Chuyện về Đại úy Biên phòng cứu người giữa dòng sông Cán Gáo

Thứ Hai, 04/03/2013, 09:53
“Mỗi lần tham gia cứu nạn, cứu hộ là mỗi kỷ niệm không thể nào quên. Suốt hơn 10 năm làm công tác trinh sát, tuần tra trên biển, tôi đã tham gia hàng chục lần cứu người và phương tiện an toàn” - Đại úy Nguyễn Văn Minh cho biết.

Ngày truyền thống Biên phòng 3-3 năm nay, đối với Đại úy Nguyễn Văn Minh - nhân viên thông tin, Ban Tham mưu, Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là một kỷ niệm rất khó quên. Anh nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ anh em, đồng đội và của người dân Kiên Giang nơi anh đóng quân, cũng là nơi mà chỉ 3 tuần trước, anh đã quên mình, dũng cảm lao ra giữa dòng nước hung hãn để cứu 5 người sắp chết đuối, trong đó có hai em nhỏ…

Và cũng từ thành tích đặc biệt này, chỉ 1 ngày sau đó, anh đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký quyết định thăng quân hàm trước niên hạn từ Thượng úy lên Đại úy…

Ba tuần đã trôi qua nhưng kể từ buổi chiều đi chúc Tết về bị lật xuồng trên sông Cán Gáo (đoạn gần bến phà Xẻo Rô trên QL63, thuộc ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang), Đoàn Hồng Chương – một trong 5 người đi trên chiếc xuồng bị lật vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng, nhớ lại: “Lúc đó gần 4h chiều. Em với dì Út Linh (tức chị Phạm Thị Tường Linh, 35 tuổi) cùng hai cháu là Quách Ngọc Tường (3 tuổi), Quách Lan Tường (9 tuổi) và bạn của dì Út Linh (Lâm Tuấn Anh, 27 tuổi) bơi xuồng qua sông để chuẩn bị đưa hai cháu về thăm ông ngoại ở ngoài TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Khi xuồng ra tới giữa sông, có chiếc vỏ lãi chạy nhanh qua gây sóng lớn nên xuồng bắt đầu vô nước, làm mọi người mất bình tĩnh. Tiếp sau đó, một số mảnh ván bên hông xuồng bỗng vỡ ra khiến xuồng mất thăng bằng lật úp rồi chìm rất nhanh. Em chỉ kịp nhào tới chụp được cháu Tường với dì Út Linh. Do phải dìu hai người không biết bơi, khúc sông bị chìm xuồng lại rộng và sâu nên em dần đuối sức.

Rất may lúc đó có một chú bộ đội (tức Đại uý Minh - PV) bơi ra dìu Tường vô bờ. Sau đó, chú lại trở ra dìu tiếp dì Linh. Sau đó chú này còn cùng với bà con hai bên bờ sông giúp dìu cháu Lan Tường với bạn của dì Linh vô bờ.

Anh Quách Ngọc Ẩn, cha của Ngọc Tường và Lan Tường xúc động: “Nếu không có chú Minh thì coi như vợ chồng tui mất hai đứa con rồi”. Anh Ẩn cho biết thêm, hú hồn sau vụ việc, vợ chồng anh có tìm đến cảm tạ nhưng Đại úy Minh dứt khoát không nhận, mà nói rằng: “Việc cứu người gặp nạn là việc mà bất kỳ ai nhìn thấy đều phải làm. Là bộ đội, thì việc cứu người càng là bổn phận và nhiệm vụ”.

Cả ba tuần qua, dù được bà con miền Tây sông nước gọi là “kình ngư” nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ khi được biết Đại úy Minh được sinh ra tại Gia Xuyên, Gia Lộc (Hải Dương). Học xong Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nam Ninh (nay là Nam Định), năm 1992, anh lại tình nguyện nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện Biên phòng (Vĩnh Phúc), anh được điều về Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho đến nay.

