/ngày, rất khó xoay trở từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác. Mặt bằng đồng ruộng trong giao thông nông thôn chưa được cải tạo tốt. Ở ĐBSCL, nông dân làm lúa hai vụ, ba vụ mà đặc biệt vụ hai, vụ ba thu hoạch trúng ngay mùa mưa, nên việc sử dụng máy móc bất tiện…

Thực tế việc đưa máy GĐLH vào đồng ruộng ở ĐBSCL còn phát sinh nhiều vấn đề, như: Khả năng nguồn vốn của nông dân rất hạn hẹp. Trước tình hình chi phí sản xuất tăng 50-60% so với năm trước, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày leo thang thì dù có chính sách cho vay 70% số vốn mua máy và hỗ trợ lãi suất nhưng nông dân cũng rất vất vả khi xoay trở 30% vốn còn lại.

Trong khi giá một máy GĐLH khá cao, khoảng 150-200 triệu đồng/máy. Nhiều loại máy của nước ngoài đưa vào ĐBSCL sau một thời gian đã bộc lộ nhiều hạn chế mà nguyên nhân chính là không thích nghi với đồng ruộng và giá cao. Trong khi đó, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong vùng dù đã chế tạo được máy GĐLH, nhưng thiếu vốn, chưa chuẩn hoá, thiếu cơ chế khuyến khích.

Theo ông Tống Hữu Thuẫn, nguyên Giám đốc điều hành quốc gia dự án DANIDA, ở Thái Lan có 5.000 máy GĐLH do Thái Lan sản xuất. Ban đầu, họ nhập nhiều loại máy nhưng không phù hợp. Các cơ xưởng tự làm và họ nói: máy của người Thái cho người Thái là phù hợp. Và kinh nghiệm của họ là trường đại học và nhà sản xuất hợp tác thì nông dân sẽ có máy phù hợp.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khuyến cáo: Không nên mua máy GĐLH để phục vụ cho từng nông hộ mà cần phát triển dịch vụ cơ khí trong nông nghiệp. Nếu đẩy mạnh được vấn đề này thì có thể giải quyết vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL...

Đức Văn
.
.
.