Chuyện những cựu binh giữ rừng...

Thứ Sáu, 04/10/2013, 13:27
Đó là những cựu chiến binh (CCB) làng Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, suốt mấy chục năm nay luôn thay phiên nhau túc trực hằng ngày để giữ cánh rừng nguyên sinh mà người dân địa phương gọi là “rú Dẻ” rộng gần 100ha nằm trên đồi cát của làng…

Không ai biết chính xác rú Dẻ có tự bao giờ, các cụ cao niên trong làng chỉ biết rằng “lúc mới sinh ra đã thấy có cây to vài người ôm”. Sở dĩ người làng Thượng Hòa gọi là rú Dẻ vì trong rừng 80% là cây dẻ, ngoài ra còn một số loại gỗ quý như lim, gõ… Dẫn chúng tôi đi dưới tán rừng dẻ bạt ngàn, ông Trần Đức Vĩnh, Hội trưởng Hội CCB thôn Cây Si, làng Thượng Hòa cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ bên cạnh căn cứ trận địa pháo làng Thượng Lập thì rú Dẻ là một trong những địa bàn đóng quân then chốt của bộ đội ta, người dân dùng cây to để làm hầm trú ẩn, đài quan sát… cho bộ đội.

Trong rú Dẻ có nhiều trận địa pháo 37, kho lương thực bây giờ vẫn còn dấu tích. Đặc biệt, rú Dẻ còn là nơi giữ nguồn nước ngầm cho người dân Thượng Hòa. Vậy nhưng, sau năm 1972, khi Mỹ đánh bom B52 để phá trận địa pháo của bộ đội ta, rú Dẻ bị “cày phá” tan hoang, không còn một bóng cây. Mất rừng, hơn 3 năm giếng nước làng Thượng Hòa khô cạn, mùa màng thất bát, đồi cát rú Dẻ bắt đầu có hiện tượng cát bay, cát nhảy, lấp đất, lấp ruộng của người dân…

Rú Dẻ là mạch sống của làng Thượng Hòa.

Nhận ra tầm quan trọng của rú Dẻ, HTX Thượng Hòa phối hợp với Hội CCB kêu gọi nhân dân cùng nhau chăm sóc, bảo vệ đồng thời tiến hành họp dân, lập ra một bộ hương ước rõ ràng để xử phạt những người có hành vi xâm hại rú Dẻ. Một trong những “điều khoản” quan trọng là cứ mỗi lần vi phạm sẽ bị phạt 50kg thóc, có thể tăng gấp đôi, gấp ba tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Hội CCB Thượng Hòa đảm nhiệm việc bảo vệ rú Dẻ. Mỗi ngày, sẽ có hai người trong hội đi giữ rú, nhiều cụ tuổi đã ngoài 80, lại là nữ nhưng vẫn hăng hái “xông pha” đi tuần tra bảo vệ rừng. “Cách đây 4 năm, có một xe tải nặng của một công ty ở thị trấn Hồ Xá, cách rú chừng 2km chở rác, xà bẩn hôi thối đổ vào rú Dẻ. Chúng tôi ngăn chặn nhưng bị chống trả, buộc phải gọi thêm sự hổ trợ từ dân quân tự vệ của làng mới áp giải chiếc xe về trụ sở HTX để xử phạt. Bận đó, chiếc xe tải bị phạt 700 ngàn và phải dọn sạch đống xà bẩn đi nơi khác xử lí. Sau vụ đó, số người vi phạm lệ làng giảm hẳn” - ông Vĩnh nhớ lại.

Sau 35 năm được hồi sinh, đến nay rú Dẻ Thượng Hòa rộng gần 100 ha, chủ yếu là cây dẻ, ngoài ra có những loại gỗ quý như lim, gõ, nếp, đài lòn, tràm bù, nhiều cây thuốc quý, là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú… . Rú Dẻ bảo vệ nguồn nước ngầm cung cấp cho 110ha đất sản xuất và nước sinh hoạt cho gần 600 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu của năm thôn Cầu Điện, Cây Si, Nhà Tài, Xóm Mội, Hòa Lộ. Đến mùa hạt dẻ hay mùa nấm, rú Dẻ là nơi kiếm thêm thu nhập của người dân.

Nhờ nguồn nước ngầm rú Dẻ cung cấp, nhiều hộ dân ở Thượng Hòa phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, đặc biệt có trên 20 trại cá giống lớn nhỏ và 2 vùng chuyên trồng rau sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó kinh tế đi lên. Anh Trần Đức Hoài, ở thôn Cầu Điện cho biết: “Nước ở đây không bao giờ thiếu, nhờ nuôi cá giống mà gia đình tôi trở nên khấm khá”.

Phó Chủ tịch xã Vĩnh Long, ông Trần Quốc Lương cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc hợp tác xã Thượng Hòa cùng các bác cựu chiến binh có tinh thần bảo vệ rú Dẻ và sẽ cùng phối hợp với làng để bảo vệ rú tốt hơn”.

Với địa thế gần thị trấn Hồ Xá vừa được công nhân đô thị loại V và có tương lai phát triển nhanh chóng, chính quyền và nhân dân Thượng Hòa hi vọng, có một ngày rú Dẻ được khai thác hết tiềm năng, trở thành khu du lịch sinh thái đẹp

Bảo Ngọc
.
.
.