Chuyện về người nguyện hiến xác cho y học ở Nghệ An

Thứ Tư, 27/04/2011, 15:08
Khát khao được cống hiến cho y học đã theo đuổi ông Lương Hoài Nam từ khi còn trẻ đến lúc bạc đầu và ông nguyện gắn bó với ngành y cả khi chết rồi. Thế nhưng việc hiến xác cho y học của ông đã gặp phải những rào cản từ người thân... Và rồi ông đã "quy phục" được vợ, bằng câu nói “Mình hiến xác là mình được sống mãi...”!

Với ông, hiến xác cho y học là được sống tiếp một cuộc đời khác ý nghĩa hơn. Ông là thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam (53 tuổi), giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã có cuộc thăm nhà ông, để gặp, để nghe ông nói về hành động còn rất mới mẻ này ở Nghệ An.

Sống là cống hiến…

Nhà ông Nam ở xóm Xuân Định (xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An). Không chút giấu giếm về cái ý định “điên rồ” của mình. Ông tâm sự: “Ngày trẻ tôi thích học y lắm. Cứ thấy hình ảnh người bác sỹ trẻ khoác chiếc áo blouse trắng lại nghĩ thèm. Khát vọng được làm nghề y cứ quyến luyến, thôi thúc. Và tôi nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Y Hà Nội để thỏa mãn ước mơ ấy”.

Lúc chờ kết quả thi, ngành Công an về tuyển, ông tham gia và đậu. Thương con sau này vất vả, nghĩ nghề giáo an nhàn hơn nên bố ông đã xin cho ông chuyển sang ngạch sự phạm ở Trường Đại học Sư phạm Vinh (hiện là Đại học Vinh). Khát vọng được theo đuổi ngành Y luôn âm ỉ cháy nên ông đã chọn ngành Sinh học cho “gần gũi” với nghề bác sỹ.

Đơn tự nguyện hiến xác của ông Nam.

Dẫu vậy, nỗi “thèm thuồng” ngành Y vẫn cứ bám riết lấy ông. Vậy là đang học năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm Vinh thì ông “cả gan” nộp đơn thi vào Trường Đại học Y. Oái ăm thay điểm dự thi của trường Y lại nằm ở trường ông đang theo học; ông đã phải hóa trang rất kỹ trong ngày đi thi để tránh bị "lộ". Nhưng trong một môn thi, giám thị của trường nhận ra cậu học trò của mình đi “thi trộm”.

Ông Nam nhớ lại: “Lúc bấy giờ nhà trường đã họp lên họp xuống nhiều lần. Họ họp để đuổi học tôi vì can tội đi “ngoại tình” vì lúc đó việc một sinh viên được theo học nhiều trường không phải dễ dàng như bây giờ”. May mắn cho ông là giáo viên chủ nhiệm thuyết phục nhà trường nên ông thoát "án" bị đuổi học. Học xong và sau này trở thành nhà giáo ở nhiều địa điểm và nơi dừng chân gần nhất là Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 tỉnh Nghệ An nhưng hai chữ “ngành Y” vẫn âm ỉ cháy trong ông.

“Tuổi thì ngày càng cao nhưng khát vọng trở thành bác sỹ vẫn luôn ấp ủ nên năm 2008 tôi quyết định đi học để trở thành sinh viên ngành Y. Một "ông lão" 50 tuổi còn cắp cặp đi học nên nhiều người nghĩ tôi có vấn đề, thích làm chuyện khác người. Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình”.

Và rồi những ngày sau đó, tại Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh - Nghệ An), người ta thấy một người đàn ông luống tuổi cắp cặp theo lớp trẻ ngồi trong giảng đường chăm chú học. Và có lẽ từ ngày có ông, lớp học y sỹ y học cổ truyền khóa 5 (Y D5) luôn được sự chú ý của nhiều sinh viên trong trường. Với sự nghiêm túc cùng với vóc dáng mô phạm của mình, “cậu sinh viên U50” luôn bị lầm là giảng viên.

“Anh ấy học rất nghiêm túc, thông minh, có trí tuệ và rất chăm học”, ông Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh nhận xét. Và cũng chính tình yêu với y học quá lớn nên ông Nam đã bảo vệ thành công đề án thạc sỹ về cây thuốc dân tộc Thái vùng Tây - Bắc Nghệ An.

Vượt qua sức ép tâm linh

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cho hay: “Anh hiến mình là vì một nền y học của nước nhà tiên tiến. Với tư cách là những người thầy thuốc, chúng tôi rất cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của anh Nam. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ rồi quan niệm về tâm linh... để hiến tặng thể xác của mình. Nhà trường sẽ làm một số thủ tục tiếp theo để phù hợp với luật pháp và tâm linh của người Việt. Mặt khác cũng phải làm thế nào để khai thác công năng tối đa đáp ứng được tình cảm của người cho. Nhà trường không chỉ có nhu cầu về một xác mà cần nhiều hơn nữa vì sự phát triển của cộng đồng, y học…”.

Trong lá đơn hiến xác gửi đến Trường Đại học Y khoa Vinh, ông Lương Hoài Nam viết: “Vốn yêu thích nghề y nên từ nhỏ tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về ngành này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Gặp ông Lương Hoài Nam mới vỡ lẽ, khát khao được cống hiến cho y học đã theo đuổi ông từ khi còn trẻ đến lúc bạc đầu và ông nguyện gắn bó với ngành y cả khi chết rồi.

Tất nhiên ban đầu tâm nguyện của ông vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, nhất là vợ ông. Nhưng bằng những tâm tình, bằng những lời thuyết phục chí tình, cuối cùng ông đã thuyết phục được gia đình. Câu nói khiến ông "quy phục" được vợ, ấy là “Mình hiến xác là mình được sống mãi...”!

Chia tay ông, nghĩ về cái sự “nghiện y học” trong cách nói chuyện của ông khiến ý nghĩ ông đang PR cho “tham vọng” của mình trong chúng tôi biến mất. Hy vọng rằng trong cuộc sống sẽ có nhiều hơn nữa những người “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” như ông Nam

Tùng Nguyễn - Sông Lam
.
.
.