Có dấu hiệu lái xe đối phó với thiết bị giám sát hành trình

Thứ Hai, 13/08/2012, 05:15
Sau hơn một tháng thực hiện quy định lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe ôtô, đến nay đã có hơn 31.000 xe (trên tổng số 59.176 xe) thực hiện. Song, điều đáng chú ý là sau một tháng thực hiện quy định thì có những doanh nghiệp 90% thiết bị mới đưa vào sử dụng đã được lái xe báo hỏng. Liệu lỗi hỏng thiết bị là do vô tình hay là một chiêu đối phó của lái xe, doanh nghiệp?!
>> Thông tin thêm về tình trạng tràn lan hộp đen không chuẩn

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số doanh nghiệp hoạt động quy mô đều nhận thấy những lợi ích mà thiết bị giám sát hành trình (GSHT) mang lại; hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc quản lý phương tiện, người lái, hành trình và các chỉ số an toàn, quyền lợi cho hành khách đi xe.

Bên cạnh các tính năng cơ bản như quản lý tốc độ, hành trình, nơi đi, đến, số lần đóng mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục của tài xế, thiết bị GSHT còn giúp doanh nghiệp kiểm soát được lái xe và có thể dừng hoạt động của xe từ xa nếu lái xe không tuân thủ. Chính vì thế, đến thời điểm này, hầu như các doanh nghiệp thuộc diện buộc phải lắp đặt, đã tuân thủ và lắp đặt thiết bị. Nhưng vấn đề nảy sinh là lắp và sử dụng thiết bị như thế nào là hợp chuẩn, kiểm soát doanh nghiệp, kiểm soát lái xe ra sao cho hiệu quả thì vẫn là vấn đề nan giải.

Bộ GTVT sẽ lập đoàn kiểm tra việc lắp thiết bị GSHT tại các doanh nghiệp vận tải.

Sau 1 tháng thực hiện, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ôtô số 2 cho hay, có dấu hiệu nghi vấn lái xe đang tìm nhiều cách đối phó. Công ty có 200 đầu xe đã lắp đặt thiết bị GSHT nhưng tỷ lệ thiết bị còn hoạt động chỉ khoảng 10%. 90% thiết bị còn lại lái xe đều báo hỏng. Công ty vừa sửa xong thì lái xe lại báo hỏng. Không có nhiều thiết bị hỏng, song đại diện Hợp tác xã Thăng Long, đơn vị đang quản lý hơn 50 đầu xe có lắp thiết bị GSHT cũng thừa nhận, trong thời gian đầu đưa vào hoạt động, cũng có một vài xe có thiết bị không đáp ứng đúng nhu cầu như không phát tín hiệu, không ghi nhận hình ảnh…

Trở lại trường hợp liên tục lái xe báo hỏng thiết bị của Công ty cổ phần Vận tải ôtô số 2, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, lái xe có thể tác động đến thiết bị GSHT, tuy nhiên, để thực hiện việc này không hề đơn giản. Vì lái xe phải cần tới 15-20 phút để mở hộp đen rồi cắt dây nối. Điều này cũng có nghĩa là thiết bị ngừng hoạt động.

Nếu doanh nghiệp nào giám sát tốt, khi mất tín hiệu trên màn hình, sẽ biết được ngay vì nó sẽ báo về trung tâm điều hành. Và để kiểm tra xem thiết bị hỏng do lỗi lái xe cố tình hay do vô tình cũng là điều không khó. Còn doanh nghiệp nào nói rằng không thể kiểm soát được lái xe, thì cũng cần phải xem lại, vì đấy cũng có thể coi là cố tình lách luật.

Ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng QLVT thuộc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Để kiểm tra việc lắp thiết bị GSHT theo quy định, Sở cũng đã có văn bản giao cho bến xe, trung tâm quản lý bến kiểm tra ngay tại bến. Nếu xe nào chưa lắp thiết bị GSHT thì phải báo cáo ngay để xử lý...”. Tuy nhiên, ông Đạt cũng lo lắng: “Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải muốn thay xe, đổi thiết bị thì Sở chỉ có thể căn cứ vào giấy chứng nhận hợp chuẩn (của Bộ GTVT) mà cấp phép, chứ Sở không kiểm tra kỹ thuật được”. Như vậy việc kiểm tra thiết bị GSHT chỉ nằm trên giấy tờ?!

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng thừa nhận: “Sau 1 tháng thực hiện vẫn tồn tại một số vấn đề như: sử dụng thiết bị chưa phù hợp với quy chuẩn hay lắp mà chưa sử dụng vào việc quản lý và GSHT”...

Về việc lái xe tắt hoặc phá hỏng thiết bị, ông Thành cho hay: Theo lộ trình, đến tháng 7/2013 mới xác định trách nhiệm của người lái xe với việc lắp thiết bị và với phương tiện. Còn trước mắt trách nhiệm lắp và duy trì quản lý thiết bị thuộc về các doanh nghiệp...

Thanh Huyền
.
.
.