Chuyện về những người mẹ một thời lầm lỗi

Thứ Tư, 11/02/2009, 18:28
Họ đều là những phụ nữ có vẻ bề ngoài xinh đẹp và có tri thức hẳn hoi nhưng đã mắc lỗi lầm, họ đã phải trả giá cho những lỗi lầm của mình là suốt những tháng ngày nằm trong trại giam lạnh lẽo.
>> Tâm sự của nữ phạm nhân ngày rời trại giam

Mùa xuân này, là những trại viên cải tạo tốt, họ đã được đặc xá trở về sum họp cùng gia đình. Tâm trạng của những người phụ nữ ấy, quãng đời còn lại quả là quý giá vô cùng, họ sẽ bù lại, dành từng giây từng phút trở về sưởi ấm bên con…

"Ngày cưới con gái em không có mặt"…

Người phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa là Lê Thị Liên ở đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từng là một cô giáo dạy văn nhiều năm nên lời ăn tiếng nói của chị rất nhẹ nhàng êm dịu. Nhưng khuôn mặt ấy vẫn cứ đượm một nỗi buồn sâu thẳm. Chị bảo rằng những lỗi lầm mà chị gây ra đã để lại cho gia đình, chồng con những thiệt thòi lớn, sự ngăn cách về tình cảm.

Vốn là cô giáo dạy văn nên tâm hồn người phụ nữ ấy rất nhạy cảm và đa đoan. Từ khi sinh con gái đầu lòng, từng ngày từng giờ chị mong con khôn lớn thành người. Thế mà ngày con gái bước lên xe hoa về nhà chồng, chị chẳng thể ở nhà chứng kiến lo toan và chúc phúc cho con. Nói tới đây, nước mắt người phụ nữ này cứ tự nhiên giàn giụa, nghẹn ngào.

Chị kể rằng, 10 năm trước (năm 1998) chị đã mắc một lỗi lầm nghiêm trọng. Khi ấy chị là thành viên của Công ty Cựu chiến binh (Hà Nội), do làm ăn thất thoát, chị đã làm biến mất 31.000 USD của công ty mà không có khả năng thanh toán, phạm tội lừa đảo. Chị đã phải trả một giá quá đắt cho cuộc đời mình với mức án 18 năm tù giam. Chị vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy khi tòa tuyên án, là tiếng gọi "mẹ ơi" xé lòng của đứa con gái yêu.

Vậy là, không chỉ mang tội với xã hội, chị đã cướp đi cả tình yêu thương của chồng con và gia đình dành cho chị. Đường đời phía trước dường như sụp đổ, tạm giam ở Hỏa Lò một thời gian rồi chị chuyển về thụ lý ở trại Thanh Xuân.

10 năm ở trại, chồng con cứ đằng đẵng đợi chờ trong mòn mỏi, mỗi lần gặp nhau trong vội vã nơi cửa buồng giam, nhìn bóng dáng liêu xiêu của con trẻ khuất dần mà lòng người mẹ như quặn lại. Chị quyết tâm phải cải tạo thật tốt để hy vọng sớm được trở về tạ lỗi với chồng con. Chị được quản giáo Quyên giúp đỡ tận tình, động viên những lúc yếu lòng và lại gạt nước mắt mà gượng dậy.

Mới đầu là trại viên tích cực, phấn đấu thành người quản lý ở đội thi đua số 25 trại giam Thanh Xuân, chị hy vọng rằng sẽ được trở về thật sớm để được chăm chút sức khỏe cho chồng (chồng chị bị bệnh áp huyết cao) và chăm lo cho con gái sắp đến tuổi cập kê. Đường từ nhà đến Trại Thanh Xuân thật dài, vậy mà chẳng buổi tiếp tế nào chồng con chị vắng mặt. Họ đang mong đợi từng ngày chị được trở về.

