Cô gái tật nguyền vượt lên hoàn cảnh để viết văn

Thứ Tư, 09/02/2011, 14:30
Mặc dù bị khuyết tật (đôi chân bị liệt, không nói rõ), thế nhưng bằng nghị lực và tài năng của mình, Trần Trà My quê ở Quảng Trị đã làm được những việc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, trong đó có việc viết văn và viết báo.

Tuổi thơ nhọc nhằn với con chữ

Nhiều người gặp Trà My đều rất ngạc nhiên, bởi mặc dù cô không thể nói rõ và đi đứng được, nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan.

Khi sinh ra My đã bị khuyết tật. Không muốn phụ thuộc quá nhiều vào người khác, My tự nhủ bản thân phải nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Nghĩ là làm, được sự giúp đỡ của bố mẹ, My quyết tâm tập đi. Vì đã nhiều năm nằm một chỗ, nên khi đứng lên toàn thân My đổ gục xuống. Không bỏ cuộc, My vẫn kiên trì tập luyện. Sau 3 năm kiên trì, nhờ sự trợ giúp của vòng bánh xe kim loại, My đã có thể ngồi và đi, đứng được. My và cả gia đình, bạn bè đều khóc vì sung sướng.

Khi 9 tuổi và đã có thể di chuyển được, My nghĩ: "Mình phải học chữ". Thế là mỗi lần đứa em gái thứ 2 đi học về, My lại đến mượn vở để học, những gì không hiểu cô liền hỏi em để hiểu mới thôi. Bố mẹ My nhiều lần thấy My cầm sách cứ tưởng là để chơi. Khi biết My ham học, bố mẹ dạy cho My cách xem đồng hồ, xem lịch ngày tháng và cô học rất nhanh. Rồi My còn học thêm cả Anh văn và vi tính. Khi đã đọc viết thành thạo, không lúc nào My rời sách báo. Và My quyết tâm phấn đấu trở thành nhà văn.

Trần Trà My và bạn của mình.

Thành công trên văn đàn…

Năm 14 tuổi, My đã bắt đầu tập làm thơ, 16 tuổi My tập viết tản văn, 19 tuổi My đã có truyện ngắn được đọc ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và được công nhận là cộng tác viên của đài.

Rồi My đoạt giải C cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật dành cho sinh viên do Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức năm 2006.

Giải thưởng đầu tiên này là một động lực lớn lao giúp My tiếp bước trên con đường đến với nghiệp văn chương của mình. Năm 20 tuổi, lần đầu tiên một mình My xa nhà ra Hà Nội tham dự diễn đàn viết văn của những cây bút trẻ. Lúc này, My liền nảy ra một ý nghĩ táo bạo đem những truyện ngắn của mình đến các nhà xuất bản để đề nghị được in thành sách. Và sự kiên trì của My đã được đền đáp xứng đáng. Qua một vài nhà xuất bản, cuối cùng tác phẩm của cô được Nhà xuất bản Dân Trí tiếp nhận.

Thành công tiếp tục đến với My, khi năm 2009, My đoạt liền 2 giải thưởng: là giải khuyến khích cuộc thi "Viết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn" do Bộ GD&ĐT kết hợp cùng Liên minh Chiến dịch Toàn cầu vì giáo dục tổ chức và giải viết văn do Báo "Tiếp thị và gia đình" tổ chức.

Đặc biệt, tháng 6/2009, My đã cho ra đời tập truyện ngắn "Giấc mơ của đôi chân thiên thần" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Đây là tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Trà My. Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội và những người yêu tác phẩm của My đã tổ chức diễn đàn giới thiệu tác phẩm của My tại Hà Nội và Quảng Trị.

Rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng sau đó đã giới thiệu nói về tác phẩm này. Và đây là tác phẩm My tâm đắc nhất sau 6 năm sáng tác, chắt lọc. Từ đó, một số đài truyền hình và nhà xuất bản mời cô cộng tác. Hàng chục buổi giao lưu giữa Trà My và sinh viên, những người yêu văn chương đã diễn ra ở Hà Nội và TP HCM.

Năm 2009, trong một buổi tham gia sự kiện câu lạc bộ về sách, My đã gặp Tạ Minh Tuấn, 2 người trò chuyện và cảm thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Và sau đó, Tuấn lập Công ty Bảo vệ cuộc sống khỏe, cung cấp dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà ở TP HCM thì My được mời về làm chuyên viên sáng tạo và quảng bá thương hiệu cho đến nay.

Công việc tất bật nên My mỗi năm chỉ về nhà một lần vào dịp Tết. Khó khăn trong giao tiếp, mỗi lần công ty họp, Tuấn chịu khó lắng nghe My nói và truyền đạt lại với mọi người. Một mình làm việc xa nhà, My tâm sự: "Nhiều đêm thức dậy, mình chỉ biết khóc vì nhớ bố mẹ và các em dù bạn bè ở đây rất tốt đã tiếp thêm động lực cho mình làm việc".

Bận rộn như vậy, nhưng My vẫn rất say mê viết văn và tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2010, Trà My và Minh Tuấn thành lập quỹ "Giấc mơ của đôi chân thiên thần" dành để giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng yêu và thích sáng tác văn chương có điều kiện xuất bản những tác phẩm hay. Và, hiện My cũng đang là cộng tác viên của các tờ báo: Tuổi Trẻ, Mực Tím, Áo Trắng, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị, Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM…

Nguyễn Tiến Nhất
.
.
.