"Cò" bán máu trước cổng bệnh viện

Thứ Sáu, 18/02/2011, 14:45
Lân la ở những quán bán nước chè ngay trước cổng một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản TW…, chỉ cần mở lời tâm sự với bà chủ quán là cần máu truyền cho người nhà thì được bà bán quán nước "móc nối" luôn: "Chú cần bao nhiêu? Loại máu gì? Chị có người quen chuyên cung cấp đây này". Nói rồi bà chủ quán lấy điện thoại và gọi...

Hiện nay, lượng máu sử dụng trong các bệnh viện đang ngày càng trở nên khan hiếm, nhất là sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Nắm bắt được nhu cầu này, ngay tại cổng các bệnh viện xuất hiện khá đông các đối tượng "cò" bán máu. Việc mua bán máu tràn lan sẽ tiềm ẩn những nguy cơ đối với người bệnh từ việc chất lượng máu không đảm bảo. Bên cạnh đó, không ít "cò" lợi dụng người bệnh đang rơi vào thế "bí" để bắt chẹt giá.

Nhan nhản "cò" bán máu

Cuối tháng 12/2010, chị Lương Thị Duyên, ở xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, Nam Định nhập viện Việt Đức - Hà Nội điều trị bệnh về mật và cần phải phẫu thuật gấp. Do bệnh viện không đủ lượng máu để cung cấp cho người bệnh nên gia đình chị Duyên rất hoang mang, lo lắng không biết làm cách nào. Trong một lần chồng chị ngồi quán nước chè ngay cạnh cổng bệnh viện thì có một người đàn ông đến, kéo ghế ngồi cạnh và đặt vấn đề: "Anh cần nhóm máu gì? Bao nhiêu?".

Khi cho biết vợ mình cần nhóm máu O thì người đàn ông này "Ok" ngay với điều kiện ngoài tiền máu còn phải trả 1,2 triệu đồng gọi là phí môi giới. Đó là chưa kể đến phí xét nghiệm… Đang như sắp chết đuối vớ được cọc, mặc dù hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo của địa phương nhưng gia đình chị Duyên phải đồng ý mua với giá 1 triệu đồng/đơn vị máu cộng với tiền chênh lệch cả thảy là 2,5 triệu đồng.

Chúng tôi đã có buổi lân la ở những quán bán nước chè ngay trước cổng một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản TW… Chỉ cần mở lời tâm sự với bà chủ quán là cần máu truyền cho người nhà thì được bà bán quán nước "móc nối" luôn: "Chú cần bao nhiêu? Loại máu gì? Chị có người quen chuyên cung cấp đây này".

Nói rồi bà chủ quán lấy chiếc điện thoại và bấm: "Người quen cung cấp cho nhiều người bệnh rồi nên chú cứ yên tâm, giá cả cũng mềm nữa". Một lúc sau, có một người khác đến và "giao dịch" được vận hành luôn: "Em cần loại máu gì? Bao nhiêu?". Khi tôi trình bày có người nhà đang cấp cứu, cần phải truyền máu gấp loại O mà không có máu. Bây giờ đang cần 2 đơn vị máu.

Quán nước trước cổng bệnh viện là nơi các "cò" bán máu thường "giao dịch"
 với người nhà bệnh nhân.

Người đàn ông này liền thoả thuận: "Máu này được lấy của người khỏe mạnh, đảm bảo không bệnh tật, là sinh viên cần tiền đi bán máu thôi. Bây giờ, em đặt cọc trước cho anh 500.000 đồng, anh sẽ để lại số điện thoại để liên lạc cùng chứng minh nhân dân làm tin". Thấy tôi còn đang phân vân, người đàn ông này lại tiếp: "Bây giờ đầu năm hiếm máu lắm. Không lấy nhanh là có người khác lấy luôn đấy".

Bà chủ quán nước cũng thêm vào: "Cậu đặt cọc luôn đi. Giá như thế là mềm rồi. Lấy đi, đừng chần chừ gì nữa. Cứu người mới là quan trọng". Tôi liền hỏi phí và thủ tục thì được người đàn ông này "làm giá": "1,2 triệu đồng/đơn vị máu. Chú cho anh xin thêm 1 triệu tiền công. Được như vậy thì sẽ có người cho máu luôn". Tôi kêu đắt thì được anh này "động viên": "Mới ra Tết, hiếm máu lắm. Em đi chỗ khác giá còn cao hơn".

Cần quản lý chặt

Hiện tượng các "cò" bán máu hoạt động xung quanh các cổng bệnh viện đang trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận. Trao đổi về vấn đề này, theo đại diện của Công an phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội thì trước đây đã xảy ra hiện tượng các đối tượng hoạt động tín dụng "đen", nghĩa là cho những người đi bán máu đang cần tiền gấp vay ngắn hạn với lãi suất cao. Còn tình trạng "cò" bán máu, Công an phường vẫn chưa nhận được phản ánh nào của người dân.

Tuy nhiên, quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi nhận thấy, mặc dù hàng năm hưởng ứng các phong trào hiến máu tình nguyện do các cơ quan chức năng tổ chức cộng với nguồn máu mua của người bán máu, nhưng nguồn cung vẫn chưa đủ cầu. Thế là khi có người cần cấp cứu, phẫu thuật, nhiều gia đình lại rơi vào hoàn cảnh mua máu thông qua "cò" với giá cao như gia đình chị Duyên nói ở trên.

Một trong những vấn đề phát sinh khi các đối tượng "cò" bán máu hoạt động chính là việc lợi dụng người nhà bệnh nhân rơi vào "bước đường cùng" để ép giá. Bên cạnh đó, theo nhân viên tư vấn tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nếu một người hiến máu 2 lần liên tiếp thì phải cách nhau từ 3 tháng mới đảm bảo chất lượng máu, cũng như sức khỏe của người cho máu.

Tuy nhiên, với việc các "cò" bán máu dẫn người tràn lan thì việc kiểm soát chất lượng máu cho các người bệnh cũng trở thành vấn đề bị thả nổi. Chỉ cần nhận là người thân của người bệnh, các "cò" bán máu có thể dẫn người bán máu nhiều lần. Thực tế, việc mua bán máu vẫn đang diễn ra khá rầm rộ tại khu vực ngay cổng Bệnh viện Việt Đức. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn cũng như quản lý hoạt động mua bán máu, đảm bảo sức khỏe, độ an toàn cho chính những người bệnh đang cần máu để điều trị.

Ngày 20/2, "Lễ hội Xuân hồng 2011" được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp cùng Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức với sự tham gia của 20.000 người. Thông qua thông điệp "Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng", lễ hội Xuân hồng 2011 hy vọng sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu của 20.000 trái tim nhân ái, đặc biệt là sự quan tâm của các bạn trẻ cùng tham gia hiến máu.

Nhằm giảm sự chờ đợi, Ban tổ chức sẽ điều 80 xe ôtô đưa đón người hiến máu. PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Tết năm nay SV và người lao động được nghỉ bù, nghỉ phép khá dài, mặc dù Viện đã có chuẩn bị khá tốt trước Tết nhưng tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do số bệnh nhân nhập viện trở lại tăng rất nhanh và số ca cấp cứu cũng tăng nhiều". Dự kiến lễ hội sẽ thu gom khoảng 5.000 đơn vị máu toàn phần và cho 1.300 đơn vị tiểu cầu nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng sau Tết Nguyên đán.

(PV)

N.Hương
.
.
.