Và chị đã cười hạnh phúc khi con gái đến báo tin cho mẹ: "Con sắp lên xe hoa về nhà chồng". Nhiều đêm chị nằm khóc và nguyền rủa bản thân mình đã không là một người mẹ tốt…

Chúng tôi gặp chị tại trại Thanh Xuân trước ngày đặc xá. Thật khó có thể nói hết nỗi niềm của người mẹ ấy. Ánh mắt nhìn xa xăm, chị cầu ước rằng ngày trở về chị sẽ làm tất cả, giành tất cả sức lực còn lại trong đời để chồng con được hạnh phúc, lấp đầy nỗi đau mà chị đã gây ra cho họ.

"10 năm con em không có chỗ tựa"

Không giống với chị Liên, có một người chồng nén nỗi buồn để chờ đợi vợ mãn hạn tù trở về. Chị Nguyễn Thị Đức ở thị xã Sơn La cũng là một phụ nữ xinh đẹp và khéo nói. Chỉ vì hám tiền mà chị đã bị lĩnh án 14 năm tù về tội lưu hành tiền giả. Đức đâu có ngờ, sự "ấu trĩ" về luật pháp của mình đã khiến một gia đình hạnh phúc phải ly tan.

Ngày Đức bước vào trại giam đứa con gái bé bỏng mới bập bẹ biết gọi "mẹ". Nỗi đau của người mẹ phải rời xa con thơ chưa thể nguôi ngoai thì 6 tháng sau, lại ập đến tin sét đánh của người em trai: "Bố mất rồi chị ạ".

Cạn nước mắt về những nỗi buồn nhưng vẫn là "lực bất tòng tâm", chẳng thể ùa về bồng bế con thơ, cũng chẳng thể trở về báo hiếu với cha trong ngày vĩnh biệt. Chị lại cảm thấy hận mình vô cùng.

Được sự giáo dục giúp đỡ của các quản giáo ở trại Thanh Xuân, nỗi đau cũng nguôi ngoai dần khi hàng ngày chị lao vào công việc may mặc ở phân xưởng. Chị Đức kể rằng, những năm đầu thỉnh thoảng chồng đưa 2 con đến trại thăm mẹ, rồi thưa dần và vắng hẳn. Cuối cùng chị cũng biết sự thật, vì vợ thụ án lâu, chồng chị đã chung sống với người đàn bà khác.

Đêm đêm thức trắng, chị mường tượng cảnh 2 con thơ dại phải sống bơ vơ không cha không mẹ thì chị ước gì mình có đôi cánh để trở về bên con âu yếm vỗ về. Người mẹ tội lỗi ấy đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì thương nhớ con thơ.

Chị thường nói với các bạn tù ở phân xưởng may rằng: "Nếu phải làm suốt đêm thâu rồi được trở về với con sớm hơn thì đó là một ân huệ lớn". Thế mới biết, khi tình mẫu tử phải chia lìa thì nỗi đau giày vò đến quằn quại tâm can. Khi người em trai báo tin rằng, đã đưa 2 con chị về nuôi và 2 con chị vẫn khoẻ mạnh chăm ngoan thì Đức vui như hội. Chị bỗng như trở thđnh người khác, rộn ràng và cải tạo tích cực, chỉ mong sao sớm về với con từng giây từng phút.

Rất nhiều những người mẹ tội lỗi chúng tôi đã gặp, tất cả họ đã thấm thía một điều rằng, nếu còn sống trên cõi đời này thì sẽ không bao giờ làm điều gì vi phạm tổn hại tới tình cảm thiêng liêng nữa, không bao giờ làm đau đớn những trái tim thơ trẻ và sớm trở về để sưởi ấm những gia đình đã nguội lạnh.

Và, trong 15.000 phạm nhân đã được đặc xá nhân dịp Tết Kỷ Sửu này, chắc chắn rằng họ sẽ thấm thía tội lỗi hơn ai hết mà trở thành người lương thiện

K.Quý - Đ.Trường
.
.
.