Đại úy Nguyễn Văn Minh cùng hai cháu Ngọc Tường, Lan Tường và cha mẹ của hai cháu.

Đại úy Minh kể, nhiều người nghĩ rằng anh biết bơi từ hồi nhỏ nhưng thực tế, mãi khi được phân công về Hải đoàn 28, anh mới tranh thủ học bơi và cũng từng nhiều lần bị uống nước đầy bụng trước khi biết bơi.

Anh kể thêm rằng suốt từ năm 1995 đến 2012, anh được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng chủ yếu vẫn theo tàu đi tuần tra, trinh sát khắp các vùng sông nước Tây Nam Bộ, vùng biển Cà Mau, Vũng Tàu, Phú Quốc.

Năm 1996, anh được phân công đi cứu hộ và trục vớt tàu Hải Lợi 2. Do sóng to, gió lớn, tàu bị chìm ngoài khơi biển Phú Quốc làm nhiều người trôi dạt lênh đênh trên biển. Sau khi các thủy thủ trên tàu được mọi người cứu giúp an toàn, anh và đồng đội được đơn vị giao nhiệm vụ trục vớt tàu.

Vậy là ngày đêm anh lặn ngụp dưới áp lực của sóng biển để xác định vị trí tàu và trục vớt an toàn, giao cho chủ phương tiện. Thấy các anh làm việc hết mình, chủ tàu rơm rớm nước mắt: “Chúng tôi thật tốt phúc khi được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Hải đoàn 28 cứu giúp cả người lẫn tàu”.

Hồi cơn bão số 5 (tháng 11/1997) đổ bộ vào các tỉnh ven biển Tây Nam, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm, hàng nghìn người bị chết và mất tích, Đại úy Minh lại được đơn vị phân công theo tàu ra ngoài khơi đảo Hòn Khoai (Cà Mau). Nhiều ngày lênh đênh trên biển anh đã cùng đồng đội góp sức kéo hàng chục tàu, vớt hàng trăm xác ngư dân.

“Mỗi lần tham gia cứu nạn, cứu hộ là mỗi kỷ niệm không thể nào quên. Suốt hơn 10 năm làm công tác trinh sát, tuần tra trên biển, tôi đã tham gia hàng chục lần cứu người và phương tiện an toàn” – anh cho biết.

Nhiều đồng đội của Đại úy Minh kể rằng, anh còn rất nhiệt tình tham gia cùng với chính quyền địa phương đi dọc theo Miệt Thứ (thuộc các huyện An Biên, An Minh,… tỉnh Kiên Giang) tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Rồi anh cũng là người hăng hái nhất trong những chuyến công tác dài ngày về vùng sâu tuyên truyền về biển, đảo, về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Có rất nhiều chuyến đi lênh đênh trên biển dài ngày, lúc thì một tuần, đôi khi vài ba tháng, phải xa nhà, xa gia đình nhưng anh vẫn rất hăng hái…

Chúng tôi nhìn lên bảng thành tích của Đại úy Minh mà cảm nhận được điều người khác nói về anh. Anh có gần 20 Giấy khen, Bằng khen của Hải đoàn 28, của Tỉnh đoàn Kiên Giang về hoạt động đoàn, các mặt công tác khác nhau và của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về thành tích tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuần tra bảo vệ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

“Lúc thấy người bị nạn, tôi chẳng kịp suy nghĩ gì hết, chỉ biết ngay lập tức phải lao vào ứng cứu bằng tất cả phương tiện và sức lực, kể cả có nguy hiểm đến tính mạng của bản thân cũng vẫn phải hành động”. Đại úy Minh kể thêm hôm cứu xong 5 người vào bờ, anh bị tăng huyết áp phải đưa vào trạm xá cấp cứu mất mấy giờ đồng hồ mới quay lại làm nhiệm vụ được.

Thái Bình
.
.
.