Cô gái Huế khuyết tật tạo nên thương hiệu “Nón Thúy”

Thứ Tư, 15/05/2013, 12:54
Dù đôi bàn tay không được toàn vẹn, nhưng với nghị lực phi thường của mình, chị Trần Thị Thúy (46 tuổi) ở làng nón Phủ Cam, thuộc tổ 13, phường Phước Vĩnh, TP Huế, đã tạo nên tên tuổi và thương hiệu “Nón Thúy”...

Chị Thúy kể rằng, chị là con út trong một gia đình có 6 chị em. Lúc chị mới chào đời, mẹ chị đã khóc ngất đi khi nhìn cánh tay phải của con bị cụt đến tận khuỷu. Mồ côi cha từ tấm bé, chị lớn lên trong tình yêu thương của bà nội và mẹ, cũng là thợ chằm nón làng Phủ Cam.

Có lẽ vì vậy mà cái nghiệp chằm nón đã ngấm vào máu thịt của chị. Năm lên 10, ngoài thời gian ở lớp, chị bắt đầu tập tành nghề chằm nón để mưu sinh. Thấy chị bị tật nguyền nên cả bà nội và mẹ chị đều can ngăn. Nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi nghề...

Theo lời chị Thúy, ban đầu chị đi xin nón cũ, nón rách của bà con trong xóm, cùng những mũi kim đã cùn về tập khâu chằm nón. Quả thật khó khăn, vất vả khi vào nghề này với cánh tay phải bị cụt. Mà cũng đúng thôi, bởi để làm được một chiếu nón hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc chọn lá, ủi lá, cắt, ghép, lên khuôn để khâu nón đều phải làm rất cẩn thận, người lành lặn còn gặp phải khó khăn huống chi người tật nguyền.

Nhưng rồi, có công mài sắt có ngày nên kim, không có việc gì khó nếu bền lòng, quyết chí làm. Sau nhiều đêm chong đèn tập luyện, lưng còng đau nhức, cánh tay cụt tê dại, bị kim khâu đâm tứa máu, sản phẩm đầu tay của chị đã ra đời trước sự thán phục của bà con lối xóm...

Chị Thúy biểu diễn chằm nón với cánh tay tật nguyền tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2013.

Đến nay, đã 36 năm chị Thúy gắn với nghề chằm nón, chủ yếu chị chằm nón bài thơ lồng hình ảnh sông Hương thơ mộng, cầu Tràng Tiền lịch sử, chùa Thiên Mụ cổ kính… tạo nên nét riêng cho nón Huế và tạo nên tên tuổi của chị.

Theo lời chị, trước đây có một hôm, một vị khách nước ngoài đến làng nón, tình cờ gặp lúc chị đang chằm nón, ông ta ngồi liền 4 tiếng đồng hồ để xem. Sau khi xem xong, vị khách đó mua chiếc nón và xin chị ký tên Thúy trên nón... Vị khách ra về, song chẳng hiểu sao từ ấy đã có rất nhiều khách nước ngoài đến xem và thương hiệu “Nón Thúy” cũng ra đời.

Chị vui mừng khoe: “Năm 2004, tui đại diện cho nghề nón Việt Nam sang Yokohama (Nhật Bản) dự Lễ hội Văn hóa Du lịch Việt Nam, khi đi mang 500 chiếc nón. Qua bên ấy, du khách mua hết, giờ nón tui làm chắc có ở nhiều nước lắm”...

Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế năm 2013, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, tổ chức từ ngày 27/4 đến 1/5, chị Thúy là một trong hơn 200 nghệ nhân trên cả nước đã góp phần tôn vinh giá trị nghề truyền thống Việt Nam.

Không gian “Nón Thúy” luôn đón nhận sự quan tâm đặc biệt cũng như những lời khen nức lòng như “tuyệt quá”, “kì diệu quá”, “khâm phục”… của du khách trong và ngoài nước

Ngọc Vũ
.
.
.